Multimedia Đọc Báo in

Bài học về lòng yêu nước từ những bức ảnh

07:28, 27/07/2021

Tôi sinh ra, lớn lên trong một gia đình có truyền thống cách mạng nên những bài học về lòng yêu nước được truyền dạy, bồi đắp một cách rất tự nhiên qua những câu chuyện kể về người thật, việc thật của gia đình.

Các bác tôi - hai anh trai của bố, một người đã ngã xuống nơi chiến trường ở tuổi hai mươi; người còn lại sau khi xuất ngũ một thời gian thì mất vì sốt rét, căn bệnh mắc phải từ những ngày hành quân ở rừng. Tôi được bà nội kể nhiều lần chuyện về cơn sốt rét rừng đã quật ngã những người lính trẻ khỏe tuổi đôi mươi, về tác dụng của những viên thuốc ký ninh một thời. Bà nội tôi có một người cháu ruột hy sinh ở Xuân Lộc, Đồng Nai – cửa ngõ Sài Gòn vào ngày 29-4-1975, một ngày trước khi lá cờ chiến thắng tung bay trên Dinh Độc Lập. Bà cứ ước ao: “Giá nó có thể chiến đấu được thêm một ngày nữa! Nó còn chưa kịp lấy vợ!”. Mộ phần của các bác nằm lại ở nghĩa trang liệt sĩ,  còn ban thờ do bà nội tôi hương khói. Hằng năm, các bác có tới hai ngày giỗ: một ngày hy sinh và ngày 27-7. Những lần thấy bà lặng lẽ thắp hương, lau nước mắt trước ban thờ của bác, tôi càng thấm thía bài học về lòng yêu nước, về sự hy sinh quên mình cho độc lập, tự do của dân tộc mà không cần bà phải kể thêm câu chuyện nào. 

Thế hệ 8X của chúng tôi dù không một ngày trải qua bom đạn chiến tranh, mất mát đau thương nhưng tinh thần yêu nước được nuôi dưỡng, trao truyền một cách chân thực từ chính sự hy sinh của các thành viên trong gia đình. Tôi vẫn nhớ đề một bài làm văn phân tích một đoạn trích trong tác phẩm của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Ðó là một truyền thống quý báu của ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt qua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước”. Đề văn đó không chỉ xuất hiện trong giờ học văn mà cả trong những bài học lịch sử, thầy cô vẫn giảng cho chúng tôi nghe. Có lẽ vì được nghe nhiều, được thẩm thấu từ chính trong gia đình nên mỗi dịp cùng bà nội đến dự buổi gặp mặt các gia đình chính sách nhân Ngày Thương binh - Liệt sĩ 27-7 hằng năm, tôi lại nhớ đến câu nói đó của Bác Hồ. Nhìn những mái đầu bạc trắng, những khuôn mặt nhăn nheo đầy vết đồi mồi của các bà là mẹ, là vợ, là thân nhân liệt sĩ – giống như bà nội tôi – tôi tin rằng các bà đang rất tự hào vì sự hy sinh của những người thân đã góp phần làm nên cuộc sống thanh bình hôm nay cho cả dân tộc.

Bà nội tôi đã mất nên ban thờ những người bác liệt sĩ được gia đình tôi tiếp tục lo hương khói. Trên ban thờ nay có thêm một bức ảnh mới của bà bên cạnh những bức ảnh cũ của các bác đã nhuốm màu thời gian. Mỗi lần cùng các con về thắp hương, tôi lại kể với con mình về người mà chúng gọi bằng ông là ai, đã hy sinh ra sao? Bọn trẻ sẽ là người tiếp tục hương khói cho vong linh của ông sau này nên các con cần được biết để tự hào về truyền thống cách mạng của gia đình mình, để bài học về lòng yêu nước được tiếp tục trao truyền, tiếp nối…

Bình An


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.