Multimedia Đọc Báo in

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền Luật Giao thông đường bộ

06:53, 27/09/2015

Thời gian qua, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục Luật Giao thông đường bộ (GTĐB) trong mọi tầng lớp nhân dân, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới và vùng đồng bào dân tộc thiểu số được Phòng CSGT-Công an tỉnh xác định là một trong những giải pháp quan trọng giúp kéo giảm tai nạn giao thông (TNGT) xảy ra trên địa bàn.

Từ đầu năm 2015 đến nay, tình hình trật tự an toàn giao thông (TTATGT) trên địa bàn toàn tỉnh đã có chuyển biến tích cực, TNGT giảm cả 3 tiêu chí (số vụ, số người chết, số người bị thương) so với cùng kỳ năm 2014. Tuy nhiên, theo đánh giá của các cơ quan chức năng, kết quả này chưa thực sự bền vững bởi vẫn còn xảy ra nhiều vụ TNGT nghiêm trọng, làm nhiều người chết và bị thương. Đặc biệt, số vụ TNGT xảy ra trên địa bàn nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn chiếm tỷ lệ khá cao (chiếm 30% tổng số vụ TNGT xảy ra trên địa bàn tỉnh) và diễn biến phức tạp. Thực tế tại một số nơi vùng sâu, vùng xa, dễ nhận thấy tình trạng người tham gia giao thông vi phạm Luật GTĐB còn diễn ra khá phổ biến, đặc biệt các địa phương có tuyến Quốc lộ chạy qua. Chính ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận người tham gia giao thông còn hạn chế là nguyên nhân gây ra phần lớn các vụ va chạm và TNGT, khiến cho vấn nạn TNGT khó kiểm soát. Đơn cử như vụ TNGT xảy ra lúc 22 giờ 30 ngày 1-2-2015 tại buôn Cuôr (xã Ea M’Droh, huyện Cư M’gar) giữa xe mô tô BKS: 47L9-8048 với xe mô tô BKS: 47L7-9265 làm 1 người tử vong tại chỗ. Hay như vụ TNGT xảy ra lúc 15 giờ 30 phút ngày 14-7-2015, tại Km 634+500 đường Hồ Chí Minh (QL 14 cũ, đoạn đi qua địa bàn thôn 5, xã Ea Ral, huyện Ea H’leo) giữa xe công nông (không BKS) do Y Liên ADrơng (17 tuổi, trú huyện Ea H’leo) điều khiểu với xe máy BKS: 47P6-7706 do anh Trần Quý (35 tuổi, trú cùng huyện) điều khiển, làm anh Quý tử vong tại chỗ…

Một buổi tuyên truyền Luật GTĐB tại xã vùng sâu, vùng xa.
Một buổi tuyên truyền Luật GTĐB tại xã vùng sâu, vùng xa.

Để công tác bảo đảm TTATGT trong Năm ATGT Quốc gia 2015 đạt hiệu quả cao, đồng thời góp phần nâng cao nhận thức cho người dân, Ban ATGT tỉnh cùng với Phòng CSGT-Công an tỉnh đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm ngăn chặn, kiềm chế và tiến tới giảm dần TNGT xảy ra trên địa bàn tỉnh. Trong đó, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục Luật GTĐB được ngành chức năng đặc biệt coi trọng. Từ đầu năm đến nay, Phòng CSGT-Công an tỉnh đã tổ chức được 15 buổi tuyên truyền, phổ biến Luật GTĐB tại 91 thôn, buôn của 15 huyện, thị xã, thành phố trong toàn tỉnh, thu hút 6.610 lượt người tham gia... Thiếu tá H’Dona Êban (Cán bộ Đội tuyên truyền và hướng dẫn Luật GTĐB, Phòng CSGT-Công an tỉnh) cho biết: “Cuộc sống của người dân vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn, hằng ngày lên nương rẫy, tối mịt mới về nên việc tuyên truyền thường phải tổ chức vào ban đêm. Đường sá dẫn vào các thôn, buôn mùa này thường lầy lội khó đi nhưng cán bộ, chiến sĩ (CBCS) trong đơn vị vẫn quyết tâm thực hiện tốt nhiệm vụ. Công tác tuyên truyền được chuẩn bị chu đáo, nội dung sát với thực tế cuộc sống bằng cả 2 thứ tiếng (tiếng Kinh và tiếng Êđê) để bà con dễ hiểu, dễ nhớ. Tại các buổi tuyên truyền, Phòng cho trình chiếu những hình ảnh TNGT và hình ảnh thực tế tham gia giao thông của người dân trên địa bàn do CBCS ghi lại trước đó. Qua đó, phân tích, chỉ rõ các tình huống cụ thể để người dân hiểu”.

Để công tác tuyên truyền thực sự hiệu quả, sát với thực tiễn đời sống, CBCS trong đơn vị đã không quản ngại khó khăn, vất vả, đến tận địa bàn thôn, buôn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số để tổ chức tuyên truyền Luật GTĐB với nhiều nội dung, hình thức đa dạng, phong phú. Chẳng hạn như: phát tờ rơi, triển lãm tranh, ảnh về các vụ TNGT, giới thiệu các biển báo chỉ dẫn trên các tuyến đường, hướng dẫn người dân đội mũ bảo hiểm đúng quy cách... Trong các buổi tuyên truyền, CBCS CSGT luôn xác định đối tượng thanh, thiếu niên là trọng tâm bởi đây là nhóm chiếm tỷ lệ cao trong các vụ TNGT. Tuy nhiên, những đối tượng này rất khó vận động, vì vậy, lực lượng chức năng đã phải nhờ sự hỗ trợ, can thiệp của chính quyền địa phương để phối hợp tuyên truyền riêng. Cùng với công tác tuyên truyền, Phòng cũng đã huy động tối đa lực lượng, phương tiện, thiết bị kỹ thuật tăng cường tuần tra kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.Vừa qua, đã mở 3 đợt cao điểm, chuyên đề tổng kiểm tra phương tiện, người điều khiển phương tiện vi phạm Luật GTĐB. Kết quả đợt cao điểm xử lý người điều khiển phương tiện sử dụng bia rượu quá nồng độ cồn cho phép, đã phát hiện 5.680 trường hợp vi phạm; chuyên đề tổng kiểm tra phương tiện xe khách, đã phát hiện, lập biên bản 1.765 trường hợp vi phạm; phối hợp với lực lượng thanh tra giao thông kiểm tra, xử lý phương tiện vi phạm về tải trọng, phát hiện 486 trường hợp…

Có thể thấy, công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về TTATGT của Phòng CSGT đã phát huy hiệu quả thiết thực, từng bước nâng cao nhận thức và ý thức tự giác chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông, nhất là nhóm đối tượng học sinh, thanh-thiếu niên, người trong độ tuổi lao động...

 Thế Hùng


Ý kiến bạn đọc