Multimedia Đọc Báo in

Người dân lao đao vì cầu gãy

10:50, 25/12/2017

Từ sau đợt mưa lũ vào cuối năm 2016, hàng nghìn hộ dân sống ở 3 xã Khuê Ngọc Điền, Hòa Tân, Cư  Kty (huyện Krông Bông) luôn thường trực nỗi bất an khi phải đi qua cây cầu Cư Păm, được người dân quen gọi là “cầu gãy” trên địa bàn.

Vừa đi vừa sợ

Cầu Cư Păm được xây dựng từ thời kinh tế mới những năm 1979 để phục vụ cho việc giao thương, đi lại của hàng nghìn hộ dân trong vùng. Mục đích phục vụ ban đầu chỉ chủ yếu cho người dân đi bộ hoặc cho các xe có tải trọng nhỏ. Nhưng bắt đầu từ năm 2000 đến nay, các xe có tải trọng lớn (có những xe trên 50 tấn) vận chuyển đá, cát, gỗ và các loại nông sản khác bắt đầu qua cầu gây nên sự hư hỏng nặng nề. Trải qua thời gian, cầu ngày càng yếu, xuống cấp nghiêm trọng. Đỉnh điểm là vào đợt mưa lũ tháng 11-2016, trụ T2 của cầu bị xói, sụt lún, làm cầu bị võng, dù đã được sửa chữa gia cố lại, nhưng vẫn gây hoang mang cho người lưu thông. Cầu có chiều dài 80m , rộng 7m với nhiều khe nứt, các thanh lan can 2 bên cầu bị ăn mòn, gỉ sét, trơ cả lõi sắt rất nguy hiểm cho người qua cầu. Dây cáp nối lan can và trụ cầu đã gỉ sét, mố cầu bị xói mòn trơ ra các cọc sắt dưới đế bê tông.

Các trụ cầu có dấu hiệu bị xói lở, xuống cấp.
Các trụ cầu có dấu hiệu bị xói lở, xuống cấp.

Được biết, việc khai thác cát dưới chân cầu làm xói mòn lòng sông, gây lún, cùng với việc 2 cơn bão liên tiếp càn quét vừa rồi đã làm nước dâng lên cao, chảy xiết càng làm chân cầu thêm yếu. Giờ đây, mỗi khi ôtô đi ngang qua cầu rung lắc mạnh có thể cảm nhận được. Theo người dân, dù cầu đã xuống cấp nặng nề, nhưng hằng ngày vẫn có rất nhiều lượt phương tiện giao thông qua lại. Chính quyền địa phương đã cắm biển cấm xe có tải trọng trên 3 tấn, nhưng nhiều xe tải vẫn đánh liều đi qua cây cầu này. Ông Trần Văn Mùi (xã Cư Kty) cho biết, bản thân ông hay tập thể dục buổi sáng ở bãi đất trống dưới chân cây cầu, mỗi lần 2, 3 chiếc xe tải chạy ngang qua cầu phát ra tiếng động rất lớn và có thể cảm nhận được nền đất dưới chân rung chuyển. “Hiện cầu vẫn đang dần xuống cấp, chúng tôi rất lo vì học sinh tiểu học, trung học cơ sở hằng ngày phải sang bên kia cầu để học, hơn nữa vào mùa mưa nước sông ở dưới chảy xiết như vậy rất nguy hiểm” - bà Đặng Thị Na (xã Cư Kty) lo lắng.

Cần sớm sửa chữa, khắc phục

Việc cầu Cư Păm xuống cấp đã gây cản trở không nhỏ đến đời sống người dân trên địa bàn. Phó Chủ tịch xã Cư Kty Nguyễn Thanh Hoa cho biết, đây là cầu nối giữa xã Khuê Ngọc Điền và Cư Kty, là cây cầu độc đạo để vận chuyển hàng hóa, giao thương không chỉ với 2 xã mà của các xã khác bên kia cầu với trung tâm huyện Krông Bông. Để bảo đảm an toàn, người dân phải đi vòng xa hơn khiến việc giao thương hàng hóa, vận chuyển vật liệu xây dựng nhà cửa của người dân bị ảnh hưởng. Hệ lụy nhãn tiền từ việc đi vòng là chi phí sản xuất bị đội lên, việc thông thương hàng hóa với các vùng lân cận gặp nhiều khó khăn.

Mỗi ngày cây cầu phải
Mỗi ngày cây cầu phải "gánh" hàng trăm lượt xe qua.
 
Trước khi có lệnh hạn chế xe tải trọng lớn qua cầu thì Cư Păm là cây cầu duy nhất để vận chuyển hàng hóa của huyện Krông Bông đến Quốc lộ 26 xuống các cảng biển duyên hải miền Trung như Nha Trang, Quy Nhơn... Hiểu được tình hình cấp bách đó, vào tháng 12-2016, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đến khảo sát tình hình và đề nghị huyện tiến hành xây lại cầu, nhưng đến nay người dân vẫn chưa biết khi nào thì cầu mới được xây dựng lại”.
 
Ông Nguyễn Thanh Hoa – Phó Chủ tịch xã Cư Kty

Là một trong những vùng có diện tích trồng mía lớn nhất toàn tỉnh, việc cầu Cư Păm xuống cấp đã gây ảnh hưởng rất lớn cho việc vận chuyển mía cho nhà máy của bà con các xã lân cận. Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ Nông nghiệp Thăng Bình Võ Văn Sơn chia sẻ: “Xe vận chuyển mía của chúng tôi có tải trọng 50 tấn không thể qua được cầu, nên phải chạy vòng lên TP. Buôn Ma Thuột để đi sang Quốc lộ 26, gấp đôi đoạn đường đi so với qua cầu. Do vậy, thay vì trước đây giá cước là 150 nghìn đồng/tấn mía thì giờ đội lên gần 250 nghìn đồng/tấn mía, ảnh hưởng trực tiếp đến giá mía của bà con các xã Hòa Lễ, Ea Trul, Khuê Ngọc Điền”. Cũng theo ông Sơn, không chỉ mía mà tất cả các sản phẩm nông sản khác cũng đều bị ảnh hưởng trực tiếp.

Chia sẻ sâu hơn về sự xuống cấp của cây cầu Cư Păm, ông Nguyễn Thanh Hoa cho biết, do cầu không thuộc sự quản lý của xã nào mà thuộc Sở Giao thông vận tải quản lý nên các xã không thể tự sửa chữa. Các xã cũng đã phản ánh vấn đề lên cấp trên qua các cuộc tiếp xúc cử tri nhưng vẫn chưa có quyết định xây hay gia cố lại cầu Cư Păm.

Băng Châu

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.