Đẩy mạnh tuyên truyền pháp luật bằng hình thức sân khấu hóa
Tuyên truyền pháp luật bằng sân khấu hóa là hình thức tuyên truyền pháp luật kết hợp với sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, có sức hấp dẫn và mang lại hiệu quả cao. Hình thức sân khấu hóa thường được áp dụng đối với các hội thi dưới dạng thi vấn đáp và sân khấu. Đối với thi vấn đáp thì người dự thi phải trả lời bằng miệng những câu hỏi của Ban Giám khảo về những nội dung pháp luật nào đó. Đối với thi qua hình thức sân khấu thì người dự thi (cá nhân hoặc tập thể) dùng sân khấu để thực hiện phần thi của mình. Người dự thi thể hiện kiến thức, sự hiểu biết pháp luật và khả năng ứng xử của mình trước các tình huống cụ thể thường gặp trong cuộc sống thông qua cách trình bày dưới dạng câu trả lời, tiểu phẩm, kịch ngắn, thơ ca, hò vè… Để hoàn thành được phần thi của mình đòi hỏi người dự thi phải có trình độ biểu diễn nghệ thuật nhất định và thông qua đó thể hiện kiến thức, hiểu biết pháp luật. Đồng thời với những đối tượng trực tiếp tham gia với tư cách là những “thí sinh chính” thì hội thi còn là dịp tuyên truyền pháp luật đến đội ngũ cổ động viên. Thông qua việc theo dõi trực tiếp tại hội thi, nghe giải đáp các tình huống pháp luật liên quan đến cuộc sống thường ngày, các đối tượng này có dịp tiếp cận với các kiến thức pháp luật, trao đổi tranh luận với bạn bè, đồng nghiệp, người thân… qua đó, nâng cao được kiến thức pháp luật một cách thiết thực.
Những năm gần đây, trên địa bàn tỉnh ta, một số hội thi được dư luận đánh gia cao như: “Hòa giải viên giỏi”; “Tuyên truyền viên pháp luật giỏi”, “Hộ tịch viên giỏi”, “Giáo viên giáo dục công dân - pháp luật giỏi”, “Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn với kiến thức pháp luật”… đã thu hút sự tham gia đông đảo của thí sinh và khán giả theo dõi. Đây cũng là nền tảng để tỉnh ta phát huy những kết quả đã đạt được, rút kinh nghiệm từ các lần tổ chức hội thi trong những năm qua để tổ chức thành công nhiều hội thi trong năm những năm tiếp theo, nhất là Hội thi “Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND cấp xã với pháp luật” sẽ được tổ chức trong quý III năm 2016.
Để hình thức tuyên truyền pháp luật thông qua hình thức sân khấu hóa trên địa bàn tỉnh tiếp tục phát huy được hiệu quả trong thời gian tới thì các cấp, các ngành cần chú trọng nâng cao chất lượng và hiệu quả tổ chức hội thi; đổi mới cách thức tổ chức để các thí sinh đến từ cơ sở hoặc những người dân tham gia không cảm thấy nhàm chán; thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, địa phương cần tạo điều kiện về thời gian và kinh phí cho những người tham gia hội thi đầu tư công sức, trí tuệ, năng lực, sở trường vào phần dự thi của mình, trong đó, tập trung đầu tư nghiên cứu nội dung theo hướng kết hợp với thơ ca, hò, vè… Bên cạnh đó, Ban tổ chức các hội thi cần có nhiều phần giao lưu với khán giả theo hướng đố vui, hỏi đáp nhanh để được nhận quà, qua đó giúp cho các đối tượng nắm vững kiến thức pháp luật để áp dụng trong thực tế… Những hình thức tuyên truyền như vậy sẽ góp phần giúp những nội dung của pháp luật không còn khô cứng mà gần gũi hơn với cuộc sống thường ngày, trở nên dễ nhớ, dễ hiếu đối với đông đảo người dân.
Trần Thị Bích Luy
Ý kiến bạn đọc