Báo động tình trạng một bộ phận cán bộ ngân hàng vi phạm pháp luật
Thời gian gần đây, ngày càng nhiều cán bộ ngân hàng (NH) vi phạm pháp luật đến mức phải truy tố và đưa ra xét xử. Thực trạng này đang gióng lên hồi chuông báo động về ý thức tuân thủ pháp luật cũng như đạo đức kinh doanh trong hệ thống NH.
Coi trời bằng vung!
Có thể nói rằng, tình trạng cán bộ NH vi phạm pháp luật đã đến hồi báo động không chỉ ở số lượng vụ việc mà mức độ vi phạm đã thể hiện rõ tính liều lĩnh, xem thường pháp luật. Vụ “đại án” vừa được xét xử mà nguyên giám đốc Chi nhánh NH Phát triển khu vực Dak Lak – Dak Nông Vũ Việt Hùng bị tuyên phạt tử hình là một minh chứng. Trong vụ án này, các đối tượng có liên quan đã làm giả nhiều hồ sơ, chứng từ xuất khẩu nông sản để được vay vốn tại Chi nhánh NH Phát triển khu vực Dak Lak-Dak Nông. Và dĩ nhiên, để được duyệt vay vốn, các đối tượng này đã xây dựng mối quan hệ mật thiết và “lại quả” cho vị giám đốc chi nhánh những món quà không nhỏ. Một trong những tình tiết thể hiện sự liều lĩnh của vị giám đốc này là gây sức ép, buộc cấp dưới phải làm theo chỉ đạo sai trái của mình. Theo lời khai của bị cáo Trần Xuân Lộc, nguyên Trưởng phòng Tín dụng xuất khẩu Chi nhánh trên, cuối năm 2008, khi thẩm định hồ sơ vay vốn của Cao Bạch Mai (nguyên giám đốc công ty TNHH thương mại dịch vụ Minh Nhật) và Trần Thị Xuân (nguyên giám đốc Công ty TNHH thương mại dịch vụ Nhật Tân), Lộc đã phê vào hồ sơ không đồng ý cho vay vì hai doanh nghiệp này năng lực tài chính yếu, chưa có kinh nghiệm trong lĩnh vực xuất nhập khẩu. Tuy nhiên, khi chuyển hồ sơ lên trình ký thì Hùng yêu cầu Lộc thẩm định lại và cho rằng hai doanh nghiệp này có uy tín, tiềm lực tài chính mạnh nên phải tạo điều kiện cho vay. Trước sức ép của Hùng, Lộc đã phê vào hồ sơ vay của Mai và Xuân là: “trình giám đốc xem xét, giải quyết”, mặc dù theo quy định, cán bộ, trưởng phòng tín dụng chỉ được phê vào hồ sơ của khách hàng là đồng ý hoặc không đồng ý cho vay.
Tương tự, vụ việc xảy ra tại Phòng giao dịch (PGD) Tân Lợi (thuộc NH NN&PTNT Dak Lak) vừa được đưa ra xét xử cũng vậy, nhiều quy định liên quan đến thủ tục, quy trình cho vay đã bị bỏ qua. Theo quy định, người vay vốn phải trực tiếp ký hợp đồng thế chấp, hợp đồng tín dụng, giấy nhận nợ, giấy chi tiền mặt…, nhưng rất nhiều trường hợp lại được ký bởi “cò” Nguyễn Thị Hoa. Nghiêm trọng hơn, rất nhiều trường hợp, cán bộ tín dụng lập hồ sơ khống, định giá tài sản thế chấp không đúng với thực tế, như của khách hàng Trần Thị Q. nhờ “cò” Hoa làm thủ tục vay 500 triệu nhưng nhờ có “quan hệ đặc biệt” với PGD trên nên “cò” Hoa đã tự nâng số tiền vay lên 800 triệu. Qua vụ việc này, Hoa được bà Quý cho vay ké 250 triệu đồng và còn lừa bà vay thêm 300 triệu đồng nữa. Một tình tiết đặc biệt của hồ sơ vay này là mặc dù bà Quý không kinh doanh nông sản, nhưng ông Nguyễn Văn Nhân (nguyên cán bộ tín dụng) đã lập khống dự án kinh doanh nông sản cà phê để giải quyết cho vay, nâng giá trị tài sản bảo đảm lên 1,6 tỷ đồng (trong khi giá trị thật của tài sản này chỉ gần 299 triệu đồng!). Trường hợp hồ sơ vay mang tên Nguyễn Thị N. thì sau khi mượn được giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của vợ chồng bà N., “cò” Hoa đã “phù phép” các thủ tục còn lại và vay được của PGD Tân Lợi 300 triệu đồng..., và ông Trần Dũng (nguyên cán bộ tín dụng) cũng lập dự án sửa chữa nhà ở và mua đồ trang trí nội thất khống để hợp thức hóa mục đích sử dụng tiền vay, nâng khống giá trị tài sản thể chấp lên 600 triệu đồng (trong khi giá trị thật chỉ hơn 38 triệu đồng).
