Chăm bẵm "báu vật" rừng
Luôn nhận được sự chăm sóc chu đáo, tận tình của các nhân viên Trung tâm Bảo tồn voi, hai chú voi rừng được cứu hộ cách đây hơn 5 năm nay đang dần trưởng thành. Chúng hiện là hai con voi trẻ nhất trong đàn voi nhà của tỉnh và được xem như là “báu vật” trong công tác bảo tồn voi.
"Vú nuôi" của voi
Dưới tán rừng khộp, khu nuôi nhốt hai chú voi của Trung tâm bảo tồn voi rộng khoảng 1ha được chia ra làm hai khu vực, một dành cho voi Jun (10 tuổi), phần còn lại là của voi Gold. Ở trong đó, hai chú voi đang thỏa thích phá phách, đưa vòi nghịch ngợm bên hồ tắm, khám phá những dụng cụ vui chơi… mà các nhân viên Trung tâm Bảo tồn voi đã xây dựng cho chúng.
Bên ngoài, anh Cao Xuân Ninh cùng một nhân viên Trung tâm đang chuẩn bị dưa hấu, khoai lang, mía, cỏ cho chúng ăn. Cạnh đó, là những thiết bị y tế, thuốc men để trị thương cho voi. Công việc của họ là cung cấp thức ăn, nước uống, huấn luyện, chữa trị vết thương cho voi. Trải qua hơn 5 năm gắn bó với nhau, các nhân viên ở đây và cặp voi đã trở thành bạn thân, mỗi lời nói, hành động của nhân viên chúng đều hiểu và ngoan ngoãn nghe lời.
Nhân viên Trung tâm Bảo tồn voi chăm sóc vết thương cho voi Gold. |
“Gold, Gold”, anh Ninh cất tiếng gọi. Chú voi con cao hơn một mét đang nghịch ngợm dưới tán cây dầu ngoái đầu quay lại nhìn về nơi tiếng gọi cất lên. Thủng thẳng tiến bước tới nơi, điệu bộ và ánh mắt của nó toát lên sự vui vẻ, thích thú. Anh Ninh đưa cho nó một miếng dưa hấu, nó đưa vòi lên đón lấy rồi ăn ngấu nghiến, ngon lành. "Phải có mấy món ngon để dụ nó đứng im cho mình rửa vết thương ở ngà. Hôm trước, trong lúc nghịch ngợm, Gold đã bị “anh trai” Jun đánh gãy mất một ngà, phải thường xuyên sát trùng và bôi thuốc để tránh bị nhiễm trùng", anh Ninh cho biết.
Gold năm nay hơn 5 tuổi - là chú voi nuôi nhốt trẻ nhất ở Đắk Lắk hiện nay. Nó được giải cứu vào mùa khô năm 2016 khi bị lạc đàn rơi xuống giếng của một người dân ở huyện Ea Súp. Khi đó, voi Gold chưa đầy một tuổi, còn bú mẹ và chưa biết tự ăn. Lúc này, có rất nhiều ý kiến lo ngại về khả năng nuôi sống được voi con khi nó rời xa mẹ còn quá bé. Nhưng với quyết tâm cứu hộ bằng được voi Gold, cả Trung tâm Bảo tồn voi bắt tay vào nuôi nấng, chăm sóc cho voi con. Họ trở thành những “vú nuôi” cho chú voi bé nhỏ, không quản ngày đêm, mưa nắng để gần gũi chăm sóc cho Gold từng chút nước, bình sữa, vuốt ve để nó quen dần với môi trường mới không có mẹ bên cạnh. Rồi vất vả mấy năm trời để thay voi mẹ dạy nó cách ăn và cách kiếm ăn để sinh tồn khi ra ngoài tự nhiên. Cùng với đó, Trung tâm còn thường xuyên liên hệ, tham vấn các chuyên gia nước ngoài để được hỗ trợ kiến thức, kỹ năng chăm sóc voi con.
Thời gian khó khăn rồi cũng trôi đi, voi Gold không phụ công chăm sóc đã trưởng thành. Từ một con voi nặng chưa đầy 100 kg khi được cứu hộ, đến nay voi Gold đã nặng hơn một tấn và biết tự kiếm ăn trong môi trường tự nhiên.
Rửa chân cho… voi
Không chỉ thành công với voi Gold, thành quả cứu hộ của Trung tâm còn có thêm voi Jun - con voi được cứu tại Vườn Quốc gia Yok Đôn vào đầu năm 2015. Khi ấy, voi Jun khoảng 4 tuổi, bị dính bẫy khiến một đoạn vòi bị rách gần đứt lìa, một chân bị thương mất cả móng. Vết thương ở bàn chân bị ăn sâu vào tận xương tủy voi, trải qua hơn 6 năm ròng rã chăm sóc và chữa trị, hàng chục cuộc phẫu thuật vết thương mới thuyên giảm.
"Jun! chân! chân!", nghe tiếng anh Ninh gọi, voi Jun to lớn ngoan ngoãn nghe lời đưa chiếc chân bị thương đặt vào trong xô nước để ngâm chân. Sau chừng một phút, anh Ninh lại ra hiệu lệnh cho Jun giơ chân lên, dùng các dụng cụ y tế rạch bỏ những vết da chết ở vết thương. Từ những vết rạch, máu mủ đọng bên trong vết thương tràn ra ngoài. Anh Ninh dùng thuốc sát khuẩn xịt vào cho vết thương nhanh lành. Cứ mỗi ngày đều đặn ba bận như vậy! Các nhân viên ở đây phải canh giờ để... rửa chân cho voi Jun.
Nhân viên Trung tâm Bảo tồn voi rửa vết thương ở chân cho voi Jun. |
“Dù vết thương ở chân voi đã cải thiện rất nhiều nhưng vẫn chưa lành hẳn, do đó hằng ngày anh em vẫn phải cho voi ngâm chân, cắt bỏ những phần da chết xung quanh, sát khuẩn để vết thương không bị bít kín khiến mủ tích tụ gây nhiễm trùng và nặng thêm”, anh Ninh cho hay.
Cùng với đó, các nhân viên ở đây cũng xây dựng khu vườn trồng những loại thức ăn cho voi. Với gần 1 ha trồng cỏ và chuối đã góp phần đáp ứng được phần lớn nhu cầu thức ăn của voi. Ngoài ra, Trung tâm mua bổ sung cho voi nhiều loại thức ăn mà chúng ưa thích như khoai lang, dưa hấu, mía… Đặc biệt, còn chế ra những món ăn ưa thích để chiều lòng hai chú voi. Vào mùa khô, khí hậu trong rừng khộp nắng nóng, để giải tỏa bớt cái nóng, nhân viên bảo tồn voi đã làm những chiếc kem đá "siêu to" cho voi ăn giải khát. Mỗi lần chiếc kem được đưa đến, hai chú voi lại hào hứng liếm láp, tận hưởng sự mát lạnh giữa cái nóng oi ả của mùa khô.
Vạn Tiếp