Multimedia Đọc Báo in

Kinh doanh, xin đừng quên trách nhiệm xã hội

20:48, 19/07/2021
Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, cả xã hội đang phải "oằn mình" để chống chọi với những thách thức rất lớn. Đó cũng là lúc nghĩa đồng bào, tình đoàn kết, sự sẻ chia được thể hiện để cùng nhau vượt qua khó khăn. Thế nhưng đâu đó lại xuất hiện tình trạng lợi dụng dịch bệnh để thu lợi bất chính, gây bức xúc trong dư luận.
 
Những ngày qua, khắp cả nước đã dấy lên phong trào cùng chung tay hỗ trợ người dân TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam vượt qua khó khăn khi dịch COVID-19 bùng phát mạnh ở những địa phương này. Rất nhiều người dân đã đến từng nhà, quyên từng bó rau, ký gạo, quả cà... đóng gói gửi về nhân dân miền Nam ruột thịt.
 
Hay ở nhiều địa phương xuất hiện những "ATM gạo", những "Quầy rau tử tế"... để "ai thiếu thì đến lấy"; nhiều doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lưu trú tự nguyện trưng dụng cơ sở kinh doanh của mình để làm nơi cách ly, phục vụ công tác cách ly y tế. Rồi rất nhiều doanh nghiệp, siêu thị, trung tâm mua sắm thực hiện "bán hàng không lợi nhuận", "bán hàng lỗ vốn", “bán hàng bình ổn giá”... để chia sẻ khó khăn với khách hàng, người dân. 
 
Người dân TP. Buôn Ma Thuột chở rau xanh đến điểm tập kết hàng hóa hỗ trợ vùng dịch
Người dân TP. Buôn Ma Thuột chở rau xanh đến điểm tập kết hàng hóa hỗ trợ vùng dịch.
 
Đây không phải lần đầu tiên những nghĩa cử cao đẹp đó được người dân và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam thể hiện mà nó đã luôn có được mỗi khi đất nước gặp thiên tai, dịch họa. Và khi đối mặt với khó khăn do đại dịch COVID-19, những việc làm đầy tính nhân văn ấy đã sớm có được ngay từ những đợt bùng phát dịch đầu tiên. Đối với người dân, ta có thể gói gọn những nghĩa cử cao đẹp ấy là "nghĩa đồng bào"; đối với cộng đồng doanh nghiệp, đó chính là trách nhiệm xã hội của những doanh nghiệp chân chính. Những điều đó thật đáng trân quý. 
 
Thế nhưng đáng tiếc là không phải ai, doanh nghiệp nào cũng tâm niệm được điều đó. Có không ít người vẫn thờ ơ với khó khăn của cộng đồng. Thậm chí dường như người ta còn coi tình hình phức tạp của dịch bệnh là "cơ hội" để thu về lợi nhuận cho mình, bất chấp khó khăn của cộng đồng, xã hội. Lợi dụng nhu cầu đối với các mặt hàng thiết yếu tăng cao, do nhiều người mua để gửi cho người thân đang phải thực hiện giãn cách xã hội tại TP. Hồ Chí Minh, hơn 10 ngày qua, giá nhiều loại lương thực, thực phẩm tại các chợ dân sinh, chợ đầu mối tăng mạnh.
 
Thậm chí mới đây, trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột, cơ quan chức năng đã phát hiện một cơ sở kinh doanh của chuỗi siêu thị hàng tiêu dùng lớn, đã lợi dụng sức mua tăng đột biến để tự ý nâng giá, bán giá cao hơn giá niêm yết. Trong khi tất cả đang đồng lòng chống dịch, cùng nhau vượt qua khó khăn, doanh nghiệp đã không thể hiện trách nhiệm của mình với cộng đồng thì thôi, đàng này lại còn gây khó thêm cho người dân và xã hội. 
 
Lực lượng chức năng kiểm tra, xử lý cơ sở kinh doanh tự ý nâng giá, bán giá cao hơn giá niêm yết
Lực lượng chức năng kiểm tra, xử lý cơ sở kinh doanh lợi dụng sức mua tăng, tự ý nâng giá, bán giá cao hơn giá niêm yết.
 
Đành rằng, đã là kinh doanh thì doanh nghiệp thường đặt lợi ích lên hàng đầu, nhưng điều đó không phải thời điểm nào cũng phải là “chân lý” của doanh nghiệp. Gia tăng lợi nhuận bằng mọi giá trong lúc cả xã hội đang khó khăn, đó không phải là kinh doanh mà đó là “trục lợi”. Hi vọng rằng hành vi kinh doanh sai trái của đơn vị nọ chỉ là cá biệt để cộng đồng bớt đi phần nào khó khăn không đáng có.
 
Những người kinh doanh hãy đừng quên trách nhiệm xã hội của mình. Bởi những lúc khó khăn như thế này, cần lắm sự hi sinh lợi ích cá nhân để đạt lợi ích cho tập thể và cộng đồng. Và xét đến cùng, trong bối cảnh phức tạp của dịch bệnh, doanh nghiệp thể hiện được trách nhiệm xã hội, hy sinh lợi ích ngắn hạn để đầu tư cho cộng đồng cũng chính là cách để đạt được mục tiêu dài hơi của mình.
 
Giang Nam

(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.