Multimedia Đọc Báo in

Rừng giáp ranh Khu Bảo tồn thiên nhiên Ea Sô đang bị tàn phá nghiêm trọng

08:59, 11/09/2011

Thời gian gần đây, lâm tặc đang ồ ạt  tàn phá những khu  rừng trên địa bàn 2 tỉnh Gia Lai, Phú Yên giáp ranh với rừng đặc dụng Ea Sô. Trước tình trạng những khu rừng “lá chắn” đang bị tàn phá, Khu Bảo tồn thiên nhiên Ea Sô - môi trường sống lý tưởng bậc nhất của bò tót, bò rừng và các loài thú quý thuộc bộ móng guốc ăn cỏ còn lại ở Việt Nam đang thực sự lâm nguy…

“Điểm mặt” công cụ phá rừng
Hiện chưa có cơ quan chức năng nào lượng hóa những mối hiểm họa đang rình rập, nhắm vào rừng đặc dụng Khu Bảo tồn thiên nhiên (BTTN) Ea Sô. Tuy vậy, vẫn có thể hình dung một phần mức độ nguy hiểm, thảm khốc của những vụ phá rừng, giết hại muông thú qua số lượng, chủng loại xe độ chế, phao bè, súng ống, bẫy thú bị Hạt Kiểm lâm Ea Sô thu giữ trong thời gian gần đây.

Đến trụ sở Ban Quản lý dự án Khu BTTN Ea Sô, chúng tôi thực sự “ấn tượng” với 30 chiếc xe máy độ chế của lâm tặc bị bắt giữ. Mỗi xe có đến 12 cái phuộc nhún, 4 bộ phận phanh độc lập, 2 bộ xích líp, phần sau được nối dài thêm khoảng 0,5 mét để chở gỗ. Anh Phan Văn Quang, Trạm phó Trạm Kiểm lâm số 5, cho biết: “Với bộ khung và các thiết bị độ chế này, cộng thêm việc thay su-pap, đôn zên, xoáy pit-tông, mỗi xe có thể chở được 2,5 tấc gỗ hương, nặng khoảng 250kg. Không chỉ tải nặng, những chiếc xe này còn vượt ngầm suối, dốc cao, đường rừng đá lởm chởm... rất ngon lành. Còn ông Lê Đắc Ý, Giám đốc Ban Quản lý dự án Khu BTTN Ea Sô, nói: “Nếu bán thanh lý loại xe này, kể cả bán sắt vụn cũng là tiếp tay cho lâm tặc, vì sẽ có người mua lại để tiếp tục đi rừng. Do vậy, chúng tôi đang xin chủ trương cho tiêu hủy toàn bộ”. 

Anh Vương Thế Cao bị lâm tặc bắn phủ đạn vào hai chân.
Anh Vương Thế Cao bị lâm tặc bắn phủ đạn vào hai chân.

Cùng với xe là đủ loại súng ống, từ súng quân dụng như CKC, súng trường K44, Calip đạn 9 đầu phát hỏa đến súng kíp, súng phà đều có mặt trong rừng đặc Ea Sô. Nhưng đáng sợ hơn cả là loại có vô số mảnh thép nhồi trong thuốc nổ, loại bắn một phát ra cả chùm đạn bi. Gặp thứ này, đố con thú rừng nào rơi vào tầm ngắm của thợ săn mà thoát cho được. Không chỉ là hiểm họa đối với thú rừng, các loại súng này còn là nỗi ám ảnh của lực lượng kiểm lâm Khu BTTN Ea Sô trong cuộc chiến chống lâm tặc. Trong đó có nhiều người đã đổ máu, mang thương tật suốt đời như anh Hoàng Văn Nam bị trúng 1 viên đạn CKC, anh Vương Thế Cao bị 7 viên đạn bi ghim vào khớp gối và hai ống chân… Theo anh Lê Xuân Tùng, Đội phó Đội Kiểm lâm cơ động, thì hiện lâm tặc còn giấu rất nhiều súng trong rừng Ea Sô, nhưng tìm được rất khó. Ngoài ra, từ năm 2009 đến nay, Hạt Kiểm lâm Khu BTTN Ea Sô còn thu giữ và phá hủy hơn 1.300 bẫy thú, gồm nhiều loại cực hiểm như bẫy thắt cổ, bẫy đâm lao, bẫy kẹp, bẫy bò tót... Và cũng như súng, không ai biết hiện có bao nhiêu cái bẫy hiểm đang giăng mắc khắp nơi trong rừng đặc dụng Ea Sô.

