Multimedia Đọc Báo in

Xử lý vi phạm hành lang an toàn lưới điện: Vẫn còn khó khăn

08:19, 21/08/2016

Trong thời gian qua, cùng với việc đẩy mạnh tuyên truyền, Công ty Điện lực Đắk Lắk (PC Đắk Lắk) đã triển khai nhiều giải pháp kỹ thuật để giải quyết tình trạng vi phạm hành lang an toàn lưới điện cao áp.

Tuy nhiên, tình trạng vi phạm vẫn diễn ra phức tạp, tính đến ngày 30-6-2016, lưới điện do PC Đắk Lắk quản lý vận hành vẫn xảy ra đến 129 vụ vi phạm, chỉ giảm được 12 vụ so với thời điểm cuối năm 2015. Trong số này, có rất nhiều vụ đã kéo dài nhiều năm nhưng đến nay vẫn chưa giải quyết được.

Có thể kể đến như vụ việc vi phạm của gia đình ông Phạm Văn Nghị (thôn Cư Êwi, xã Ea Yông, huyện Krông Pắc) xảy ra từ năm 2009. Theo đó, gia đình ông Nghị trồng bơ dưới đường dây điện, sau đó cây phát triển, vươn cao dẫn đến vi phạm khoảng cách an toàn. Trước đó, đường dây này do một doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhưng chưa hỗ trợ đền bù. Vì vậy, PC Đắk Lắk đã phối hợp với UBND xã Ea Yông thỏa thuận đền bù theo đơn giá Nhà nước là 650.000 đồng/cây song gia đình ông Nghị không đồng ý, yêu cầu bồi thường 5 triệu đồng/cây. Do chưa thống nhất được đơn giá đền bù nên trước mắt PC Đắk Lắk đã lập phương án cải tạo đường dây bằng cách nâng chiều cao cột để cấp điện cho khu vực dân cư cuối nguồn. Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp tạm thời, vẫn tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn khi người dân đến gần hoặc trèo lên cây hái bơ. Một vụ việc khác, vào tháng 5-2015 gia đình ông Nguyễn Quang Vinh (thôn 15, xã Pơng Đrang, huyện Krông Búk) đổ đất nâng cao mặt bằng quán dưới đường dây 476E47, vi phạm khoảng cách an toàn. Ngay sau khi phát hiện, PC Đắk Lắk đã phối hợp với UBND huyện Krông Búk lập biên bản xử lý vi phạm hành chính, yêu cầu gia đình ông Vinh chấm dứt hành vi vi phạm, hoàn trả lại nguyên trạng hành lang và phạt 7 triệu đồng. Tuy nhiên, đến nay sau hơn một năm, tình trạng vi phạm này vẫn chưa được giải quyết. Hay như vụ việc UBND huyện Buôn Đôn cấp đất làm nhà cho hộ bà Nguyễn Thị Phượng và bà Đặng Thị Thúy Liễu ở buôn Ea Rông B, xã Krông Ana ngay dưới hành lang an toàn lưới điện cao áp của đường dây 472F16. Các hộ này đã tiến hành làm nhà và kinh doanh trên mảnh đất này. Khi phát hiện, Điện lực Buôn Đôn đã lập thông báo về việc vi phạm hành lang an toàn lưới điện cao áp gửi đến các hộ và UBND xã. Sau đó, PC Đắk Lắk đã trực tiếp làm việc với UBND huyện Buôn Đôn, theo đó UBND huyện Buôn Đôn đã thừa nhận việc cấp đất dưới hành lang an toàn lưới điện là sai quy định, hứa sẽ khắc phục bằng cách đầu tư kinh phí di chuyển đường dây sang hướng khác. Song đến nay “lời hứa” này vẫn chưa được thực hiện.

Ngôi nhà đang xây dựng tại 129 Hùng Vương (TP. Buôn Ma Thuột) vi phạm hành lang an toàn lưới điện.
Ngôi nhà đang xây dựng tại 129 Hùng Vương (TP. Buôn Ma Thuột) vi phạm hành lang an toàn lưới điện.

Cùng với vi phạm về công trình nhà ở, do đặc thù lưới điện trải dài, chạy qua các vùng trồng cây cao su, các loại cây có giá trị kinh tế cao và các vùng rừng đặc dụng, vườn quốc gia nên việc giải quyết dứt điểm các vụ vi phạm hành lang an toàn lưới điện theo Nghị định 14/NĐ-CP vô cùng nan giải. Riêng 6 tháng đầu năm 2016, đã xảy ra 35 lần sự cố do cây cối ngoài hành lang đổ vào đường dây, chiếm hơn 13% số lần sự cố duy trì trên toàn hệ thống điện Đắk Lắk. Xác định nguy cơ đặc thù này, ngay từ năm 2005, PC Đắk Lắk đã phối hợp với Công ty Cao su Đắk Lắk và UBND các huyện tổ chức thống kê các vùng cây cao su vi phạm hành lang lưới điện. Sau đó, các đơn vị đã cùng họp bàn phương án xử lý nhưng chỉ dừng lại ở mức độ rong tỉa cành hằng tháng nhằm hạn chế sự cố, còn việc chặt hạ vẫn chưa thể thực hiện được. Bên cạnh đó, mặc dù ngành điện, chính quyền địa phương đã tích cực vận động, tuyên truyền song vẫn chưa tìm được tiếng nói chung trong giá đền bù đối với các hộ dân có vườn cây nằm trong hành lang an toàn lưới điện.

Trong khi rất nhiều vụ vi phạm chưa được giải quyết dứt điểm thì lại xuất hiện thêm nhiều vụ vi phạm mới có tính nghiêm trọng. Mới đây nhất, vào ngày 13-6, trong quá trình kiểm tra, Điện lực Bắc Buôn Ma Thuột phát hiện ngôi nhà đang xây dựng tại số 129 Hùng Vương (TP. Buôn Ma Thuột) vi phạm hành lang an toàn lưới điện với khoảng cách nằm ngang chỉ 0,2 m và chiều thẳng đứng là 1 m. Qua nhiều lần làm việc, phía Điện lực buộc phải xử lý vi phạm bằng cách nâng cao chiều cao cột và dùng xà lệch để tăng khoảng cách theo phương ngang song đây cũng chỉ là một giải pháp tình thế.

Qua những vụ việc nói trên cho thấy, việc giải quyết vi phạm hành lang an toàn lưới điện cao áp, ngoài sự nỗ lực của ngành Điện còn cần có sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa của chính quyền địa phương, Ban Chỉ đạo thực hiện Nghị định số 14/NĐ-CP các cấp. Các đơn vị cần phối hợp xử lý kiên quyết, dứt điểm các công trình, nhà ở không đủ điều kiện tồn tại trong hành lang an toàn lưới điện cao áp và không để phát sinh số vụ vi phạm mới. Nếu không làm quyết liệt, tình trạng vi phạm hành lang bảo vệ an toàn lưới điện sẽ tiếp tục xảy ra và nguy cơ tai nạn là rất lớn. 

Minh Phúc


Ý kiến bạn đọc