Multimedia Đọc Báo in

Những "chuyến xe yêu thương" đi vào tâm dịch

08:15, 12/07/2021

Trong lúc TP. Hồ Chí Minh đang gồng mình chống chọi với đại dịch COVID-19, cuộc sống người dân, nhất là người nghèo, lao động mất việc làm gặp nhiều khó khăn, cũng là lúc những “chuyến xe yêu thương” của các tổ chức, cá nhân tại Đắk Lắk lên đường tiếp viện.

Hàng chục tấn thực phẩm đã và đang được chuyển tới TP. Hồ Chí Minh, dù chính tỉnh Đắk Lắk cũng đang gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh.

Một chuyến xe, hai sứ mệnh

Chỉ chưa đầy một tuần, hai “chuyến xe yêu thương” chở gần 40 tấn thực phẩm (rau, củ, quả, trái cây, trứng, cà phê) trị giá gần 400 triệu đồng từ tỉnh Đắk Lắk đã được chuyển vào tâm dịch TP. Hồ Chí Minh để chia sẻ khó khăn cùng nhân dân thành phố trong những ngày thực hiện cách ly xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ.

“Chuyến xe yêu thương” là chương trình do Hội Chữ thập đỏ TP. Buôn Ma Thuột phối hợp với Hội Phụ nữ Công an tỉnh thực hiện với sự tham gia của nhiều tổ chức, cá nhân. Không chỉ mang trên mình sứ mệnh đưa thực phẩm đến tay những người đang cần, “chuyến xe yêu thương” còn mang theo tấm lòng sẻ chia, lời nhắn nhủ đồng tâm hiệp lực vượt qua khó khăn, đẩy lùi dịch bệnh của người dân Đắk Lắk gửi đến “trái tim” của miền Nam.

Lực lượng công an xuống tận ruộng giúp nông dân thu hoạch rau.
Lực lượng công an xuống tận ruộng giúp nông dân thu hoạch rau.

Nghe tin về chương trình “chuyến xe yêu thương”, chị Lê Thị Thanh Tâm, chủ cửa hàng Lợi Tâm (phường Thắng Lợi, TP. Buôn Ma Thuột) vội vàng liên hệ với bạn bè để cùng tham gia ủng hộ cho chuyến xe thêm đầy. Chị Tâm chia sẻ: "Mình chỉ muốn đóng góp một phần nhỏ bé của mình để hỗ trợ người dân  TP. Hồ Chí Minh vượt qua dịch bệnh".

Chị Tống Thị Tươi (phường Tân Lợi, TP. Buôn Ma Thuột) - người tham gia tích cực trong việc vận động các nhà hảo tâm đồng hành với “chuyến xe yêu thương” nối Đắk Lắk với TP. Hồ Chí Minh cho biết, toàn bộ rau, củ, quả được gom góp gửi vào TP. Hồ Chí Minh đều được lực lượng Công an tỉnh và các nhà hảo tâm xuống tận ruộng rau của nông dân mua và giúp nông dân thu hoạch ngay tại vườn, vừa hỗ trợ nông dân ở TP. Buôn Ma Thuột tiêu thụ rau, vừa góp thêm nguồn rau xanh trong bữa ăn của người dân TP. Hồ Chí Minh trong những ngày cách ly xã hội.

Bảo đảm an toàn phòng dịch

Giữa diễn biến phức tạp của dịch bệnh, những “chuyến xe yêu thương” đi vào tâm dịch cũng phải đảm bảo an toàn cho người và phương tiện trước nguy cơ dịch bệnh. Bà Nguyễn Thị Lý, Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ TP. Buôn Ma Thuột cho biết, khi “chuyến xe yêu thương” được hình thành, ngoài việc nỗ lực vận động các tổ chức, cá nhân tích cực hưởng ứng chương trình, công tác đảm bảo an toàn phòng dịch cho các tài xế trong quá trình vận chuyển rau cũng được chú trọng. Hội Chữ thập đỏ thành phố đã đề nghị Trung tâm Y tế thành phố thực hiện test nhanh cho tài xế trước khi đi và sau khi trở về. Trong suốt quá trình di chuyển từ Đắk Lắk đến TP. Hồ Chí Minh và ngược lại, các tài xế sẽ mặc đồ bảo hộ, ăn đồ ăn mang theo, hạn chế dừng nghỉ ở quán xá để phòng tránh nguy cơ lây nhiễm bệnh COVID-19.

Những bó rau tươi ngon đã được vận chuyển lên xe trước giờ xuất phát.
Những bó rau tươi ngon đã được vận chuyển lên xe trước giờ xuất phát.

Anh Nguyễn Hữu Thành, Giám đốc nhà hàng tiệc cưới Victory (đường Mai Hắc Đế, phường Tân Thành) – một mạnh thường quân của chương trình và cũng là đơn vị kết nối giữa TP. Hồ Chí Minh và Đắk Lắk cho biết thêm, ngay sau khi TP. Hồ Chí Minh thực hiện cách ly xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, anh đã liên hệ với chính quyền địa phương, các bệnh viện và nhóm nhà hảo tâm tại TP. Hồ Chí Minh để bàn cách tiếp nhận và phân phối rau, đảm bảo đúng quy định phòng dịch và rau đến được đúng những nơi cần đến. Theo đó, khi xe từ Đắk Lắk đến quận Tân Phú (TP. Hồ Chí Minh), sẽ có một đoàn xe (khoảng 20 chiếc) của các nhà hảo tâm tại TP. Hồ Chí Minh đến điểm tập kết để tiếp nhận thực phẩm và phân phối đến tất cả những địa điểm nhận đã có trong kế hoạch, gồm: Bệnh viện Quân y 175, Bệnh viện Nhiệt đới, Bệnh viện Trưng Vương, các khu cách ly tập trung, và một số bếp ăn từ thiện trên địa bàn thành phố.

Kim Hoàng


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.