Multimedia Đọc Báo in

Nâng cao hiệu quả phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc

15:00, 14/09/2014
Trong những năm qua, phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc (BVANTQ) trên địa bàn tỉnh đã huy động được sức mạnh của cả hệ thống chính trị và toàn dân tham gia, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ từ tỉnh đến cơ sở, góp phần nâng cao tinh thần cảnh giác trong quần chúng nhân dân trước những âm mưu, hoạt động của các thế lực thù địch, bảo đảm an ninh trật tự ở địa phương.
 
Ông Y Dec H’đơk, Chủ tịch Ủy ban MTTQVN tỉnh cho biết: Trong thời gian qua tình hình an ninh chính trị (ANCT) trên địa bàn tỉnh cơ bản được giữ vững ổn định nhờ triển khai đồng bộ và có hiệu quả phong trào Toàn dân BVANTQ. Đặc biệt, sau 1 năm thực hiện Chương trình phối hợp Số 09/CTr-BCA-MTTW ngày 1-8-2013 giữa Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQVN và các tổ chức thành viên với Bộ Công an về “Đẩy mạnh phong trào Toàn dân BVANTQ trong tình hình mới”, phong trào Toàn dân BVANTQ trên địa bàn tỉnh đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Công tác tuyên truyền được phối hợp triển khai một cách đồng bộ và hiệu quả từ tỉnh đến cơ sở. Ủy ban MTTQVN tỉnh và các tổ chức thành viên đã tổ chức được 9.596 buổi tuyên truyền, vận động quần chúng với 1.011.942 lượt người tham gia; tổ chức các buổi nói chuyện chuyên đề về trật tự an toàn giao thông cho 1.434 học sinh, sinh viên, giáo viên các trường trên địa bàn tỉnh. Các cấp Công đoàn đã tổ chức 136 lớp tuyên truyền về phòng chống tệ nạn xã hội cho hơn 16.000 lượt công nhân, lao động tham gia…
Thiếu tướng Trần Kỳ Rơi, Giám đốc Công an tỉnh tặng Giấy khen  cho các tập thể và cá nhân xuất sắc trong phong trào  Toàn dân BVANTQ năm 2013.
Thiếu tướng Trần Kỳ Rơi, Giám đốc Công an tỉnh tặng Giấy khen cho các tập thể và cá nhân xuất sắc trong phong trào Toàn dân BVANTQ năm 2013.

Bên cạnh đó, Ủy ban MTTQVN tỉnh, lực lượng công an và các tổ chức thành viên tổ chức hàng trăm đợt quán triệt, tuyên truyền cho hội viên các văn bản liên quan đến an ninh trật tự (ANTT). Qua đó nâng cao ý thức cảnh giác, trách nhiệm và năng lực bảo vệ ANTT của mọi người trong việc chấp hành pháp luật, tham gia phòng ngừa, phát hiện đấu tranh ngăn chặn âm mưu, hoạt động “Diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch và các loại tội phạm, tệ nạn xã hội, góp phần giữ vững ANCT, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh. Điển hình như Công an huyện Cư M’gar phối hợp vận động 65 hộ đồng bào Mông di dời đến nơi định cư mới, hay như Công an huyện Krông Pak đã tiến hành vận động 113 đối tượng hoạt động tà đạo Hà Mòn đến trình diện cơ quan chức năng và ký cam kết không tái phạm… Bên cạnh đó, Ủy ban MTTQVN tỉnh đã phối hợp với lực lượng công an các cấp duy trì triển khai mô hình điểm “Khu dân cư an toàn không có tội phạm”, tiếp tục chỉ đạo điểm Đề án 06-156, Đề án 01-138 tại khu dân cư, qua đó đã giảm thiểu được về tình hình tội phạm, tệ nạn xã hội. Đến nay toàn tỉnh đã có 132 số xã, phường không có tội phạm, 116 xã, phường lành mạnh không có ma túy; 1.645 khu dân cư an toàn và 1.392 khu dân cư không có ma túy. Thông qua phong trào Toàn dân BVANTQ, trong năm qua quần chúng nhân dân đã cung cấp cho lực lượng công an trên 880 tin báo tố giác tội phạm, trong đó có 435 tin có giá trị, giúp điều tra làm rõ 291 vụ việc, 396 đối tượng; tổ chức vận động đầu thú 101 đối tượng truy nã; vận động giao nộp 317 súng các loại và nhiều lựu đạn, kíp nổ, hung khí nguy hiểm khác …

