Multimedia Đọc Báo in

Không giám định được chứng cứ, làm sao xét xử?

08:44, 08/10/2013

TAND TP. Buôn Ma Thuột vừa có bản sơ thẩm số 130/2013/DSST ngày 9-9-2013 về vụ kiện “Tranh chấp hợp đồng thuê khoán” giữa nguyên đơn là Công ty TNHH MTV Cà phê Buôn Ma Thuột (sau đây gọi tắt là Công ty) và bị đơn là ông Đỗ Văn Ngọc (SN 1954, trú tổ dân phố 9, phường Tân Lợi, TP.Buôn Ma Thuột) là người nhận khoán gần 1ha cà phê liên kết của Công ty (con số chính xác là 9.937m2) .

Theo đó, án sơ thẩm căn cứ Hợp đồng nhận khoán liên kết cà phê số Đ/8-8/HĐKT ký kết ngày 31-12-1999 giữa ông Đỗ Văn Ngọc và công ty để tuyên buộc ông Ngọc phải trả nợ Công ty tổng cộng là 41.596 kg cà phê quả tươi, trong đó gồm 35.205 kg (gốc) và 6.391 kg (lãi); và 2.814.158 đồng tiền thuê đất (cả gốc lẫn lãi). Đây là số cà phê và tiền cộng gộp từ niên vụ cà phê 1999-2000 đến niên vụ 2012-2013 được Công ty tính toán trên cơ sở sản lượng cà phê ông Ngọc phải giao nộp mỗi vụ được ghi trong hợp đồng, có sự điều chỉnh giảm theo kế hoạch sản xuất của công ty và đã khấu trừ 4.021 kg mà ông Ngọc đã nộp qua các năm. Tính bình quân mỗi năm số cà phê (gốc) mà ông Ngọc phải giao nộp khoảng 2.800 kg quả tươi.

Được biết trước đó trong quá trình giải quyết vụ kiện, ông Ngọc cho rằng chữ ký mang tên “Đỗ Văn Ngọc” trong Hợp đồng nhận khoán liên kết cà phê số Đ/8-8/HĐKT không phải của ông, và sản lượng cà phê giao nộp là do công ty viết thêm. Ông Ngọc cho biết lúc đó ông có viết trước 3 chữ “Đỗ Văn Ngọc” và dự định sẽ ký sau, nhưng khi đọc xong hợp đồng ông không đồng ý nên không ký, không lên phường xác nhận và đã trả hợp đồng lại cho công ty. Việc có chữ ký nằm trên 3 chữ “Đỗ Văn Ngọc” trong hợp đồng, đó là do người khác ký. Để có căn cứ xét xử, Tòa án đã cho trưng cầu giám định chữ ký nói trên. Kết luận của Phòng kỹ thuật hình sự Công an tỉnh ngày 14-11-2012 nêu rõ: Các chữ ký được trưng cầu khác dạng nên không đủ cơ sở để giám định. Như vậy với kết luận này, vẫn chưa thể khẳng định là ông Ngọc đã ký kết hợp đồng số Đ/8-8/HĐKT, mà cần phải trưng cầu thêm các chữ ký đồng dạng để tiếp tục giám định. Hơn nữa theo trình tự thì trước khi ký kết hợp đồng với công ty, người nhận khoán phải có đơn xin hợp đồng khoán chăm sóc vườn cà phê có xác nhận của chính quyền địa phương nơi người nhận khoán cư trú, thế nhưng ở đây có chi tiết bất thường: ngày ký đơn xin hợp đồng nhận khoán cũng là ngày ký kết hợp đồng (31-12-1999), còn ngày chính quyền địa phương (UBND phường Tân Lợi) xác nhận đơn là 17-8-2000 (tức sau khi ký kết gần 8 tháng)! Thêm nữa, trong bộ hồ sơ hợp đồng có Biên bản bàn giao hiện trạng vườn cà phê, nhưng lại không có chữ ký của bên giao và bên nhận.

Những điều nêu trên cho thấy Hợp đồng nhận khoán liên kết cà phê số Đ/8-8/HĐKT đã có nhiều dấu hiệu ngụy tạo. Và việc án sơ thẩm sử dụng hợp đồng này làm căn cứ để xét xử trong khi việc giám định chứng cứ còn dở dang liệu đã thực sự khách quan và tuân thủ nghiêm các quy định của thủ tục tố tụng?

Ngoài ra, về  phần công nợ của ông Đỗ Văn Ngọc, án sơ  thẩm chỉ căn cứ vào số liệu của phía công ty đưa ra mà không lưu ý đến việc phải điều chỉnh hợp đồng khi có thay đổi chủ trương, chính sách của Nhà nước (đã được ghi rõ tại điều 4 trong Hợp đồng số Đ/8-8/HĐKT). Đặc biệt, tại biên bản cuộc họp ngày 10-8-2012 về việc công ty trả lời khiếu nại của 104 hộ dân tổ dân phố 9, phường Tân Lợi tham gia hợp đồng nhận khoán cà phê liên kết (có chữ ký của Giám đốc công ty – ông Trương Văn Tài), phần thu của công ty được tính như sau: Từ năm 1997- 2005 mức thu theo Thông tư 02/TT-LB (165-195 kg thóc/ha; giá thóc năm 2012 là 5.000đ/kg); từ năm 2006 đến nay: thu theo phương án năm 1997 của công ty tức 480-598 kg cà phê quả tươi/ha/năm. Có thể nhẩm tính được với mức thu này, ông Đỗ Văn Ngọc chỉ nộp tổng cộng không quá 8,5 tấn quả tươi trong 14 năm; chưa tới 1/4 so với con số mà án sơ thẩm đã tính toán cho ông Ngọc (39.226 kg); đó là điều bất hợp lý cần phải được xem xét lại để bảo đảm công bằng cho người nhận khoán liên kết. Còn nếu phán quyết trên đây của án sơ thẩm được thi hành sẽ gây thiệt hại không nhỏ (hơn 30.000 kg) cho gia đình ông Đỗ Văn Ngọc. Ngoài ra nó sẽ tạo tiền lệ không hay trong việc giải quyết công nợ đối với trên 100 hộ nhận khoán cà phê liên kết ở tổ dân phố 9 đang tranh chấp hợp đồng với công ty từ nhiều năm nay do sự nhập nhằng trong thực hiện chính sách khoán.

Ngọc Minh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.