Multimedia Đọc Báo in

Để tránh nguy cơ tai nạn giao thông từ xe tập lái

09:29, 09/01/2018

Theo quy định tại Thông tư số 12/2017/TT- BGTVT ngày 15-4-2017 của Bộ Giao thông vận tải quy định về đào tạo, sát hạch, cấp phép lái xe cơ giới đường bộ, ngoài sát hạch thực hành lái xe trong hình, người học lái xe ô tô còn phải sát hạch thực hành lái xe trên đường giao thông.

Quy định này là cần thiết cho người học lái tập xử lý tình huống, tuy nhiên việc thực hành lái xe ô tô trên đường luôn tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn; thực tế cũng đã có nhiều vụ tai nạn do xe tập lái gây ra cho người đi đường và cho chính các học viên khi tham gia giao thông.

 Hiện nay, trong hệ thống pháp luật nước ta đã có nhiều văn bản quy định về các điều kiện  bảo đảm an toàn cho xe tập lái. Cụ thể,  khoản 1 Điều 58 Luật Giao thông đường bộ quy định: “Người tập lái xe ô tô khi tham gia giao thông phải thực hành trên xe tập lái và có giáo viên bảo trợ tay lái”. Xe tập lái và người ngồi trên xe tập lái cũng phải đáp ứng các điều kiện như: Ô tô tải sử dụng để dạy lái xe các hạng B1, B2 phải có trọng tải từ 1.000 kg trở lên với số lượng không quá 30% tổng số xe tập lái cùng hạng của cơ sở đào tạo; có giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ còn hiệu lực; có hệ thống phanh phụ bố trí bên ghế ngồi của giáo viên dạy thực hành lái xe, kết cấu chắc chắn, thuận tiện, an toàn, bảo đảm hiệu quả phanh trong quá trình sử dụng; thùng xe phải có mui che mưa, nắng và ghế ngồi chắc chắn cho người học; hai bên cánh cửa hoặc hai bên thành xe phải có tên cơ sở đào tạo, cơ quan quản lý trực tiếp và số điện thoại liên lạc theo mẫu quy định;  xe ô tô phải có 2 biển “TẬP LÁI” theo mẫu quy định... (theo Điều 6 Nghị định số 65/2016/NĐ-CP ngày 1-7-2016 của Chính phủ quy định về điều kiện kinh doanh dịch vụ đào tạo lái xe ô tô và sát hạch lái xe). Khoản 11 Điều 5 Thông tư số 12/2017/TT-BGTVT quy định: Giáo viên khi dạy thực hành lái xe phải đeo phù hiệu "Giáo viên dạy lái xe",  học viên tập lái xe trên đường phải đeo phù hiệu "Học viên tập lái xe"… Ngoài các quy định về xe tập lái và người ngồi trên xe, Nghị định số 65/2016/NĐ-CP, Thông tư  số 12/2017/TT-BGTVT còn quy định về tiêu chuẩn cơ sở vật chất của cơ sở đào tạo lái xe như sân tập, học phòng, đường tập lái; cũng như điều kiện đối với giáo viên dạy lái xe.

Quy định pháp luật về đào tạo lái xe đã đầy đủ, cụ thể, tuy nhiên tình trạng vi phạm vẫn còn diễn ra, góp phần làm gia tăng các vụ tai nạn giao thông hiện nay. Nguyên nhân gây tai nạn của xe tập lái có thể là do yếu tố kỹ thuật của xe hoặc do các hành vi vi phạm chủ quan của cơ sở đào tạo lái xe, giáo viên dạy thực hành và học viên tập lái xe. Cụ thể, tình trạng xe ô tô tập lái không đáp ứng tiêu chuẩn điều kiện kỹ thuật quy định nhưng vẫn được đưa vào để sử dụng đào tạo lái xe; nhiều giáo viên thực hành còn chủ quan để cho học viên lái xe một mình. Bên cạnh đó, khả năng xử lý tình huống người tập lái xe còn non kém, rất dễ xảy ra va chạm với các phương tiện giao thông khác. Trong các nguyên nhân trên thì cơ sở vật chất của cơ sở đào tạo lái xe là nguyên nhân gián tiếp, thứ yếu gây ra tai nạn, tinh thần của người tập lái, khả năng xử lý non kém của người tập lái mới là nguyên nhân chính, trực tiếp gây ra các vụ tai nạn.

Để phòng tránh tai nạn giao thông do xe tập lái gây ra, cần có sự nỗ lực từ nhiều phía. Trước hết đòi hỏi tất cả các cá nhân, tổ chức phải chấp hành đầy đủ các quy định pháp luật về giao thông đường bộ, cũng như các quy định về đào tạo, sát hạch lái xe. Bên cạnh đó, các cơ sở đào tạo lái xe phải có biện pháp cho học viên tập chay, tập nguội, tập các động tác, kỹ năng lái xe cơ bản nhất định rồi mới cho học viên ra đường chạy thật; tìm cách nâng cao sự bình tĩnh cho học viên khi đối mặt với các tình huống nguy hiểm… Các học viên lái xe cũng cần phải tự ý thức được trách nhiệm của bản thân khi cầm lái bởi “đằng sau tay lái là sự sống”. Ngoài ra, những người tham gia giao thông trên đường cũng cần có trách nhiệm tự bảo vệ bản thân mình khi gặp xe tập lái, phải cẩn thận hơn khi quan sát thấy xe tập lái vì đó là xe của những người lái chưa thành thạo nên có thể xảy ra những tình huống bất ngờ gây tai nạn cho mình bất cứ lúc nào.                         

  Phan Hiền


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.