Chuyện nông thôn: Đừng để "cái sảy nảy cái ung"
Hàng rào của gia đình bà Xuyến bị ông Nam đạp đổ. |
Theo đó, vào tháng 7-2013 bà Phạm Thị Xuyến được sang nhượng một lô đất liên kết với Công ty TNHH MTV Cà phê Ea Ktur (gọi tắt là Công ty Ea Ktur) với diện tích là 1.374 m2. Trên diện tích đất này gia đình bà Xuyến đã trồng tiêu, hiện đang cho thu hoạch. Ngày 25-12-2013, vườn tiêu nhà bà Xuyến bị cắt mất 16 gốc tiêu đang cho thu chín. Gia đình bà Xuyến đã có đơn trình báo Công an huyện Cư Kuin, nhưng đến nay vẫn không có hồi âm. Để bảo vệ tài sản trong vườn, bà Xuyến đã rào cọc bê – tông và chăng dây thép gai quanh vườn. Chiều 25-3-2014, ông Nguyễn Văn Nam (hộ dân sát vườn bà Xuyến) đã vô cớ đập đổ 2 trụ hàng rào và có những lời lẽ đe dọa gia đình bà Xuyến. Đến sáng 26-3, ông Nam tiếp tục đập thêm 4 cọc rào của gia đình bà Xuyến. Gia đình bà Xuyến đã gửi đơn “kêu cứu” đến Công ty Ea Ktur và Công an xã Ea Bhôk. Ngày 31-3, Ban chỉ huy đội sản xuất số 4 và Địa chính Công ty Ea Ktur đã tiến hành đo đạc hiện trạng khu vực trên. Theo biên bản làm việc ngày 31-3, hộ nhận khoán là bà Phạm Thị Xuyến đã lấn chiếm ra đường bờ lô 2,3m và đã trồng cây lâu năm trên diện tích lấn chiếm (gồm 1 hàng muồng, cây lồng mức); hộ ông Nguyễn Văn Nam lấn chiếm đường bờ lô 2,9m và đã trồng trên điện tích lấn chiếm 12 cây muồng (đã trồng dây tiêu leo); hiện đường bờ lô chỉ còn lại 1,5m. Công ty Ea Ktur đã yêu cầu hai hộ trên phải tự tháo dỡ cây trồng trên diện tích lấn chiếm, trả lại hiện trạng bờ lô ban đầu (6,7m). Sự việc đã rõ, nhưng suốt thời gian qua vẫn chưa được giải quyết triệt để và hai hộ dân trên thường xuyên xảy ra xích mích. Ông Nam không những không chịu tháo dỡ mà còn cho rằng đường bờ lô là của mình; còn bà Xuyến thì nghĩ rằng đường bờ lô lâu nay không ai đi lại nên bà đã trồng cây nhằm tận dụng diện tích đất bỏ không, khi nào Công ty lấy lại thì gia đình bà sẽ trả, ông Nam không có lý do gì phá hàng rào của bà.
Theo Trưởng phòng Nông nghiệp Công ty Ea Ktur Nguyễn Văn Chính, đường bờ lô này là đường chung, phục vụ mục đích đi lại, vận chuyển nông sản của tất cả các hộ nhận khoán của công ty. Vì vậy Công ty Ea Ktur nhất định sẽ yêu cầu hai hộ dân giải tỏa vườn cây, trả lại nguyên trạng đường bờ lô. Thiết nghĩ đây là việc làm cấp thiết để tăng cường quản lý đường bờ lô phục vụ lợi ích chung cũng như nhằm chấm dứt những tranh chấp kéo dài giữa đôi bên. Ngoài ra về việc ông Nam vô cớ phá bỏ hàng rào của gia đình bà Xuyến, chính quyền địa phương cũng cần kịp thời xử lý để trả lại sự công bằng cho gia đình bà, góp phần bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn; đồng thời không để sự xích mích kéo dài gây ức chế cho các bên dẫn đến “cái sảy nảy cái ung” hậu quả khó lường.
Giang Nam
Ý kiến bạn đọc