Phong trào Toàn dân BVANTQ cũng luôn được Ủy ban MTTQVN tỉnh gắn kết với các cuộc vận động, các phong trào khác như: “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”; “Dân vận khéo”; “Xóa đói giảm nghèo”… Trong thời gian qua, các cơ quan, đơn vị và nhân dân trong tỉnh đã tích cực tham gia cuộc vận động “Ngày vì người nghèo” với số tiền thu được hơn 7 tỷ đồng; xây mới 85 nhà đại đoàn kết với tổng số tiền là hơn 4 tỷ đồng, thăm và tặng quà Tết với số tiền 1,3 tỷ đồng... Phát huy tinh thần đoàn kết, tương trợ, giúp đỡ nhau trong cộng đồng, truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, “Đền ơn đáp nghĩa”…, các tầng lớp nhân dân trong và ngoài tỉnh đã tích cực tham gia đóng góp Quỹ Đền ơn đáp nghĩa với số tiền gần 4 tỷ đồng; tổ chức thăm tặng quà các đối tượng chính sách, người có công, trẻ mồ côi, người tàn tật với trị giá 15,4 tỷ đồng… Ngoài ra, các ban, ngành, đoàn thể, tổ chức xã hội như: Công đoàn, Hội Cựu Chiến binh, Hội Nông dân… đã tích cực tham gia các phong trào, các cuộc vận động, xây dựng được các nguồn quỹ với tổng giá trị gần 60 tỷ đồng; tham gia hàng chục nghìn ngày công lao động để tu sửa, bảo dưỡng gần 400 km và làm mới 63 km đường giao thông nông thôn… Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện phong trào “Công an Dak Lak hướng về cơ sở, xây dựng mối quan hệ tốt đẹp với nhân dân”, lực lượng Công an tỉnh đã tổ chức 14 đợt hoạt động tình nghĩa; khám chữa bệnh, cấp phát thuốc miễn phí; trao tặng nhà tình nghĩa, trao quà cho các gia đình chính sách, khó khăn, tặng các suất ăn miễn phí cho bệnh nhân nghèo… với tổng trị giá gần 1 tỷ đồng.        

Với kết quả đạt được, trong năm qua, Bộ Công an và UBND tỉnh đã tặng 6 Cờ thi đua và 30 Bằng khen; Giám đốc Công an tỉnh cũng tặng hàng trăm Giấy khen cho tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác xây dựng phong trào Toàn dân BVANTQ. Theo ông Y Dec H’đơk, để phát huy tối đa sức mạnh của cả hệ thống chính trị vào phong trào Toàn dân BVANTQ, thời gian tới các cấp các ngành và các địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, triển khai có hiệu quả Chương trình phối hợp Số 09 của Ủy ban MTTQVN với Bộ Công an; các chương trình, kế hoạch của tỉnh; đẩy mạnh công tác vận động quần chúng tham gia phong trào Toàn dân BVANTQ gắn với các cuộc vận động của  Đảng, Nhà nước cũng như của địa phương. Trong đó nhiệm vụ trọng tâm là xây dựng lực lượng nòng cốt các mô hình quần chúng tự quản, tự bảo vệ về ANTT; làm tốt công tác tuyên truyền, nhân rộng các gương điển hình tiên tiến về công tác đảm bảo ANTT, thi đua lao động, sản xuất tốt…

Duy Tiến


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.