Multimedia Đọc Báo in

Lập lại trật tự trong quản lý, sử dụng đất và xây dựng đô thị

08:41, 18/04/2017

Để bảo đảm quy hoạch đô thị, lập lại trật tự trong quản lý, sử dụng đất đai và trật tự xây dựng vốn diễn ra phức tạp trong nhiều năm qua, TP. Buôn Ma Thuột đã triển khai hàng loạt các biện pháp, kiên quyết xử lý những tổ chức, cá nhân vi phạm...

“Nóng” tình trạng xây dựng trái phép

Những năm gần đây, tình trạng vi phạm phân lô bán nền, chuyển nhượng đất sản xuất nông nghiệp; cho thuê đất nông nghiệp sử dụng vào mục đích kinh doanh dịch vụ; xây dựng công trình trái phép trên đất nông nghiệp không phù hợp với quy hoạch đã phê duyệt... diễn ra khá phổ biến ở TP. Buôn Ma Thuột. Thực trạng này càng “nóng” lên khi những dự án làm đường được khởi công, mở rộng như: đường vành đai phía tây TP. Buôn Ma Thuột, đường Đông Tây, Trần Quý Cáp... Nhiều hộ gia đình và cá nhân đã mở đường tự phát trên đất nông nghiệp rồi phân lô bán nền, tập trung ở các xã, phường như: Tân Lợi, Tân Tiến, Ea Tam, Thành Nhất, Tân Thành, Cư Êbur. Ông Vũ Văn Hưng, Phó Chủ tịch UBND TP. Buôn Ma Thuột thừa nhận: tình trạng vi phạm trong hoạt động xây dựng trên địa bàn thành phố xảy ra khá phổ biến, không chỉ ở những khu vực là đất nông nghiệp phù hợp với quy hoạch là đất ở mà người dân còn xây dựng ngay cả trên những khu chưa có quy hoạch đất ở, hoặc đất phục vụ công trình công cộng, dịch vụ thương mại... Việc xây dựng công trình trên đất quy hoạch sẽ dẫn đến nhiều hệ  lụy như: làm phá vỡ quy hoạch phân khu, thiếu các quỹ đất để đầu tư những công trình tiện ích cho xã hội như: công viên, khu vui chơi thể thao, bãi đậu đỗ xe, trường học, công trình y tế, gia tăng giá trị đầu tư do chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng ảnh hưởng đến hoạt động thu hút đầu tư phát triển đô thị.

Kiên quyết xử lý

Trước thực trạng trên, TP. Buôn Ma Thuột đã thực hiện nhiều biện pháp chấn chỉnh kịp thời và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Ngày 20-2-2017, thành phố đã thành lập Tổ kiểm tra theo Quyết định 945 để kiểm tra việc thi hành pháp luật trong công tác quản lý trật tự xây dựng và đất đai tại 21 xã, phường. Qua đó, tham mưu UBND thành phố kiên quyết xử lý cưỡng chế đối với những công trình vi phạm cũng như xử lý trách nhiệm đối với lãnh đạo, cán bộ chuyên trách buông lỏng quản lý. Theo báo cáo của UBND thành phố, quý I-2017, qua công tác kiểm tra, thành phố đã phát hiện và xử lý 59 công trình vi phạm, ban hành 45 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền trên 249 triệu đồng. Trong đó, đã tháo dỡ 2 công trình, cưỡng chế phá dỡ 10 công trình (3 công trình vi phạm đã bị xử lý hành chính năm 2016).  Đến nay, các tổ chức, cá nhân đã chấp hành nộp phạt 144 triệu đồng. Một số trường hợp UBND TP. Buôn Ma Thuột đã ban hành các văn bản xử lý như: công trình xây dựng trên đất nông nghiệp của bà Quách Thị Tuất tại tổ dân phố 11, phường Ea Tam; tự ý sửa chữa, cải tạo vỉa hè của bà Nguyễn Thị Hòe tại thửa đất số 100, tờ bản đồ số 83, phường Tân Lợi; công trình xây dựng của ông Nguyễn Quang Hiền tại tổ dân phố 4, phường Thành Nhất; tháo dỡ công trình xây dựng trái phép của ông Phạm Văn Chương để phục vụ cho việc xây dựng, mở rộng Trường Mầm non Tân Lợi...

Nhà xây dựng không phép ở xã Cư Êbur.
Nhà xây dựng không phép ở xã Cư Êbur.

Về việc siết chặt quản lý để lập lại trật tự trong lĩnh vực này, ông Vũ Văn Hưng cũng khẳng định, thành phố đã phân công trách nhiệm cụ thể cho từng đơn vị liên quan và các xã, phường, 100% các trường hợp phát sinh về xây dựng và sử dụng đất trên địa bàn thành phố (kể cả sử dụng đúng mục đích hay sai mục đích) đều phải được kiểm tra, giám sát; xử lý, kiên quyết, kịp thời đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm cũng như cán bộ buông lỏng quản lý. UBND xã, phường nào để phát sinh trường hợp xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp, sử dụng đất sai mục đích, sang nhượng trái phép sẽ xử lý nghiêm trách nhiệm của người đứng đầu. Đối với những công trình phù hợp theo Nghị định 01/2017/NĐ-CP của Chính phủ ngày 6-1-2017 về sửa đổi, bổ sung một số Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai cũng như quy hoạch phân khu, sẽ tổ chức hướng dẫn, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân thực hiện việc đăng ký lập hồ sơ chuyển mục đích sử dụng đất, từ đất nông nghiệp sang đất ở (không buộc tháo dỡ nhà đang xây dựng) nhằm thực hiện đúng quy định pháp luật, bảo đảm quyền lợi hợp pháp cho người dân

Lê Hương


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.