“Phòng bệnh hơn chữa bệnh”
Từ thực tế nhiều cán bộ NH vi phạm pháp luật đặt ra vấn đề cần tăng cường hơn nữa công tác phòng ngừa vi phạm. Theo ý kiến của một số cán bộ NH thì có hai biện pháp phòng ngừa hiệu quả: chú trọng giáo dục đạo đức cán bộ và tăng cường công tác thanh tra, giám sát, trong đó, việc giáo dục đạo đức cán bộ phải được coi như một tiêu chí hàng đầu khi tuyển chọn nhân sự, và NH phải xây dựng văn hóa doanh nghiệp, thiết lập một hệ thống kiểm soát đặc biệt về những hành vi trong công tác huy động vốn và cho vay. Có như thế, những rủi ro liên quan đến đạo đức trong kinh doanh mới dần bị triệt tiêu, góp phần ngăn chặn xu hướng cán bộ NH sai phạm dẫn đến bị truy tố ngày càng tăng như hiện nay. Ngoài ra, công tác thanh tra, giám sát cũng cần được tăng cường hơn nữa, trên cơ sở đơn vị được thanh tra cần dựa vào nhiều yếu tố, trong đó không thể bỏ qua những thông tin từ dư luận xã hội để xác định những NH “có vấn đề”. Chẳng hạn, Chi nhánh NH NN&PTNT Dak Lak có hệ thống chi nhánh cấp 2, phòng giao dịch trực thuộc ở hầu hết các địa phương trong tỉnh, vậy tại sao khách hàng ở tận xã Ea H’Đing (huyện Cư M’gar) và xã Hòa Thắng (TP. Buôn Ma Thuột) không vay vốn ở đó, mà phải chuyển sang vay ở PGD Tân Lợi? Nếu điều này được quan tâm và sớm kiểm tra, chấn chỉnh thì có lẽ sự việc không đi quá xa như đã từng xảy ra. Nhiều cán bộ NH cho rằng, việc phát hiện và xử lý các vi phạm trong hoạt động NH nói chung, cho vay nói riêng còn theo kiểu “giơ cao đánh khẽ” nên hiệu quả giáo dục, răn đe chưa cao. Chỉ riêng lĩnh vực tín dụng, tình trạng kiểm tra, giám sát sử dụng vốn vay chưa chặt chẽ, thậm chí là khống biên bản kiểm tra sử dụng vốn vay; thiếu tài liệu chứng minh mục đích sử dụng vốn hoặc phương án, dự án sản xuất kinh doanh thiếu tính khả thi, thậm chí là lập khống nhưng NH vẫn giải ngân cho vay. Rồi tình trạng khách hàng sử dụng vốn vay sai mục đích diễn ra phổ biến, chưa được phát hiện và xử lý kịp thời; việc định giá tài sản thế chấp cao hơn giá trị thực tế…vẫn xảy ra khá phổ biến. Việc đáo hạn nợ cũng vậy, ở một số địa phương người làm dịch vụ đáo hạn NH còn treo cả biển quảng cáo, mặc dù đây là hoạt động không được phép. Lực lượng thanh, kiểm tra chuyên ngành chỉ cần “bám” các cá nhân này thì sẽ dễ dàng biết ngay việc đáo hạn xảy ra ở đâu, mức độ như thế nào.
Với vai trò là một trong những trụ cột “trụ cột” của nền kinh tế, NH luôn là lĩnh vực đòi hỏi sự minh bạch và chuyên nghiệp cao nhất. Do đó, việc nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật cũng như đạo đức đội ngũ cán bộ ngân hàng là điều hết sức quan trọng.
Lê Ngọc
Ý kiến bạn đọc