Multimedia Đọc Báo in

Cần đẩy mạnh phòng chống bạo lực gia đình

08:32, 26/03/2017

Theo thống kê, từ năm 2012 đến tháng 6-2015, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 3.451 vụ bạo lực gia đình (491 vụ ở thành thị, 2.951 vụ ở nông thôn), số người gây ra bạo lực là 3.165 người (nam giới 2.801 người, nữ giới 364 người) với 2.902 nạn nhân (478 nạn nhân nam, 2.424 nạn nhân nữ).

Trong đó, các cơ quan, đoàn thể đã tiến hành các biện pháp can thiệp, xử lý 3.051 vụ bao gồm xử phạt hành chính, xử phạt hình sự, áp dụng các biện pháp phê bình, giáo dục.

Những con số này cho thấy, bạo lực gia đình đang là vấn đề đáng báo động. Đây là một dạng tệ nạn xã hội gây hậu quả ở nhiều mức độ lên đời sống gia đình và xã hội, ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của người dân. Tình trạng cờ bạc, rượu chè, thiếu việc làm, kết hôn sớm, ép kết hôn; đặc biệt, tình trạng vi phạm chế độ hôn nhân một vợ, một chồng là những yếu tố quan trọng dẫn đến bạo lực gia đình.

Khoản 2 Điều 5 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 nghiêm cấm người đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người đang có chồng, có vợ. Pháp luật cũng quy định rõ, người đang có vợ hoặc đang có chồng mà kết hôn với người khác, chưa có vợ hoặc chưa có chồng mà kết hôn với người mà mình biết rõ là đang có chồng hoặc đang có vợ; người đang có vợ hoặc đang có chồng mà chung sống như vợ chồng với người khác; người chưa có vợ hoặc chưa có chồng mà chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng hoặc đang có vợ thì bị phạt tiền từ 1 triệu đồng đến 3 triệu đồng (theo Điều 48 Nghị định 110/2013/NĐ-CP ngày 24-9-2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp, hôn nhân và gia đình, thi hành án dân sự; phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã). Điều 182 Bộ luật Hình sự Việt Nam 2015  cũng quy định người nào đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc người chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người mà mình biết rõ là đang có chồng, có vợ  thuộc một trong các trường hợp (làm cho quan hệ hôn nhân của một hoặc hai bên dẫn đến ly hôn; đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm) thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 1 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 1 năm. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp (làm cho vợ, chồng hoặc con của một trong hai bên tự sát; đã có quyết định của Tòa án hủy việc kết hôn hoặc buộc phải chấm dứt việc chung sống như vợ chồng trái với chế độ một vợ, một chồng mà vẫn duy trì quan hệ đó) thì bị phạt tù từ 6 tháng đến 03 năm.

Như vậy, pháp luật Việt Nam đã quy định rất chặt chẽ việc vi phạm chế độ hôn nhân một vợ, một chồng để phòng, chống bạo lực gia đình. Tuy nhiên, bên cạnh sự nỗ lực, cố gắng của các thành viên trong gia đình thì các cơ quan chức năng, các ban ngành cũng phải vào cuộc với các biện pháp chế tài rõ ràng và quyết liệt đối với các đối tượng có hành vi bạo lực gia đình và rất cần sự đồng lòng, chung tay của cả xã hội mới xóa bỏ triệt để tình trạng này. Thiết nghĩ, các cấp, các ngành cần đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật về hôn nhân và gia đình, bình đẳng giới, phòng, chống bạo lực gia đình cho nhân dân; can ngăn người có hành vi bạo lực gia đình chấm dứt hành vi bạo lực; hòa giải mâu thuẫn, tranh chấp giữa các thành viên gia đình, phối hợp với cơ quan, tổ chức và cộng đồng dân cư trong phòng, chống bạo lực gia đình; kế thừa, giữ gìn và phát huy những giá trị truyền thống văn hóa tốt đẹp của gia đình, dòng họ mình.

Bích Luy – Mạnh Tú


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.