Multimedia Đọc Báo in

Mạnh tay với nạn "bảo kê"

06:57, 03/10/2015
Thời gian gần đây nhiều vùng nông thôn trên địa bàn tỉnh rộ lên nạn “bảo kê” khiến dư luận phẫn nộ. Điều đáng nói là chỉ với vài nhóm người nhỏ mà làm ảnh hưởng đến cuộc sống của rất nhiều người.

Đầu tiên phải kể đến chuyện các nhóm “anh chị” tại huyện Cư Kuin chuyên thực hiện các vụ trộm cắp, phá hoại các vườn tiêu rồi buộc người dân phải đóng “hụi chết” để được “bảo vệ”... Mới đây tại huyện Krông Pắc và huyện Krông Năng lại diễn ra nạn “bảo kê” đối với người trồng và mua bán sầu riêng trên địa bàn. Đối với người trồng sầu riêng, bọn "bảo kê” ngang nhiên vào thu mua sầu riêng với giá mà chúng đưa ra, nếu không bán thì bị chúng đe dọa, không cho thương lái vào mua nên cuối cùng phải “cắn răng” bán rẻ cho yên thân. Trong khi đó, các vựa thu mua và xe tải đến chở  sầu riêng cũng khốn khổ với các băng nhóm này. Các chủ vựa buộc phải thuê những xe tải do chúng bảo kê, những xe không được bảo kê bị chặn đường đe dọa, “xin đểu”, hành hung. Nghiêm trọng hơn, khi người dân phản ứng, bọn côn đồ còn manh động hành hung, ném bom xăng vào nhà gây thiệt hại về tài sản, ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng.

Ở một số nơi, khi lực lượng công an quyết liệt vào cuộc đã bắt được vài đối tượng “bảo kê”, nhưng bắt chỗ này, chỗ khác lại rộ lên, bắt đối tượng này, đối tượng khác lại “nhảy” vào thế chỗ. Điều đó cho thấy sự vào cuộc của cơ quan chức năng vẫn chưa đủ sức răn đe. Thiết nghĩ nạn bảo kê dù nhỏ hay lớn đều là mối nguy đối với xã hội và ít nhiều đang tạo ra môi trường kinh doanh không lành mạnh. Nguy hiểm hơn, vấn nạn này đang sản sinh ra một nhóm người đứng trên luật pháp để làm ăn. Do vậy cần sớm đưa những đối tượng “bảo kê” ra trước pháp luật để xử lý nghiêm minh làm gương cho những kẻ khác đã và đang có ý định kiếm lợi bất chính, lấy lại niềm tin của người dân đối với pháp luật.

Giang Nam


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.