Multimedia Đọc Báo in

"Siết" tải trọng xe – thị trường được trả về giá trị thực

15:13, 09/06/2014

Đến nay, tất cả các tỉnh, thành trong cả nước đã triển khai kiểm soát tải trọng xe trên các tuyến quốc lộ. Việc "siết" tải trọng xe đã tạo nên nhiều luồng dư luận, phản ứng khác nhau, nhưng đa phần các doanh nghiệp vận tải và liên quan đến vận tải đều lên tiếng đồng tình, ủng hộ chủ trương của cơ quan quản lý Nhà nước khi tất cả được trả về giá trị vốn có của nó.

Là một trong những địa phương sau cùng đưa trạm cân tải trọng xe vào hoạt động, tình trạng chở quá tải trên địa bàn Dak Lak đã giảm đi đáng kể. Hiện nay, hầu hết doanh nghiệp vận tải không ai muốn chở hàng quá tải để bị phạt và tước giấy phép lái xe. Cùng với "siết" tải trọng xe và việc "làm gắt" tại các trung tâm đăng kiểm khiến rất nhiều chủ xe đã mang xe đến các gara đóng lại thùng xe theo đúng quy cách và tải trọng cho phép. Anh Nguyễn Anh Hùng (xã Hòa Thắng, TP. Buôn Ma Thuột), một lái xe chạy tuyến Dak Lak - TP. Hồ Chí Minh cho biết, trước đây với chiếc xe 8 tấn của mình anh đã cơi nới thùng xe và có thể chở đến hơn 20 tấn. Nhưng hiện nay, địa phương nào cũng đặt trạm cân, buộc tài xế phải chở đúng tải hoặc tạm ngưng chạy, vì nếu không san tải khi cân, ngoài việc bị phạt vì quá tải còn bị tạm giữ bằng lái 30 ngày. Bên cạnh việc hạ tải, nhiều doanh nghiệp đã tính đến phương án đầu tư thêm xe vận tải và tìm hiểu phương thức vận tải khác để có thể đáp ứng đủ nhu cầu người tiêu dùng... Chẳng hạn nhiều chủ cơ sở sản xuất gạch tại huyện Krông Ana đã rục rịch sắm xe tải mới để phục vụ chuyên chở gạch từ cả tháng nay. Một đại diện Công ty TNHH Việt Tiến Anh (xã Ea Bông, huyện Krông Ana) cho biết, để tiêu thụ cùng một lượng gạch ra ngoài tỉnh thay vì chở nhiều chuyến, việc sắm xe mới có tải trọng lớn hơn để thay thế những xe có tải trọng cho phép nhỏ mang lại hiệu quả kinh tế tốt hơn rất nhiều.

Nhiều chủ xe đã đưa xe đến các gara để đóng lại thùng xe  theo đúng quy định.
Nhiều chủ xe đã đưa xe đến các gara để đóng lại thùng xe theo đúng quy định.

Một thực tế chung là, lâu nay gần như tất cả các doanh nghiệp, đơn vị vận tải đều chở hàng quá tải trọng cho phép nên góp phần đưa giá cước vận tải xuống thấp. Thế nên việc kiểm soát tải trọng xe ôtô cũng đã đưa giá của hàng hóa về giá trị đích thực, các doanh nghiệp cũng sẽ không thể mãi ngồi yên để kêu khó mà phải thay đổi phương thức kinh doanh phù hợp. Thực tế là sau khi việc vận chuyển quá tải bị “siết lại”, giá cước vận tải tại Dak Lak rục rịch tăng 60 - 100%. Mức tăng giá cước vận tải lần này tác động trực tiếp vào các doanh nghiệp sản xuất và người tiêu dùng. Đại diện Công ty TNHH Cà phê Nam Nguyệt (huyện Cư Kuin) cho hay, để xuất hàng đi TP. Hồ Chí Minh, hiện nay công ty phải “gánh” thêm 300 đồng/kg để bù chi phí cho các đơn vị vận tải. Không phải doanh nghiệp tăng giá theo kiểu “té nước theo mưa”, mà trên thực tế, do chi phí vận tải tăng nên buộc họ phải tăng giá bán để bù cước vận tải. Theo nhiều chủ xe, cước tăng hay giảm của loại hình xe này không phụ thuộc nhiều vào giá xăng dầu, mà chủ yếu vào hoạt động của các trạm kiểm tra kiểm soát trên đường là “chặt”, hay “lỏng”. Nếu các địa phương đều làm “căng” và xuyên suốt thì việc chở quá tải là điều không thể.

Hẳn nhiên, khi thực hiện việc “siết” chặt xe quá tải, các cơ quan quản lý Nhà nước đã dự đoán được xu hướng tất yếu giá các loại hàng hóa liên quan tới vận tải sẽ tăng lên, tác động tới tình hình sản xuất kinh doanh và túi tiền của người tiêu dùng. Tuy nhiên, trước hậu quả do xe quá tải gây ra như: đường sá, cầu, cống hư hỏng, những vụ tai nạn giao thông thảm khốc… thì “siết” xe quá tải là điều nên làm. Các doanh nghiệp, người tiêu dùng cũng sẽ phải thích nghi với điều này, bởi đây là thời điểm trả lại giá trị thực cho thị trường.

Giang Nam


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.