Multimedia Đọc Báo in

Săn "lộc rừng" mùa mưa Tây Nguyên

07:51, 24/07/2021

Sau những ngày nắng hạn, trời đất chuyển mình, mùa mưa Tây Nguyên đến làm tơi xốp đất đai, đánh thức những mầm cây ẩn mình dưới lớp đất sâu. Mùa tìm “lộc rừng” của người dân trên vùng đất đỏ bazan lại bắt đầu.

Háo hức tìm nấm mối

Năm nào cũng vậy, cứ đến mùa mưa là gia đình bà Thái Thị Hải (xã Cư Dliê M’nông, huyện Cư M’gar) lại háo hức đi tìm nấm mối.

Đồ nghề mang theo rất đơn giản, chỉ cần một cái rổ hoặc túi đựng nấm, có thể kèm theo một cái que là đã có thể bắt đầu hành trình.

Xuất hiện mỗi năm một lần vào mùa mưa, nấm mối thường mọc ở những chỗ đất tơi xốp, ở gần các tổ mối đất. Khi tai nấm chưa nở, mũ nấm màu nâu xám cụp xuống giống dạng búp, khi nở bung, mũ nấm nở xòe hình tròn như cái dù và chuyển sang màu trắng.

Nấm mối ngon nhất khi còn là nấm búp và mọc nhiều nhất khi thời tiết mưa nắng đan xen. Bởi thế, khi thấy điều kiện thời tiết thích hợp, bà Hải cùng nhiều hộ dân quanh khu vực mới lặn lội vào các rẫy cà phê, cao su để tìm nấm.

Nấm mối có vị ngọt tự nhiên, lại giàu dinh dưỡng nên được nhiều người ưa chuộng, săn lùng.
Nấm mối có vị ngọt tự nhiên, lại giàu dinh dưỡng nên được nhiều người ưa chuộng, săn lùng.

“Nấm mối mọc trong đêm, đến khoảng 5 - 6 giờ sáng thì mọc rộ và nở bung vào khoảng ba, bốn tiếng sau đó. Muốn tìm nấm mối non và ngon thì phải đi vào sáng sớm. Đi tìm mà bắt gặp nấm mối dù ít hay nhiều, thì cái niềm vui sướng ngập tràn đến thật khó tả. Càng tìm càng ham, cứ muốn đi mãi”, bà Hải chia sẻ.

Những người chuyên đi tìm nấm mối thường truyền tai nhau rằng: phải có "duyên" và là người "nhẹ vía" mới gặp được nấm mối, những ai "nặng vía" thì khó có thể thấy nấm mối, thậm chí đi qua dẫm lên nấm mà không hay. Chưa kể, người đi tìm nấm phải tinh mắt vì chúng mọc nơi rất khó thấy, khi mới nhú, chúng nằm sát dưới mặt đất, nếu mọc cao cũng chỉ vươn lên khỏi mặt đất chừng 4 - 5 cm. Bởi thế người đi tìm nấm thường phải gạt đất hoặc bới các đám lá ủ mục quanh các gốc cao su, điều, cà phê…. Khi phát hiện ụ nấm mối, họ sẽ dùng cành cây vót nhọn thọc xuống bẩy cây nấm lên, tuyệt đối không được dùng dao hay các đồ kim loại để hái nấm, bởi có hơi kim loại, loài mối sẽ bỏ đi và năm sau nấm sẽ không mọc ở đó nữa.

Theo lời bà Hải, trước đây ở Tây Nguyên nấm mối rất nhiều ở trong vườn cà phê, cao su, thậm chí bên lề đường, bờ rào… Tuy vậy, càng ngày nấm mối càng ít, tìm cũng khó hơn, bởi người ta sử dụng quá nhiều các loại thuốc trừ cỏ, thuốc bảo vệ thực vật làm mất môi trường sinh trưởng tự nhiên của nấm.

Vốn là loại nấm mọc tự nhiên, mỗi năm chỉ mọc một lần duy nhất, lại có vị ngọt, thơm ngon tự nhiên, giá trị dinh dưỡng cao nên nấm mối là loại đặc sản được nhiều người ưa chuộng. Chị Chu Thị Thắng (TP. Buôn Ma Thuột), một thương lái chuyên mua bán đặc sản tại Đắk Lắk cho biết, mùa mưa đến, nấm mối luôn là mặt hàng bán chạy và thường "cháy hàng" vì số lượng khá ít. Năm nay, chị thu mua nấm mối trực tiếp từ người dân đi rừng lấy về sau đó bỏ cho các mối xung quanh TP. Buôn Ma Thuột để xuất đi các tỉnh. Vì khá hiếm lại khó bảo quản, nên mỗi ngày chị cũng chỉ bán tầm 20 - 30 kg nấm mối tươi, với giá dao động từ 250 - 300 nghìn đồng/kg.