Ông Lê Đắc Ý còn cho biết: “Năm nào chúng tôi cũng kiến nghị UBND các huyện giáp ranh chỉ đạo tịch thu các loại vũ khí, bẫy thú nhưng việc chế tạo, tàng trữ, sử dụng ở các địa phương quanh rừng đặc dụng vẫn không giảm. Trong khi đó, huyện Krông Năng còn có cả một “tập đoàn thợ săn” chuyên nghiệp luôn nhắm vào Ea Sô, phần lớn là người dân tộc Mông di cư tự do. Khổ nhất là gần đây, chúng truyền tai cho nhau rằng Khu BTTN Ea Sô đã chính thức giải thể cùng với Ban Quản lý dự án Rừng phòng hộ đầu nguồn Krông Năng nên được vào săn bắn tự do... Trong khi đó, việc sáp nhập Ban Quản lý dự án Rừng phòng hộ đầu nguồn Krông Năng với Ban Quản lý dự án Khu BTTN Ea Sô mới chỉ dừng ở chủ trương của cấp trên, thực tế không có đơn vị nào giải thể. Chỉ là tin đồn, nhưng nó làm chúng tôi thực sự căng thẳng”.

 Một cây gỗ hương đại thụ bị lâm tặc cưa đổ trong vùng rừng của huyện Krông Pa, cách Khu BTTN Ea Sô chỉ vài trăm mét.
Một cây gỗ hương đại thụ bị lâm tặc cưa đổ trong vùng rừng của huyện Krông Pa, cách Khu BTTN Ea Sô chỉ vài trăm mét.

Tan hoang rừng giáp ranh
Quy chế phối hợp cho phép lực lượng kiểm lâm Khu BTTN Ea Sô truy quét, bắt, xử lý lâm tặc tại các vùng rừng giáp ranh thuộc địa bàn huyện Sông Hinh (Phú Yên) và Krông Pa (Gia Lai). Qua tuần tra trong thời gian gần đây, Hạt Kiểm lâm Ea Sô phát hiện các khu rừng này, vốn là “lá chắn” bảo vệ rừng đặc dụng Ea Sô, đang bị lâm tặc tàn phá dữ dội.

Dự báo khi những khu rừng này hết gỗ quý, lâm tặc từ Gia Lai và Phú Yên sẽ tấn công rừng đặc dụng Ea Sô. Ngay trong tháng 7 - 2011 cũng đã có khoảng 20 cây gỗ hương tại tiểu khu 618 thuộc phân khu bảo vệ nghiêm ngặt, giáp ranh với huyện Krông Pa, bị lâm tặc chặt trộm.

5 đối tượng chở gỗ hương bị kiểm lâm Ea Sô bắt giữ trong vùng rừng của huyện Krông Pa đêm 24-8-2011.
5 đối tượng chở gỗ hương bị kiểm lâm Ea Sô bắt giữ trong vùng rừng của huyện Krông Pa đêm 24-8-2011.

Một ngày cuối tháng 8, chúng tôi cùng 4 kiểm lâm viên thuộc Trạm Kiểm lâm số 5 và Đội Kiểm lâm cơ động khảo sát vùng rừng được coi là “lá chắn” bảo vệ rừng đặc dụng Ea Sô. Cách trụ sở Trạm Kiểm lâm số 5 khoảng 2 giờ đi bộ là đến mốc giới giữa rừng đặc dụng Ea Sô và rừng thuộc các xã Krông Năng, Ia Dreh của huyện Krông Pa (Gia Lai). Từ đây trở về phía bắc, lâm tặc đã mở vô số đường mòn, bắc nhiều cầu qua hàng chục con suối nhỏ để vận chuyển gỗ lậu. Thấy kiểm lâm, hàng chục người đang đào bới, lục lọi trong rừng chạy tứ tán, một số bơi qua sông Krông H’Năng để về xã Ea Lâm, huyện Sông Hinh (Phú Yên). Một nhóm chậm chân bị kiểm lâm níu lại cùng tang vật là một khúc củi cong queo, to bằng bắp chân. Anh Lê Xuân Tùng, Đội phó Đội Kiểm lâm cơ động cho biết: “Cái này là hương rục chứ không phải củi đâu, tức là cành, ngọn, rễ của cây giáng hương. Trước đây người ta đặt quy cách cho hương rục là đường kính 20 cm trở lên, chặt đầu chặt đuôi, lớp bị mục bên ngoài không được quá dày.... Nhưng về sau loại gỗ này sốt hàng, vụn cỡ nào các đầu nậu ở Gia Lai và Phú Yên cũng thu mua hết”. Theo thống kê của Hạt Kiểm lâm Ea Sô, mỗi ngày có hàng trăm người vào vùng rừng này để tìm hương rục. Không chỉ tìm hương rục, người ta còn cưa gốc hàng trăm cây cam xe (tại tọa độ 0519314, 1437426, cách mốc giới rừng đặc dụng Ea Sô khoảng 100 mét). Gỗ chặt trộm ở đây được lâm tặc kết thành bè kéo qua sông Krông H’Năng đưa về xã Ea Ly (Sông Hinh) hoặc thả trôi xuống bến đò Hai Cả (Krông Pa). Rồi từ bến đò này, chúng lại đưa gỗ sang địa phận xã Ea Lâm (Sông Hinh), hoặc theo đường bộ về các xưởng cưa trên địa bàn huyện Krông Pa.

