Multimedia Đọc Báo in

Những kết quả tích cực sau 5 năm thi hành Luật Lý lịch tư pháp

09:27, 06/04/2016
Sự ra đời của Luật Lý lịch tư pháp và Nghị định số 111/2010/NĐ-CP đã đánh dấu bước phát triển vượt bậc trong việc thể chế hoá đường lối, chủ trương của Đảng và Nhà nước về công tác lý lịch tư pháp, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp, xây dựng nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa, bảo đảm thực hiện quyền con người, quyền công dân, góp phần vào công cuộc hội nhập quốc tế.
 
Trong 5 năm qua, việc thi hành Luật Lý lịch tư pháp và Nghị định số 111/2010/NĐ-CP trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đã đạt được những kết quả tích cực.

Bên cạnh việc ban hành nhiều văn bản chỉ đạo triển khai thực hiện, tỉnh đã chỉ đạo Sở Tư pháp phối hợp với TAND tỉnh, Công an tỉnh và Cục Thi hành án dân sự tỉnh ký Quy chế phối hợp số 97/QCPH-STP-TAND-CA-CTHADS  ngày 9-3-2011 về việc trao đổi, cung cấp, tiếp nhận và cập nhật thông tin lý lịch tư pháp trên địa bàn tỉnh, xác định cụ thể trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị trong việc trao đổi, cung cấp, tiếp nhận, cập nhật thông tin lý lịch tư pháp; bảo đảm việc cung cấp, tiếp nhận, cập nhật thông tin lý lịch tư pháp đầy đủ, chính xác, kịp thời. Tỉnh cũng đã đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật về lý lịch tư pháp bằng nhiều hình thức, trên các phương tiện thông tin đại chúng nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về lý lịch tư pháp trong các cấp ngành và cán bộ, nhân dân trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, bố trí kinh phí đầu tư, trang bị các cơ sở vật chất cần thiết phục vụ công tác lý lịch tư pháp như: bàn, ghế, máy tính cá nhân, máy in, máy photocopy, kết nối đường truyền tốc độ cao để triển khai phần mềm quản lý lý lịch tư pháp dùng chung của Bộ Tư pháp, xây dựng kho lưu trữ hồ sơ lý lịch tư pháp bằng giấy riêng để bảo đảm nguyên tắc quản lý, khai thác cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp. Hiện nay, việc lưu trữ hồ sơ lý lịch tư pháp được đánh số lưu trữ, tuân thủ nghiêm túc các quy định của Thông tư số 06/2013/TT-BTP về lưu trữ lý lịch tư pháp. Ngoài ra, hằng năm tỉnh đều bố trí kinh phí (từ 60 - 80 triệu đồng) để triển khai việc nhập thông tin lý lịch tư pháp vào cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp tại địa phương.

Người dân giao dịch tại bộ phận một cửa của UBND TP. Buôn Ma Thuột.  Ảnh: Bích Luy
Người dân giao dịch tại bộ phận một cửa của UBND TP. Buôn Ma Thuột. Ảnh: Bích Luy

