Multimedia Đọc Báo in

Cần mạnh tay với nạn trồng cây cần sa trái phép

19:37, 02/10/2011

Trong những năm gần đây, nạn trồng cây cần sa trái phép trên địa bàn tỉnh diễn ra với xu hướng gia tăng. Chỉ tính từ đầu năm 2011 đến nay, lực lượng chức năng đã phát hiện 8 vụ (3 vụ ở TP. Buôn Ma Thuột; 3 vụ ở huyện Buôn Đôn, 1 vụ ở Lak và 1 vụ ở huyện Ea H’leo), với số lượng ít thì vài chục cây, nhiều thì hàng nghìn cây và trọng lượng lên đến hàng tấn. Điều đáng nói là, khi được hỏi đến thì hầu hết những người trồng những cây này đều trả lời là không  biết rằng đó là cây có chứa chất ma túy.

Vào ngày 27-4-2011,  lực lượng chức năng phát hiện có 21 cây cần sa đang được trồng tại vườn nhà ông Dương Minh Thảo, ở tổ dân phố 9, phường Tự An (TP. Buôn Ma Thuột). Ông Thảo khai là có một người quen đã cho ông một ít hạt cây cần sa, bảo đem về gieo trồng rồi cho các loại gia súc ăn sẽ rất mau lớn. Biết đó là cây cần sa nhưng ông Thảo lại không biết đây là loại cây ma túy nên vẫn đem gieo trồng. Tương tự là trường  hợp Nguyễn Đức Trường, ở thôn 5, xã Ea Wel (Buôn Đôn). Đầu năm 2011, Trường sang nhà hàng xóm chơi và gặp một số người  nói chuyện có thứ hạt giống về trồng lên cho gà ăn rất tốt. Trường đã xin 1 nắm nhỏ mang về ươm trồng được hơn 30 cây. Trường nghe những người đó nói đấy là cây bồ đà, nhưng lại không biết đó chính là cây cần sa. Một trường hợp khác là ông Phạm Ngọc Nga, ở thôn 2, xã Cư Êbur (TP. Buôn Ma Thuột). Vào đầu 2011, sau khi lực lượng chức năng phát hiện vườn nhà ông Nga có trồng 37 cây cần sa thì  ông Nga cho hay mình không hề biết đó là cây cần sa và số cây này là do Hoàng Sơn - là con riêng của vợ ông - đã trồng. Còn Sơn thì khai nhận đã được một đối tượng khác giới thiệu đây là một giống hoa cúc Đà Lạt ra hoa rất đẹp nên Sơn có đem một ít hạt giống về trồng.

Trồng cần sa trong vườn nhà nhưng ông Dương Minh Thảo, ở TP BMT lại hồn nhiên không biết đó là cây chứa chất ma túy .
Trồng cần sa trong vườn nhà nhưng ông Dương Minh Thảo, ở TP BMT lại hồn nhiên không biết đó là cây chứa chất ma túy .
Một vụ điển hình khác đã xảy ra cách đây vài năm. Tại thôn Liên Cơ, xã Hòa Đông (Krông Pak), hai vợ chồng đối tượng Phạm Ngọc Anh (SN 1971) và Trịnh Thị Thu Thủy (SN 1974) đã đưa cho một số hộ dân trong xã hạt giống cần sa nói rằng đây là loại cây dùng làm dược liệu và hướng dẫn họ cách gieo trồng, chăm sóc, thu hái. Sau khi các hộ dân thu hoạch, Anh và Thủy sẽ thu mua với giá cao. Một số hộ dân đã mang về trồng, trong đó có hộ đã chặt phá 400 m2 cà phê để trồng cần sa. Vợ chồng Anh - Thủy cũng trồng trong vườn nhà một diện tích khá lớn loại cây này và đã thu hái xong. Khi cây cần sa của các hộ dân đã gần đến kỳ thu hoạch thì lực lượng chức năng phát hiện, tổ chức thu gom, tiêu hủy. Tại nhà vợ chồng Anh - Thủy, cơ quan chức năng đã thu trên 32 kg lá cần sa khô và 400 gam hạt giống cần sa. Vợ chồng Anh và Thủy sau đó đã bị CA tỉnh Khánh Hòa khởi tố, bắt giam vì là một mắt xích trong đường dây ma túy liên tỉnh. Điều đáng nói ở đây là, trong khi các hộ dân trồng cây này, một số người thấy nghi ngờ mang mẫu hạt giống đến hỏi cán bộ xã thì chính cán bộ xã cũng không hề biết đó là cây gì. 

Nhìn lại các vụ việc trồng cần sa trái phép trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua, có thể thấy: hiện nay, một bộ phận không nhỏ nhân dân trong tỉnh rất thiếu hoặc không có những thông tin, hiểu biết gì về cây cần sa. Thậm chí, ngay cả một số cán bộ chuyên trách phòng chống ma túy, CA các xã, cán bộ ngành nông nghiệp các cấp cũng không biết hoặc chỉ biết mơ hồ về loại cây này. Trong khi đó, theo quy định tại khoản 1, điều 192, Bộ Luật Hình sự hiện hành thì “Người nào trồng cây thuốc phiện, cây cô ca, cây cần sa hoặc các loại cây khác có chứa chất ma túy, đã được giáo dục nhiều lần, đã được tạo điều kiện để ổn định cuộc sống và đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm thì bị phạt tù từ sáu tháng đến ba năm”. Chính vì vậy, tuy có nhiều người trồng cần sa trái phép – kể cả với số lượng lớn - nhưng  cũng chỉ bị xử phạt hành chính nên tính giáo dục, phòng ngừa, răn đe không được phát huy như mong muốn. Đây chính là một khoảng hở mà bọn tội phạm ma túy triệt để lợi dụng lừa người dân trồng cần sa tràn lan để chúng có nguồn nguyên liệu đầu vào với giá rẻ. Với điều kiện của tỉnh ta do nhiều nguyên nhân khác nhau, bọn tội phạm ma túy vẫn dễ dàng lừa người dân trồng cần sa trái phép. Do đó, để chủ động phòng ngừa, ngăn chặn vấn nạn này, các lực lượng chức năng, cơ quan đơn vị liên quan, chính quyền, đoàn thể các địa phương cần tăng cường công tác tuyên truyền trong nhân dân. Trong đó, ngoài việc nêu rõ tác hại, hậu quả của việc trồng trái phép cần sa thì cần phải chú trọng việc in ấn, chiếu băng, đĩa hình mô tả cụ thể chi tiết về các đặc điểm của loại cây này cho nhân dân nhận biết nhằm tránh bị các đối tượng ma túy lừa trồng dẫn tới vi phạm pháp luật.

Trọng Tính

Ý kiến bạn đọc