"Mạnh tay" với xe vận chuyển mía vi phạm an toàn giao thông
Vụ thu hoạch mía năm nay, các lực lượng chức năng của tỉnh đã và đang triển khai nhiều giải pháp để ngăn chặn tình trạng xe ô tô chở quá khổ, quá tải.
Niên vụ mía 2017 - 2018, toàn tỉnh có khoảng 18.000 ha chủ yếu tập trung ở các huyện: Ea Kar, M'Đrắk và một phần ở huyện biên giới Ea Súp. Thời điểm này, tại các vùng trọng điểm mía của tỉnh đã bước vào thu hoạch, ước tính năng suất đạt bình quân từ 100 - 150 tấn/ha. Nguồn nguyên liệu này đang được các doanh nghiệp, cá nhân tiến hành thu mua để vận chuyển đến các nhà máy trong và ngoài tỉnh tiêu thụ.
Chỉ riêng hai huyện Ea Kar và M’Đrắk có khoảng 14.000 ha mía, hằng ngày nhập cho Nhà máy Công ty Cổ phần Mía đường 333 (đóng trên địa bàn thị trấn Ea Knốp, huyện Ea Kar) khoảng 3.500 tấn mía nguyên liệu, ước tính sản lượng khoảng 1 triệu tấn/vụ. Bởi vậy, hằng ngày có hàng trăm lượt phương tiện vận tải chuyên chở mía từ vùng nguyên liệu về nhà máy. Những năm trước đây, vào cao điểm mùa thu hoạch, dọc các tuyến đường, đặc biệt là tuyến Quốc lộ 26 lưu lượng xe tải vận chuyển mía tăng mạnh; trong đó có rất nhiều xe chở quá tải trọng cho phép hoặc chở cồng kềnh khiến cho người tham gia giao thông bị che khuất tầm nhìn và rất dễ xảy ra tai nạn giao thông. Bên cạnh đó, đây cũng là nguyên nhân chính khiến nhiều tuyến đường giao thông ngày càng xuống cấp, ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân.
Người dân trên địa bàn huyện M’Đrắk thu hoạch mía. |
Nhằm khắc phục tình trạng này, mới đây Phòng Cảnh sát giao thông (Công an tỉnh) đã tổ chức buổi gặp mặt các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ vận tải hàng hóa trên địa bàn tỉnh để tuyên truyền và ký cam kết thực hiện đúng các quy định của pháp luật về bảo đảm an toàn khi tham gia giao thông. Ban ATGT cũng đã tham mưu Sở Giao thông vận tải chỉ đạo các trung tâm đăng kiểm siết chặt quá trình đăng kiểm, không cấp đăng ký cho các phương tiện tự cơi nới thành, thùng xe không đúng thiết kế; chỉ đạo lực lượng Thanh tra giao thông phối hợp với ngành chức năng tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát xử lý nghiêm các chủ phương tiện vi phạm chở quá khổ, quá tải…
Từ nay đến hết mùa thu hoạch mía, lực lượng Cảnh sát giao thông sẽ tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát nhằm phát hiện và xử lý nghiêm các lái xe, đơn vị vận tải cố tình vi phạm, góp phần bảo đảm trật tự an toàn giao thông, bảo vệ hạ tầng giao thông”
Thiếu tá Lý Văn Kết, Phó Trưởng Phòng Cảnh sát giao thông (Công an tỉnh)
|
Theo thống kê của Phòng Cảnh sát giao thông, hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 28 đơn vị, với trên 500 đầu xe đăng ký vận chuyển mía từ vùng nguyên liệu về nhà máy đường ở huyện Ea Kar hoặc các tỉnh Đắk Nông, Khánh Hòa. Thời gian qua, công tác tuần tra, kiểm soát tải trọng xe được lực lượng Cảnh sát giao thông đặc biệt quan tâm, triển khai một cách thường xuyên, liên tục. Qua công tác kiểm tra cho thấy hầu hết các phương tiện vận tải mía đều chở quá tải trọng cho phép. Trong năm 2017, lực lượng chức năng của tỉnh đã phát hiện và ra quyết định xử phạt gần 1.000 trường hợp xe ô tô tải vi phạm quy định của pháp luật về tải trọng phương tiện; trong đó có trên 500 trường hợp là ô tô tải chở mía. Không chỉ vi phạm pháp luật về tải trọng, những phương tiện này còn tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông. Đơn cử, khoảng 16 giờ ngày 9-3-2017 trên đường Hồ Chí Minh (đoạn qua địa bàn TP. Buôn Ma Thuột), xe tải chở trên 25 tấn mía lưu thông theo hướng Đắk Lắk - TP. Hồ Chí Minh bất ngờ mất phanh rồi lật nhào xuống ruộng; ngày 3-10-2017 trên Quốc lộ 26 (đoạn qua thị trấn Phước An, huyện Krông Pắc) xảy ra vụ tai nạn giao thông giữa xe ô tô tải chở mía với xe công nông…
Các đơn vị kinh doanh vận tải mía ký cam kết thực hiện đúng các quy định của pháp luật về bảo đảm an toàn khi tham giao thông. |
Anh Trần Văn Nam (đại diện Công ty TNHH MTV Hải Nam Anh, xã Ea Tih, huyện Ea Kar) cho biết: “Năm nay người dân và doanh nghiệp kinh doanh vận tải vẫn phải tự tổ chức vận chuyển mía về nhà máy. Chúng tôi cam kết sẽ chấp hành chở đúng tải trọng theo quy định. Tuy nhiên, các cơ quan chức năng cũng cần xem xét đến lợi ích của người dân, đặc biệt là việc hỗ trợ giá cước vận chuyển. Nếu các nhà máy không trợ cước vận chuyển hợp lý cho những người ký hợp đồng cung cấp nguyên liệu thì người trồng mía sẽ thiệt thòi do cước vận tải sẽ tăng lên…”.
Thiết nghĩ, ngoài sự vào cuộc quyết liệt của ngành chức năng, mỗi lái xe cần tự giác chấp hành nghiêm quy định của Luật Giao thông đường bộ để tránh những tai nạn đáng tiếc xảy ra, góp phần bảo đảm trật tự ATGT trên địa bàn.
Thế Hùng
Ý kiến bạn đọc