Lo ngại ly hôn gia đình trẻ (Kỳ 2)
Kỳ 2: Những đứa trẻ trong gia đình khuyết thiếu
Khi bố mẹ ly hôn, đứa trẻ ở với mẹ thì thiếu tình cảm của cha và ngược lại, hay một đứa phải theo cha, một đứa phải theo mẹ khiến gia đình không còn đầy đủ...
Thiếu vắng tình thương
Sau biến cố cuộc đời, đa phần người mẹ nhận nuôi con cái, song cũng không hiếm trường hợp việc chăm sóc con do bố đảm đương. Trong vai trò vừa làm bố vừa làm mẹ không hề đơn giản.
Vợ chồng anh T.K.H. (ở xã Cuôr Knia, huyện Buôn Đôn) chia tay khi con gái vừa tròn 1 tuổi. Ban đầu, con ở với mẹ, nhưng khi bé gần 5 tuổi thì về ở với bố vì mẹ đi bước nữa. Lâu nay, anh H. quen với nếp sống độc thân, giờ có con ở cùng, mỗi sáng anh dậy sớm đi chợ mua thức ăn; chuẩn bị quần áo, cặp sách đưa con đến trường, rồi tất bật với kinh doanh quán nhậu, tối về kèm con học bài. Sau giờ tan học, anh H. thường đón con về quán nhậu chơi, cứ tưởng trẻ con không biết gì, không ngờ con thuộc lòng những câu nói đùa trên bàn nhậu của người lớn. Từ đó, anh H. không cho con ra quán nhậu nữa.
Việc chăm sóc con gái anh H. có thể thu xếp được, nhưng dạy bảo con đôi lúc lúng túng, nhất là khi con bắt đầu khám phá cơ thể, với nhiều câu hỏi rất khó trả lời. Chẳng hạn như: Bố ơi! Tại sao con trai “đi giải” thì đứng, còn con gái lại ngồi? Phụ nữ cho con bú còn đàn ông thì không hả bố? Khó nhất vẫn là những câu hỏi của con về mẹ. “Nghe con hỏi, tôi thấy lòng nhói đau dù chuyện ly hôn đã khá lâu rồi và cảm thấy có lỗi với con nhiều hơn. Hễ cứ mỗi lần tôi mời bạn đến nhà chơi mà có phụ nữ thì con gái lại giận dỗi, khó chịu vì sợ bố… bỏ rơi mình", anh H. kể.
Nhiều cạm bẫy dễ dàng xảy ra với trẻ em trong gia đình khuyết thiếu. Ảnh: Xuân Hồng |
Cho đến bây giờ, dù em L.L.D. ở tổ dân phố 6 (phường Tân Lợi, TP. Buôn Ma Thuột) đã lập gia đình nhưng bà con hàng xóm vẫn rất thương hoàn cảnh của em - sinh ra thiếu vắng tình thương của ba. D. lớn lên trong vòng tay thương yêu của mẹ và bà con hàng xóm. Mãi đến năm 18 tuổi, D. đi bộ đội mẹ mới cho em biết ba là ai. Tranh thủ kỳ nghỉ phép, D. tìm về gặp ba. Người thân bên họ ngoại, hàng xóm biết chuyện hỏi thăm, D. thản nhiên trả lời: "Ba bỏ con từ khi còn trong bụng mẹ. Lâu nay, con ở với mẹ vẫn tốt".
Thạc sĩ Mai Quang Sơn, Trưởng bộ môn Tâm lý giáo dục -Trường Cao đẳng Sư phạm Đắk Lắk
|
Hàng xóm, chứng kiến sự trưởng thành của D. biết câu trả lời đó chưa thật lòng. Còn nhớ năm D. học lớp 3, trong một lần chạy sang nhà hàng xóm chơi đã so bì với một cậu bé lớn hơn mình 1 - 2 tuổi: "Anh U. thật sướng có ba chở đi học, đón về, còn em phải tự đi bộ". Và trong lễ thành hôn của mình, D. vẫn mong đợi một điều...
Đắng lòng trẻ vị thành niên phạm tội
Trong số 17.471 vụ, việc hôn nhân gia đình mà TAND 2 cấp của tỉnh đã tiến hành tố tụng (đình chỉ, công nhận thuận tình ly hôn, sự thỏa thuận của đương sự, xét xử) từ năm 2018 đến nay, thì 9.448 vụ có con chưa thành niên (chiếm 54,1%); trong đó con dưới 7 tuổi là 4.582 vụ (26,2%), con từ 7 tuổi đến dưới 18 tuổi là 4.866 vụ (27,9%).
Dưới 18 tuổi là giai đoạn quan trọng để trẻ phát triển trở thành một con người hoàn thiện. Xã hội không thể cho đứa trẻ tình yêu thương, sự chăm sóc, nuôi dưỡng, dạy dỗ hằng ngày mà chỉ có thể đến từ đấng sinh thành. Nếu thiếu tình thương của một trong các bên hoặc hai bên dễ dẫn đến việc trẻ bị lệch lạc về nhận thức, từ đó bắt đầu có hành vi lệch chuẩn. Đây chính là nguyên nhân mà lứa tuổi vị thành niên trở thành tội phạm ngày càng tăng.
"Qua nhiều năm theo dõi và trực tiếp xét xử các vụ án liên quan đến người chưa thành niên, có những trường hợp mà chúng tôi không thể nào quên. Đơn cử năm 2013, TAND tỉnh xét xử vụ một bé gái (16 tuổi) đã đâm chết bạn tại chợ đêm Tân An (TP. Buôn Ma Thuột). Qua tìm hiểu thì cả bị cáo và bị hại đều có bố, mẹ bỏ nhau. Thật đắng lòng!", Chánh án TAND tỉnh Nguyễn Duy Hữu thốt lên.
Một nhóm trẻ vị thành niên vi phạm pháp luật tại TP. Buôn Ma Thuột. Ảnh: N.Ân |
Năm 2020, Phòng Cảnh sát hình sự (Công an tỉnh) phát hiện, xử lý 148 vụ, 226 đối tượng chưa thành niên vi phạm pháp luật. 6 tháng đầu năm 2021, toàn tỉnh phát hiện, xử lý 88 vụ, 147 đối tượng chưa thành niên vi phạm pháp luật. Tuy số vụ, số đối tượng vi phạm giảm khoảng 2% so với cùng kỳ năm 2020, song hành vi phạm tội nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng tăng (có 2 vụ giết người, 1 vụ cưỡng đoạt tài sản, 5 vụ cướp tài sản, 24 vụ trộm cắp). Độ tuổi thực hiện hành vi phạm tội từ 14 -16 tuổi chiếm 27,89%; từ 16 - 18 tuổi chiếm 68,70%.
Thượng tá Trần Đức Vịnh, Phó Trưởng Phòng Cảnh sát hình sự cho hay: "Phần lớn, người chưa thành niên vi phạm pháp luật thường rơi vào các gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn hoặc gia đình khuyết thiếu, thiếu sự quan tâm chăm sóc, giáo dục của gia đình”.
(Còn nữa)
Kỳ cuối: Xây dựng gia đình hạnh phúc, bền vững
Nguyên Hoa - Hoàng Ân