Multimedia Đọc Báo in

Bấp bênh “nghề”… chơi hụi

09:59, 26/08/2013

Cùng với các hệ thống tín dụng củ nhà nước, tư nhân - dù muốn hay không - hụi vẫn mặc nhiên tồn tại và mức độ rủi ro cũng khá cao. Nhiều vụ bể hụi liên tục xảy ra trong thời gian gần đây đã khiến hàng loạt gia đình lâm vào cảnh lao đao; mặc dù vậy, nhiều người vẫn thích rủ nhau chơi hụi.

Chơi hụi là hình thức nhiều người góp tiền cho một người (chủ hụi) và thay phiên nhau rút để có số tiền lớn làm ăn. Thông thường, một số người quen biết rủ nhau chơi, có thể là hụi ngày, hụi tuần, hụi tháng… với số tiền chơi từ vài chục nghìn đến hàng triệu đồng.

Thời gian qua, trên địa bàn huyện Krông Bông đã xảy ra nhiều vụ giật hụi gây chấn động trong dư luận. Không những người dân, các tiểu thương buôn bán chơi hụi với nhau, mà ngay cả công chức cũng chơi hụi. Nhiều vụ bể hụi đã xảy ra ở các địa phương trên địa bàn huyện như: tại xã Cư Drăm nhiều vụ chủ hụi quỵt hàng trăm triệu, thậm chí hàng tỷ đồng; hay gần đây, một người phụ nữ làm nghề bán vé số dạo đã gom hàng trăm triệu đồng tiền nộp hụi của nhiều người trên địa bàn xã Hòa Phong và đi khỏi địa phương; sau khi phát hiện chủ hụi bỏ đi, hàng chục người chơi mới hốt hoảng tìm kiếm, nhưng đành phải chịu mất của. Cũng trong tháng 8-2013, tại địa bàn thôn 5, 6, 7 (xã Hòa Lễ), một số chủ hụi nấp dưới hình thức cầm cái số đề, huy động vốn của những người quen biết, đến khi vỡ hụi thì mọi người lâm vào cảnh “khóc dở mếu dở” bởi chủ hụi không có khả năng trả nợ và cũng có trường hợp quá thân quen nên phải chấp nhận trả nợ dần năm này qua năm khác… Mặc dù mắc nợ tiền hụi hàng chục, hàng trăm triệu đồng của mọi người nhưng nhiều chủ hụi vẫn sống nhởn nhơ vì họ công nhận có nợ nhưng không xù tiền của bất cứ ai mà sẽ trả khi nào làm ăn dư dả.

Có thể nhận thấy, thủ đoạn của những người làm chủ hụi thường là vào thời gian mới bắt đầu chơi, các con hụi nếu ai đó cần tiền hốt hụi được chủ hụi trả tiền rất đàng hoàng để tạo lòng tin. Thế nhưng, khi đã gom và lừa được số tiền lớn, chủ hụi liền “cao chạy, xa bay” để lại nhiều con hụi rơi vào cảnh nợ nần điêu đứng. Một trong những mánh khóe ma mãnh của chủ hụi là mượn tiền hốt hụi nhưng không cho hụi viên biết để tiêu xài và đóng các khoản hụi đã hốt, đến khi hết khả năng chi trả thì tạo ra nhiều dây “hụi ma” chỉ có một vài người chơi nhưng mạo danh thêm nhiều người khác để tăng thêm số lượng phần chơi. Có dây hụi chỉ 20 người nhưng chủ hụi đứng chân 10 phần và như vậy việc huy động vốn của 10 phần còn lại cũng không khó khăn là mấy. Người chơi hụi hầu hết chỉ dựa vào lòng tin lẫn nhau và không hề có giấy tờ bảo đảm, không có chính quyền cơ sở xác nhận; nên khi vỡ hụi, tất cả những bằng chứng chỉ dựa vào lời nói miệng, không có cơ sở để kết luận vấn đề và những người góp hụi đứng trước nguy cơ mất nhiều tiền chỉ vì tham lãi lớn, cả tin vào chủ hụi.

Rõ ràng, những rủi ro từ việc góp hụi đã được các ngành chức năng cảnh báo; thậm chí đã thấy hậu quả nhãn tiền nhưng nhiều người vì hám lợi nên cứ lao vào chơi. Khi sự việc vỡ lở, các con hụi đành nhìn số tiền của mình mất trắng, lúc ấy hối hận thì cũng đã quá muộn. Một thực tế đáng buồn là có khá nhiều người dân không cưỡng lại được sức hút mãnh liệt của những “cơn mê lãi suất” mà các dây hụi đem lại, dù rằng trước đó đã có ít nhiều “cơn bão” vỡ hụi gây khốn đốn cho biết bao gia đình. Kết cục buồn thảm xảy đến với các hụi viên khi các dây hụi bị vỡ, họ không biết cậy nhờ ai để thu hồi vốn.

Trao đổi về vấn đề này, ông Hạ, Trưởng Văn phòng luật sư Thảo Nguyên (TP. Buôn Ma Thuột) khuyến cáo: “Việc chơi hụi chỉ dựa vào niềm tin cá nhân của các hụi viên mà không có tài sản bảo đảm cho việc giao dịch này (không có tài sản cầm cố, thế chấp) thì rất dễ gặp sự cố bất trắc. Thế nên, mọi người chỉ nên chơi hụi trong trường hợp các hụi viên phải biết thật chính xác về chủ hụi, có độ tin cậy nhau nhất định, tuyệt nhiên không nên coi hụi là hình thức đầu tư để hưởng lãi suất cao. Riêng đối với các chủ giựt hụi thì tùy theo hành vi, thủ đoạn, tính chất, mức độ vi phạm, sẽ bị xử lý nghiêm trước pháp luật”.

Nguyễn Trung Thu


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.