Multimedia Đọc Báo in

Lợi ích của người trẻ khi tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện

08:20, 23/07/2021

Cùng với công tác đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, nhận thấy những ưu điểm, lợi ích thiết thực mà chính sách BHXH tự nguyện mang lại, nhiều người dân, đặc biệt người trẻ là lao động tự do trên địa bàn tỉnh đã tin tưởng lựa chọn tham gia.

Dù đang còn ngồi trên ghế giảng đường, nhưng từ hơn 2 năm nay, em Trần Thanh Huyền (thị trấn Liên Sơn, huyện Lắk) đã được bố mẹ đóng BHXH tự nguyện với mức đóng 1.304.000 đồng/tháng. Được biết, bố mẹ em đều là công chức, kinh tế khá ổn định nên quyết định đóng BHXH tự nguyện cho con bởi hiểu rõ rằng tham gia sớm chừng nào hay chừng đó, sau này, dù em có làm công việc gì thì cũng tích lũy được thời gian đóng bảo hiểm cũng như lương hưu cao hơn. Được biết, người anh trai của Huyền đang làm việc ở TP. Hồ Chí Minh do ảnh hưởng của dịch COVID-19 phải nghỉ việc về quê cũng được bố mẹ đóng BHXH tự nguyện để không bị gián đoạn thời gian tham gia.

Em Nguyễn Thị Thùy Dung (TP. Buôn Ma Thuột) là lao động tự do nên trước đây không biết đến loại hình bảo hiểm này. Sau khi được người quen giới thiệu và tư vấn, đầu năm 2021 em đã quyết định tham gia BHXH tự nguyện với mức đóng gần 1 triệu đồng/tháng. Dung cho hay, hiện tuổi còn trẻ, chưa lập gia đình nên số tiền này với em là không lớn lắm; mặt khác, bây giờ đóng sớm thì sau này nếu có giai đoạn khó khăn sẽ tạm dừng đóng, khi đủ tuổi hưởng lương lưu thì vẫn đủ số năm tham gia bảo hiểm. Hơn thế nữa, nhận thấy phương thức đóng cũng linh hoạt, mức đóng BHXH tự nguyện lại được chia ra nhiều mức hợp lý, phù hợp với thu nhập của mình nên em không ngần ngại tham gia. Với cách thức này, sau này dù có chuyển tham gia BHXH bắt buộc hay không thì thời gian đóng BHXH tự nguyện của Dung vẫn được cộng dồn, như thế có thể yên tâm khi hết tuổi lao động thì hằng tháng đã có lương hưu, không phải sống phụ thuộc.

Cán bộ BHXH huyện Krông Năng giải quyết các thủ tục về bảo hiểm cho người dân.
Cán bộ BHXH huyện Krông Năng giải quyết các thủ tục về bảo hiểm cho người dân.

Theo quy định hiện hành, người từ 15 tuổi trở lên và không thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc đều có thể tham gia BHXH tự nguyện. Mức đóng hằng tháng bằng 22% mức thu nhập tháng do người tham gia tự chọn nhưng không thấp hơn chuẩn hộ nghèo nông thôn (tối thiểu thu nhập 700.000 đồng/tháng). Khi tham gia BHXH tự nguyện, người lao động được hưởng một số quyền lợi như: hưởng chế độ hưu trí và cấp thẻ BHYT miễn phí khi đóng được ít nhất 20 năm và hết tuổi lao động; được hưởng chế độ BHXH một lần nếu không đủ điều kiện hưu trí hoặc muốn nhận sớm; thân nhân được hưởng tử tuất nếu người đóng chẳng may qua đời... Trường hợp người đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định nhưng thời gian đóng BHXH còn thiếu không quá 10 năm và có thể đóng BHXH tự nguyện một lần cho những năm còn thiếu nhưng không quá 10 năm (120 tháng) và được hưởng hưu trí sau tháng đóng đủ… Cùng với đó, các đối tượng thuộc diện hộ nghèo tham gia BHXH tự nguyện sẽ được hỗ trợ 30%, hộ cận nghèo là 25% và các đối tượng khác là 10%.

Theo số liệu thống kê của BHXH huyện Krông Búk, tính đến ngày 20-7, toàn huyện có 912 người tham gia BHXH tự nguyện. Trong đó, có 123 người tham gia có độ tuổi từ 30 tuổi trở xuống; đặc biệt có 7 người dưới 20 tuổi. Điều này có thể thấy, loại hình bảo hiểm này ngày càng thu hút các lao động trẻ tham gia. Ông Trần Thiện Tuấn, Giám đốc BHXH huyện Krông Búk chia sẻ, BHXH tự nguyện là hình thức tiết kiệm rất hay dành cho những người trẻ. Khi còn trẻ, còn khả năng lao động, có thu nhập thì việc đóng BHXH tự nguyện xem như hình thức tự lo cho mình, bởi khi về già, hết tuổi lao động không có nguồn thu nhập ổn định thì nhờ có chế độ lương hưu, có BHYT, không phải trông chờ vào hỗ trợ của Nhà nước hoặc hỗ trợ từ con, cháu.

Một cán bộ thu ở huyện Krông Năng tuyên truyền các chính sách bảo hiểm cho người dân.
Một cán bộ thu ở huyện Krông Năng tuyên truyền các chính sách bảo hiểm cho người dân.

Có thể nói, để phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện, trong thời gian tới, ngành BHXH cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động phát triển đối tượng là lao động trẻ tham gia; nhất là lao động trẻ có thu nhập ổn định từ sản xuất, kinh doanh, dịch vụ...

Thúy Hồng


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.