Một thợ săn và tang vật bị bắt tại BQL Khu BTTN Ea Sô.
Một thợ săn và tang vật bị bắt tại BQL Khu BTTN Ea Sô.

Theo anh Phạm Văn Quang, Trạm phó Trạm Kiểm lâm số 5, đi bộ thêm nửa ngày nữa mới đến chỗ rừng gỗ hương bị tàn phá khủng khiếp nhất, khu vực đó chỉ cách ranh giới rừng đặc dụng Ea Sô từ vài chục đến vài trăm mét. Dọc đường đi về phía bắc, tiếng cưa máy hạ rừng vang lên không dứt từ bên bờ phải sông Krông H’Năng, tức địa phận thôn Tân Lập, xã Ea Lâm (Sông Hinh). Anh Quang cho biết: “Rừng bên tỉnh Phú Yên đã trọc hết, dân đã trồng cao su đến sát bờ sông rồi. Con sông này giúp chúng tôi bảo vệ rừng, nhưng từ ngày thủy điện Sông Hinh chặn dòng, về mùa khô có thể đi bộ qua lại. Vậy là Khu BTTN Ea Sô bị hở hẳn sườn phía đông, nguy cơ lâm tặc từ Phú Yên tràn sang phá rừng là rất lớn”.
Rừng gỗ hương tại tọa độ 0517399, 1438758 và độ cao 200 mét, gần suối Ea Păt (chi lưu của sông Krông H’Năng) thuộc địa bàn xã Krông Năng, huyện Krông Pa (Gia Lai) là một rừng hương quý giá bậc nhất Tây Nguyên, mật độ cây rất dày, phần lớn có đường kính gốc 0,8 - 1,2 mét, ước tính mỗi cây có khối lượng gỗ không dưới 3m3. Nhưng hiện nay rừng chỉ còn trơ lại gốc, cứ mươi bước chân là một gốc, cạnh đó là ván bìa, cành ngọn, mùn cưa vun từng đống. Chỉ trong vài tháng, lâm tặc đã biến cả rừng hương quý giá này thành... “nghĩa địa” gỗ. Theo báo cáo của Ban Quản lý dự án Khu BTTN Ea Sô và UBND huyện Ea Kar, khu vực này có 30 cây gỗ hương bị khai thác trái phép, khối lượng thiệt hại khoảng 100m3. Nhưng hiện trường cho thấy ít nhất có khoảng 500 cây, cả nghìn mét khối gỗ hương đã biến mất, nghĩa là tốc độ phá rừng ở đây rất nhanh. Cũng theo các báo cáo trên thì “hiện có rất nhiều lâm tặc lợi dụng danh nghĩa của Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai dùng cưa máy, xe độ chế khai thác trái phép các loại gỗ nhóm IIA như hương, trắc, cà te... trên diện rộng”. Đi quá “nghĩa địa” gỗ hương, trước mắt chúng tôi là bạt ngàn rừng kinh tế của các doanh nghiệp tư nhân ở Gia Lai, vốn được chuyển từ rừng tự nhiên. Rừng hương bị thảm sát, rừng trồng cũng đang khai thác gỗ, khoảng cách vài trăm mét đến rừng đặc dụng Khu BTTN Ea Sô không còn ý nghĩa gì.

Hở “sườn” đông, mất “rào chắn” phía tây, 27.000ha rừng đặc dụng Ea Sô - môi trường sống lý tưởng bậc nhất Việt Nam của bò tót, bò rừng và các loài thú quý hiếm thuộc bộ móng guốc ăn cỏ - đang thực sự bị đe dọa nghiêm trọng. Trước thực trạng trên, Ban Quản lý dự án Khu BTTN Ea Sô và UBND huyện Ea Kar vừa đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng có ý kiến bằng văn bản, đồng thời phối hợp với ngành chức năng của các tỉnh bạn tiến hành truy quét, xử lý tình trạng phá rừng đặc dụng Khu BTTN Ea Sô và vùng giáp ranh. Đây là biện pháp ngăn chặn lâm tặc từ Gia Lai, Phú Yên tràn vào rừng đặc dụng Ea Sô, cần thực hiện khẩn trương, quyết liệt trước khi quá muộn.

 

Đặng Trung Kiên

Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.