Multimedia Đọc Báo in

Ẩn họa từ những cây cầu dân sinh tạm bợ

09:04, 04/07/2017

Được xây dựng một cách tạm bợ, ít khi được duy tu, sửa chữa nhưng lại được sử dụng thường xuyên nên một số cầu dân sinh ở huyện Ea Súp đã bị hư hỏng, tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn giao thông.

Để đến Tiểu khu 249 (xã Ea Lê) phải đi qua một cây cầu dân sinh bắc qua một con suối nhỏ (cầu được người dân trong tiểu khu đóng góp, xây dựng từ năm 2013), có chiều dài hơn 10 mét, rộng 1 mét gồm các ván gỗ ghép lại, được đóng trên vài trụ gỗ tạm bợ, không có lan can che chắn 2 bên. Hiện, các ván gỗ đều đã mục nát, lần lượt bong ra khỏi mặt cầu, trụ cầu đang sụt lún nghiêm trọng không bảo đảm an toàn cho các phương tiện khi lưu thông qua đây, và có thể sập bất cứ lúc nào. Anh Bàn Văn Sỉnh, một người dân ở đây cho biết, người dân đi qua cầu bị ngã và rơi xuống suối xảy ra thường xuyên. Chưa kể, các sản phẩm sắn, lúa của bà con thường phải bán với giá thấp hơn thị trường do phải chờ đến mùa khô, khi nước suối cạn các tiểu thương mới vào thu mua. Còn vào mùa mưa thì giáo viên ngoài xã, huyện không thể vào dạy cho học sinh Mầm non và Tiểu học trong tiểu khu được vì nước suối dâng cao mà cầu thì không bảo đảm...

Cầu dân sinh xuống cấp tại thôn Bình Lợi tiềm ẩn nhiều nguy hiểm.
Cầu dân sinh xuống cấp tại thôn Bình Lợi tiềm ẩn nhiều nguy hiểm.

Tương tự, tại thôn Bình Lợi (xã Cư M’lan) cũng có một cây cầu gỗ  bắc qua suối Ea Puk, nối thôn Bình Lợi và xã Ea Tir (huyện Ea H’leo) đã xuống cấp. Được biết, cây cầu này được anh Triệu Tòn Nhất, một người dân trong thôn đầu tư 20 triệu đồng để dựng vào năm 2014. Cầu có chiều dài hơn 15 mét, rộng gần 1,5 mét, gồm các thanh gỗ ghép sơ sài lại với nhau đóng trên các thân cây nhỏ, hai bên thành cầu không có lan can che chắn. Toàn bộ cầu được đỡ trên 2 trụ cầu bằng gỗ kê trên... 2 thùng phuy để trụ không bị mục do nước suối, phía dưới 2 thùng phuy được kè 1 lớp đá mỏng. Chính vì vậy, người dân khi đi qua đây vẫn nơm nớp lo sợ, nên về mùa khô mọi người không đi cầu mà lội qua suối cạn, kể cả trẻ con. Chỉ khi vào mùa mưa,  nước  lên cao không thể lội qua suối thì mọi người buộc phải đi qua cầu. Theo đó, vào mùa mưa hằng năm ai đi qua anh Nhất sẽ thu phí từ 10 - 20 nghìn đồng/lượt (trừ các em học sinh trong thôn). Tuy cầu được sửa chữa hằng năm nhưng do xây dựng một cách tạm bợ nên tiềm ẩn nhiều rủi ro cho người và phương tiện khi lưu thông qua đây.

Cầu dân sinh tại Tiểu khu 249.
Cầu dân sinh tại Tiểu khu 249.

Do vậy, người dân các địa phương trên rất mong cơ quan chức năng của huyện, tỉnh cần quan tâm đầu tư xây dựng cầu kiên cố thay cho 2 cây cầu tạm nói trên để việc giao thông đi lại của bà con được an toàn hơn.

Thùy Dung


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.