Xác định việc xây dựng cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhằm chủ động trong việc quản lý, khai thác thông tin lý lịch tư pháp và cấp Phiếu lý lịch tư pháp cho công dân, tỉnh đã chỉ đạo Sở Tư pháp và đề nghị các cơ quan có liên quan sắp xếp, bố trí cán bộ có năng lực, trình độ để thực hiện công tác này ngay từ khi Luật có hiệu lực thi hành. Đến nay, việc xây dựng, quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp tại địa phương ngày càng được quan tâm, chú trọng; việc tiếp nhận, cập nhật, xử lý thông tin lý lịch tư pháp, lập lý lịch tư pháp cơ bản đã kịp thời, chính xác. Tính đến ngày 31-12-2015, Sở Tư pháp đã tiếp nhận 58.371 thông tin lý lịch tư pháp do TAND, Công an, Cơ quan Thi hành án dân sự, Trung tâm lý lịch tư pháp quốc gia, các Sở Tư pháp khác và các cơ quan có liên quan cung cấp. Số thông tin này được phân loại, xử lý theo quy định, bảo đảm khoa học, chặt chẽ. Theo đó, đã lập và cung cấp cho Trung tâm lý lịch tư pháp quốc gia 12.828 bản lý lịch tư pháp; cung cấp 4.437 thông tin lý lịch tư pháp cho các Sở Tư pháp khác để xử lý theo thẩm quyền. Bên cạnh đó, Sở Tư pháp đã tiến hành rà soát, đối chiếu các thông tin lý lịch tư pháp do Tòa án, Cơ quan Thi hành án dân sự và các cơ quan có liên quan cung cấp, qua đó đã lập danh mục và có văn bản đề nghị TAND trên địa bàn tỉnh cung cấp thông tin bổ sung để lập Lý lịch tư pháp đối với những thông tin có trước ngày 1-7-2010. Đồng thời, chỉ đạo rà soát, thống kê và lập kế hoạch xử lý, cập nhật thông tin lý lịch tư pháp còn tồn đọng theo đúng chỉ đạo tại Chỉ thị số 02/CT-BTP ngày 9-3-2015 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp.

Việc tiếp nhận yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp cho các cá nhân, cơ quan, tổ chức trên địa bàn tỉnh được thực hiện theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông gắn với áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001:2008 và áp dụng công nghệ thông tin (phần mềm quản lý lý lịch tư pháp dùng chung của Bộ Tư pháp) từ khâu tiếp nhận, xử lý đến trả kết quả. Để thuận lợi cho các cá nhân, tổ chức khi có yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp, UBND tỉnh ban hành bộ thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở Tư pháp (trong đó có thủ tục cấp Phiếu lý lịch tư pháp), chỉ đạo Sở Tư pháp công khai các thủ tục hành chính này trên Trang thông tin điện tử của Sở Tư pháp, cấp miễn phí mẫu tờ khai cho cá nhân, cơ quan, tổ chức đến yêu cầu cấp Phiếu Lý lịch tư pháp. Tính đến ngày 31-12-2015, Sở Tư pháp đã tiếp nhận và giải quyết 15.277 trường hợp yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp. Việc tra cứu, xác minh thông tin lý lịch tư pháp để cấp Phiếu lý lịch tư pháp nhanh chóng, kịp thời, hầu hết các trường hợp yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp đều được giải quyết đúng và trước hạn. Số ít trường hợp giải quyết quá hạn là do đương sự có thời gian cư trú ở nhiều tỉnh, thành phố khác nhau, thậm chí cả ở nước ngoài (phải tra cứu thông tin trong hệ thống hồ sơ, tàng thư của Bộ Công an) hoặc kết quả tra cứu thông tin lý lịch tư pháp của cơ quan Công an chưa đủ căn cứ để kết luận về tình trạng án tích của đương sự, vì vậy phải đề nghị các cơ quan có liên quan phối hợp tra cứu, xác minh thêm thông tin lý lịch tư pháp… nên thời gian xác minh thường kéo dài hơn so với quy định.

Để việc quản lý lý lịch tư pháp được hiệu quả, Sở Tư pháp đã chủ động liên hệ, đề nghị Sở Tư pháp TP.Hồ Chí Minh hỗ trợ phần mềm quản lý lý lịch tư pháp. Việc triển khai ứng dụng phần mềm này được thực hiện từ quý I-2011 đến quý III-2012. Khi phần mềm quản lý lý lịch tư pháp dùng chung của Bộ Tư pháp được đưa vào sử dụng thống nhất trong cả nước, Sở Tư pháp đã triển khai ứng dụng phần mềm này của Bộ. Đến nay, việc quản lý  cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp điện tử trên địa bàn tỉnh được thực hiện thống nhất theo phần mềm quản lý lý lịch tư pháp dùng chung của Bộ Tư pháp.

       Nguyễn Thị Bình


Ý kiến bạn đọc