Multimedia Đọc Báo in

San sẻ khó khăn với người lao động

07:57, 21/07/2021

Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 kéo dài đã khiến cuộc sống của nhiều người dân, đặc biệt là các công nhân, người lao động càng trở nên khó khăn hơn. Trước tình hình đó, các cấp công đoàn, đơn vị, doanh nghiệp đã có nhiều hoạt động hỗ trợ, sẻ chia góp phần chăm lo, động viên người lao động...

Lao đao trong đại dịch

Gần 2 tháng nay, chị Trương Thị Hằng Nga, lao động làm việc tại Công ty Cổ phần Du lịch Công đoàn Ban Mê đã phải nghỉ việc không lương. Trước đó, mỗi tháng chị cũng chỉ nhận được hỗ trợ ăn trưa với tiền xăng xe khoảng hơn 1 triệu đồng bởi nguồn thu của đơn vị không có. Cuộc sống của gia đình chỉ trông chờ vào đồng lương ít ỏi của chồng.

Với anh Y Son Long Ding (đoàn viên Công ty Cổ phần Vận tải ô tô Đắk Lắk), trước đây, công việc lái xe đem lại cho anh thu nhập trung bình mỗi tháng khoảng 7 triệu đồng. Tuy nhiên do ảnh hưởng dịch bệnh nên mấy tháng qua Công ty phải cắt giảm nhiều chuyến xe, anh và các đồng nghiệp phải thay phiên nhau chạy hai ngày rồi nghỉ hai ngày. Do đó, nguồn thu nhập cũng giảm một nửa.

Anh Y Son Long Ding nhận phần quà hỗ trợ của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ trao tặng.
Anh Y Son Long Ding nhận phần quà hỗ trợ của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ trao tặng.

Những trường hợp như chị Nga, anh Long Ding chỉ là số ít trong rất nhiều lao động đang làm việc ở các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 trên cả nước nói chung, tỉnh Đắk Lắk nói riêng. Với tiền lương đều đặn mỗi tháng trước đây họ chỉ đủ chi tiêu trong gia đình, lo cho các con ăn học; nay tiền lương giảm đi, thậm chí phải nghỉ việc không lương khiến cuộc sống của nhiều gia đình rơi vào hoàn cảnh khốn khó.

Đồng hành với người lao động khó khăn

Để sẻ chia khó khăn với những hoàn cảnh đó, nhiều phần quà hỗ trợ của các cấp công đoàn, tổ chức, doanh nghiệp được trao đến tay người lao động đã giúp họ vơi bớt nhọc nhằn. Cuối tháng 6-2021, nhân chuyến thăm và làm việc tại Đắk Lắk, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã trao tặng 50 phần quà cho 50 công nhân lao động (trị giá 1,3 triệu đồng/suất) có hoàn cảnh khó khăn bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19. Mới đây, vào ngày 8-7, Tổng LĐLĐ Việt Nam cũng đã hỗ trợ đoàn viên, người lao động Viện Vệ sinh dịch tễ Tây Nguyên số tiền 100 triệu đồng… Mỗi phần quà dù giá trị chẳng phải quá nhiều nhưng đã thể hiện sự sẻ chia, động viên kịp thời đối với những công nhân, lao động đang bị ảnh hưởng trực tiếp bởi đại dịch COVID-19.

Ngoài ra, nhân Tháng Công nhân năm 2021 (tháng 5), các công đoàn ngành, công đoàn cơ sở cũng đã tổ chức trao những phần quà thiết thực hỗ trợ gần 1.700 đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh khó khăn và bị ảnh hưởng do đại dịch COVID-19. Tiêu biểu như công đoàn ngành giáo dục; công đoàn ngành giao thông vận tải, công đoàn ngành công thương…

Lãnh đạo LĐLĐ tỉnh và Công ty TNHH Đầu tư du lịch Đặng Lê thăm hỏi, động viên người lao động gặp khó khăn do đại dịch ở công ty.
Lãnh đạo LĐLĐ tỉnh và Công ty TNHH Đầu tư du lịch Đặng Lê thăm hỏi, động viên người lao động gặp khó khăn do đại dịch ở công ty.

Cùng với hỗ trợ của các cấp công đoàn, mỗi doanh nghiệp cũng đã có những chính sách thiết thực hỗ trợ người lao động gặp khó khăn trong đại dịch. Tiêu biểu như Công ty TNHH Đầu tư du lịch Đặng Lê, dù doanh thu du lịch giảm gần 50% so với trước đây nhưng từ năm 2020 đến nay, đơn vị vẫn duy trì trả lương cho công nhân lao động với mức lương ổn định từ 4 – 5 triệu đồng/tháng. Chị Trần Thị Liễu (lao động tại Khu Du lịch thác Dray Nu) chia sẻ, với công việc tạp vụ ở đây mỗi tháng chị nhận được hơn 4 triệu đồng (lương cơ bản và hỗ trợ tiền ăn). Dù đơn vị bị ảnh hưởng bởi đại dịch nhưng may mắn thời gian qua chị và các lao động khác vẫn được trả lương đầy đủ.

Theo ông Nguyễn Công Bảo, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh thì đây là những hoạt động hết sức ý nghĩa thể hiện tính nhân văn sâu sắc và tạo sự lan tỏa mạnh mẽ, góp phần động viên, khích lệ đoàn viên và người lao động, nhất là những người có hoàn cảnh khó khăn, tự tin vượt qua, hăng hái lao động; thu hút được sự quan tâm, cộng đồng trách nhiệm và sự đồng hành của các doanh nghiệp, các cấp, các ngành để chăm lo cho người lao động.

Trong những tháng qua, LĐLĐ tỉnh đã tổ chức trao kinh phí hỗ trợ cho 155 đoàn viên, người lao động (1 triệu đồng/người) bị ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19 từ nguồn kinh phí hỗ trợ của Tổng Liên đoàn, LĐLĐ tỉnh và tài trợ của doanh nghiệp.

Thúy Hồng


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.