Đi kiếm măng rừng

Mùa mưa đến, những cơn mưa trắng xóa đổ xuống đại ngàn Tây Nguyên mang sức sống mới đến cho đất trời, cây cỏ. Được tiếp thêm sức mạnh, những mầm măng ẩn dưới lớp đất sâu cựa mình vươn lên, trở thành món quà ưu đãi của thiên nhiên dành cho người dân bản xứ.

Rời Hòa Bình vào Đắk Lắk lập nghiệp cũng ngót nghét hơn 20 năm, từ đó đến nay, năm nào vào mùa mưa, ông Bùi Văn Chưng (xã Dliê Ya, huyện Krông Năng) cũng lặn lội đi tìm măng về để làm thức ăn cho gia đình.

Ông thường đi dọc các con suối, lần tới những bụi le khỏe mạnh. “Mùa này trời mưa nhiều, đặc biệt về chiều, có hôm đi về người ướt sũng. Gặp được những cây măng mọc ngoài rìa thì dễ lấy, còn những búp to thường nằm sâu giữa bụi, phải chui người vào hoặc dùng rựa mới lấy được. Nhiều khi bị cành cây cào chảy máu, rách da hay muỗi, vắt cắn, ong chích sưng hết cả người, nhưng đổi lại mình tìm được những mụt măng to, mập mạp”, ông Chưng trò chuyện.

Theo ông Chưng, người đi lấy măng rừng thích nhất là tìm được những mụt măng đầu mùa. Bởi bao nhiêu sự dồn nén chất dinh dưỡng cả năm trời của tre được ấp ủ trong lòng đất, chỉ đợi những cơn mưa trút xuống, các mầm măng bất chợt vươn lên đầy sức sống. Khi tìm được những mụt măng đầu mùa ấy, ông luôn tỉ mẩn sơ chế để gửi cho con cháu xa nhà như một món quà quê.

Đi lấy măng rừng.
Đi lấy măng rừng.

Cũng có thâm niên hơn 10 năm đi lấy măng rừng, chị Đỗ Thu Hiền (thị trấn Ea Súp, huyện Ea Súp) luôn mong chờ mùa mưa đến, bởi vào mùa này gia đình chị có thêm kế sinh nhai. Lúc ấy, chị cùng bà con trong vùng lại cơm đùm cơm nắm, rủ nhau lên rẫy, vào rừng tìm măng. Mọi người đi từ sáng sớm, len lỏi qua nhiều bụi rậm, cánh rừng, đến chiều, khi bao măng đã nặng thì mới trở về. Chị Hiền cho hay, măng rừng có nhiều loại: măng trúc, măng nứa, măng le... Khi đi lấy măng, đối với măng mới nhú phải dùng dao bới lên, măng cao to hơn thì dùng chân đạp hoặc lấy dao chặt. Lấy măng phải biết xoay vòng, hôm nay lấy vùng này, mai phải lấy vùng khác và không lấy theo kiểu tận diệt. Đặc biệt, người đi hái măng cần phải tinh mắt và có đôi tay, đôi chân khỏe. Nếu chăm chỉ, mỗi ngày chị có thể kiếm được từ 30 - 40 kg măng tươi về bán được khoảng 500 - 600 nghìn đồng.

Là một nghề có thể kiếm thêm thu nhập, bởi thế không chỉ người lớn mà nhiều em nhỏ cũng thích thú theo chân bố mẹ đi tìm măng. Không khó để bắt gặp hình ảnh những gùi măng, bao măng mới hái còn đẫm nước được các mẹ, các em nhỏ mang đi bán dọc đường quốc lộ hay các khu chợ nhỏ, nhiều người tìm mua về rồi đến nhập thẳng cho các đại lý thu mua măng.

Cũng vì người đi lấy măng đông, rừng lại ngày một thưa dần nên giờ đây muốn có măng ngon và nhiều, người dân chỉ còn cách đi xa, vào tít rừng sâu. Cứ thế, dưới tán đại ngàn, những người dân lại lầm lũi tìm kế sinh nhai. Lắm lúc đối mặt với bao hiểm nguy rình rập như: rắn, rết, trượt ngã, cây đổ bất chợt… thế nhưng họ vẫn chăm chỉ, cần mẫn giữa mùa mưa gió.

Huyền Diệu


(Video) Hỗ trợ người dân vùng khó tiếp cận bảo hiểm y tế
Nghị định số 75/2023/NĐ-CP của Chính phủ có nhiều điểm đổi mới, trong đó có quy định hỗ trợ 70% kinh phí mua thẻ bảo hiểm y tế cho một số đối tượng đã giúp người dân huyện Krông Bông có thẻ bảo hiểm y tế phòng thân.