Quyết liệt xử lý vi phạm về nồng độ cồn
Xử lý nghiêm vi phạm quy định về nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới đường bộ là một trong những giải pháp nhằm góp phần kéo giảm tai nạn giao thông (TNGT).
Theo đánh giá của các cơ quan chức năng, rượu, bia là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ra nhiều vụ TNGT nghiêm trọng, để lại hậu quả nặng nề cả về tính chất lẫn mức độ thiệt hại. Còn theo nghiên cứu của y học, người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới đường bộ khi sử dụng rượu, bia quá mức cho phép thường rơi vào trạng thái buồn ngủ, có biểu hiện bốc đồng, chạy xe tốc độ cao, làm giảm khả năng phán đoán, xử lý tình huống…
Trong quý I-2018, trên địa bàn tỉnh xảy ra 113 vụ TNGT, làm chết 62 người, bị thương 107 người; trong đó, số vụ TNGT liên quan đến rượu, bia chiếm trên 40% tổng số vụ. Nhằm góp phần kéo giảm TNGT, theo kế hoạch trong năm 2018 và quý I-2019, lực lượng Cảnh sát giao thông (CSGT) toàn tỉnh phối hợp với các lực lượng liên quan sẽ mở đợt 3 cao điểm xử lý vi phạm quy định về nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới đường bộ khi tham gia giao thông.
Cán bộ Phòng CSGT (Công an tỉnh) kiểm tra nồng độ cồn một người điều khiển phương tiện giao thông. |
Ngay trong quý 1-2018, Ban An toàn giao thông (ATGT) tỉnh đã có văn bản yêu cầu các sở, ngành liên quan cùng Ban ATGT các huyện, thị xã, thành phố đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân biết những quy định của pháp luật về vi phạm nồng độ cồn, cũng như những tác hại của rượu, bia với sức khỏe con người và ATGT. Lực lượng CSGT toàn tỉnh tiếp tục huy động tối đa lực lượng, phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát khép kín thời gian trong ngày, công khai kết hợp hóa trang, tập trung kiểm tra xử lý người điều khiển xe cơ giới vi phạm về nồng độ cồn.
Trong năm 2017, lực lượng CSGT toàn tỉnh đã xử lý 8.889 trường hợp người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới đường bộ vi phạm quy định về nồng độ cồn (ô tô 150 trường hợp, mô tô 8.749 trường hợp). Chỉ tính riêng trong đợt cao điểm bảo đảm trật tự ATGT, trật tự xã hội dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Mậu Tuất và các lễ hội đầu Xuân 2018 đã xử lý gần 500 trường hợp vi phạm về nồng độ cồn. |
Trung tá Nguyễn Quang Vịnh, Trưởng Phòng CSGT (Công an tỉnh) cho biết: “Phòng CSGT xác định việc xử lý hành vi vi phạm quy định về nồng độ cồn là một trong những nhiệm vụ trọng tâm để giảm thiểu và là biện pháp phòng ngừa TNGT hiệu quả nhất. Theo đó, Phòng thường xuyên bố trí lực lượng CSGT tuần tra, kiểm soát lưu động trên các tuyến đường trọng điểm, tai nạn xảy ra nhiều như: Quốc lộ 14, 26, 27 và khu vực nội thành TP. Buôn Ma Thuột, thị xã và thị trấn các huyện; duy trì kiểm soát 24/24 giờ, tập trung khoảng thời gian từ 12 giờ đến 24 giờ hằng ngày, đặc biệt là những ngày cuối tuần, các ngày nghỉ lễ, Tết... qua đó kịp thời phát hiện và xử lý các trường hợp vi phạm nồng độ cồn. Song song với công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm, cán bộ, chiến sĩ CSGT còn tuyên truyền, nhắc nhở nhằm góp phần nâng cao kiến thức, ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ của người tham gia giao thông”.
Cán bộ Đội CSGT (Công an huyện Cư M’gar) kiểm tra nồng độ cồn người điều khiển phương tiện giao thông trên địa bàn huyện. |
Thời gian này, trên nhiều tuyến đường trọng điểm thường xuyên có CSGT cùng các lực lượng cảnh sát khác phối hợp tuần tra, kiểm soát, xử lý người điều điều khiển phương tiện xe máy, ô tô vi phạm nồng độ cồn. Theo Thiếu tá Bạch Thành Công (Cán bộ Phòng CSGT, Công an tỉnh), đa số người tham gia giao thông rất đồng tình với việc kiểm tra, xử lý người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới đường bộ sử dụng rượu, bia vượt quá quy định. Tuy nhiên, vẫn có không ít trường hợp không thừa nhận mình vi phạm, thậm chí chống đối, bất hợp tác, không đồng ý ký vào biên bản vi phạm hoặc không đồng ý thổi vào máy đo nồng độ cồn. Với những trường hợp như vậy, lực lượng CSGT đều dùng máy ghi âm, ghi hình để làm bằng chứng xử lý, nếu không chấp hành buộc phải cưỡng chế đưa về trụ sở giải quyết…
Thiết nghĩ, cùng với việc đẩy mạnh công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định về nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới đường bộ của lực lượng chức năng thì mỗi người dân cần tự nâng cao ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ, có ý thức tự bảo vệ tính mạng bản thân và những người xung quanh khi tham gia giao thông.
Thế Hùng
Ý kiến bạn đọc