Nữ quân nhân làm"tai giả" gửi tặng tuyến đầu
Qua các phương tiện thông tin đại chúng và mạng xã hội, thấy nhiều cán bộ, chiến sĩ quân đội, công an, nhân viên y tế thực hiện nhiệm vụ trong các bệnh viện, khu cách ly, phong tỏa phòng, chống dịch bệnh COVID-19 thường bị đau, đỏ vành tai do phải đeo khẩu trang y tế suốt nhiều giờ liên tục, Đại úy quân nhân chuyên nghiệp (QNCN) Phan Thị Phượng, nhân viên hội trường, nhà truyền thống (Phòng Chính trị) và các nữ quân nhân của Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đã chung tay góp công, góp của may “tai giả” gửi tặng tuyến đầu chống dịch.
Do dịch COVID-19 diễn biến phức tạp trên địa bàn tỉnh, gần hai tuần nay, nhiều nữ quân nhân có con nhỏ, chồng công tác xa, hoàn cảnh gia đình khó khăn, nhà neo người… đã được thủ trưởng Bộ CHQS tỉnh quan tâm, tạo điều kiện cho làm việc tại nhà.
Tận dụng quỹ thời gian rảnh rỗi, chị Phan Thị Phượng cùng Đại úy Hàn Thị Thu Hằng (trợ lý cán bộ), Đại úy QNCN H’Lễ Niê (nhân viên nhà truyền thống), Thiếu úy QNCN Đỗ Thị Thảo Ly (nhân viên nhà văn hóa) thuộc Bộ CHQS tỉnh đã nảy ra ý tưởng may những chiếc “tai giả” gửi lên tuyến đầu, chia sẻ với những khó khăn, vất vả của lực lượng đang làm nhiệm vụ tại đây.
Đại úy QNCN Phan Thị Phượng may “tai giả” gửi tặng tuyến đầu chống dịch. (Ảnh nhân vật cung cấp) |
Phòng khách gia đình chị Phan Thị Phượng những ngày này giống như “xưởng gia công nhỏ”. Chị Phượng cho biết: “Tai giả” thực chất là những đoạn dây chun có độ đàn hồi cao, dài từ 13 - 15 cm, ở hai đầu có gắn những chiếc nút áo. Khi đeo khẩu trang, thay vì móc dây đeo vào vành “tai thật” gây khó chịu, người sử dụng có thể móc dây đeo vào những chiếc nút áo trên “tai giả”, đặt ở sau đầu. Với khả năng co giãn tốt, “tai giả” có thể “giảm tải” được rất nhiều cho tai thật trong việc đeo khẩu trang, giúp mọi người cảm thấy thoải mái, dễ chịu. "Mấy hôm nay mẹ chồng tôi vẫn xung phong vào bếp, giúp đỡ việc nhà để tôi có thêm thời gian ngồi may “tai giả” ủng hộ tuyến đầu. Tối nào trước khi đi ngủ, mấy chị em cũng nhắn tin, gọi điện hào hứng chia sẻ về thành quả lao động của mình. Vừa làm vừa rút kinh nghiệm, càng về sau sản phẩm của chúng tôi càng hoàn thiện hơn. Sắp tới chúng tôi sẽ trao tặng trước 20.000 chiếc "tai giả" cho các bệnh viện, khu cách ly, phong tỏa trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột”, chị Phượng chia sẻ.
Là bạn chị Phượng, thấy các nữ quân nhân phát động phong trào may “tai giả”, các chị Phạm Thị Lan (tiểu thương buôn bán tại chợ Buôn Ma Thuột), chị Nguyễn Mai Lan (giáo viên ngoại ngữ Trường Cao đẳng nghề Đắk Lắk) và một số người khác cũng hăng hái tham gia. Người góp công, người góp của, trung bình một ngày, các chị làm được gần 1.000 chiếc “tai giả”. Hiện nay, các chị đang liên hệ, tìm mua nguyên vật liệu, chuẩn bị gia công thêm những chiếc kính chống giọt bắn gửi tặng tuyến đầu. Thiếu úy Đỗ Thị Thảo Ly chia sẻ: “Việc đơm những chiếc nút áo vào tai giả tuy khá đơn giản nhưng lại rất mất thời gian. Tuy nhiên, được góp phần chia sẻ với những khó khăn, vất vả của các lực lượng trên tuyến đầu, tôi cảm thấy rất vui và hạnh phúc. Mong sao dịch bệnh sớm qua đi để cuộc sống trở lại bình thường”.
Được chị em phụ nữ tin tưởng nhờ kiểm định, đánh giá chất lượng sản phẩm trước khi “xuất xưởng”, Đại úy QNCN Mai Quốc Mạnh, nhân viên câu lạc bộ (Phòng Chính trị) hào hứng: “Chủ nhật vừa qua, đơn vị tổ chức tổng dọn vệ sinh, phun khử khuẩn toàn bộ khuôn viên, doanh trại, tuy tôi phải đeo khẩu trang suốt nhiều giờ liên tục song nhờ có chiếc “tai giả”, cảm giác đau rát ở vành tai đã không còn nữa. Đây thực sự là một sản phẩm hữu ích, thể hiện tình cảm, sự quan tâm, sẻ chia của chị em dành cho các “chiến binh” trên tuyến đầu chống dịch”.
An Khang