Multimedia Đọc Báo in

Cảnh giác với chiêu thuê đất để trồng cần sa

08:29, 27/09/2018

Thời gian gần đây, các lực lượng chức năng trên địa bàn tỉnh phát hiện nhiều vụ việc các đối tượng ở địa phương khác đến thuê đất ở khu vực rẫy xa hẻo lánh của bà con người dân tộc thiểu số để chăn nuôi trồng trọt nhưng lại lợi dụng trồng cây cần sa.

Để hạn chế tình trạng này, Công an tỉnh đang triển khai nhiều biện pháp nghiệp vụ như: tăng cường kiểm soát ở cơ sở để kịp thời phát hiện; đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân về tác hại của ma túy...

Cuối tháng 7 vừa qua, Công an huyện Cư M'gar phát hiện đối tượng Nguyễn Đắc Dương (SN 1975, trú thôn 4, xã Hòa Thuận, TP. Buôn Ma Thuột) trồng cây cần sa trái phép tại buôn Aring, xã Cuôr Đăng. Theo lời khai của Dương, vào giữa năm 2008, Dương  đến buôn Aring thuê 5.000 m2 đất trống của hộ ông Y Cin Niê (trú buôn Aring, xã Cuôr Đăng) trồng cà phê và chăn nuôi gà. Khi Dương đi mua thuốc chữa bệnh cho gà thì được một người lạ mặt được giới thiệu mua hạt giống cây lạ về trồng cho gà ăn sẽ hết bệnh dịch. Nghe giới thiệu hấp dẫn, Dương đã mua một bịch 300 hạt về gieo trồng và chỉ khi bị lực lượng chức năng phát hiện mới biết đó là cây cần sa.

Cơ quan công an kiểm tra số tang vật cần sa đã nhổ bỏ.
Cơ quan công an kiểm tra số tang vật cần sa đã nhổ bỏ.

Theo Đại úy Nguyễn Văn Anh, Đội phó Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và ma túy Công an huyện Cư M'gar, gần đây tình trạng trồng cây cần sa trái phép trên địa bàn diễn biến phức tạp. Một số người biết là vi phạm pháp luật nhưng vẫn cố tình trồng cần sa để bán vì lợi nhuận cao. Điểm chung của các vụ việc là khi bị phát hiện thì các đối tượng đều quanh co chối tội, còn các chủ thuê đất thì tìm cách bỏ trốn. Đại úy Nguyễn Văn Anh cho biết:  "Nếu bị phát hiện thì nhiều đối tượng thường chối cãi quanh co và nói không biết cây sần sa, còn nếu có biết thì chỉ khai nhận là trồng vào mục đích chăn nuôi, chỉ qua công tác đấu tranh thì các đối tượng mới chịu thừa nhận. Trong thời gian tới, lực lượng chuyên môn phòng chống ma túy chúng tôi sẽ thường xuyên bám sát địa bàn, phối hợp với lực lượng Công an xã tiến hành rà soát các khu vực rẫy xa để kịp thời phát hiện, nhổ bỏ và tiêu hủy cây cần sa. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục người dân không trồng cây cần sa nữa".  

Được biết, trong 5 năm qua, lực lượng Công an tỉnh đã phát hiện 21 vụ trồng cây cần sa trái phép trong nương rẫy, ngành chức năng cũng đã xử lý 21 đối tượng vi phạm. Trong đó, đã khởi tố 10 bị can, tuyên phạt nhiều năm tù giam về tội cố ý trồng cần sa và tàng trữ trái phép ma túy, tịch thu và tiêu hủy hơn 15 nghìn cây cần sa.

Hiện trường nơi cần sa được trồng xen kẽ trong rẫy cà phê ở buôn Aring,  xã Cuôr Đăng (huyện Cư M'gar).
Hiện trường nơi cần sa được trồng xen kẽ trong rẫy cà phê ở buôn Aring, xã Cuôr Đăng (huyện Cư M'gar).

Thượng tá Hoàng Tùng Diễn, Phó trưởng Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (Công an tỉnh) khẳng định, thời gian tới, đơn vị sẽ phối hợp với lực lượng chức năng triển khai nhiều biện pháp nghiệp vụ, đấu tranh trấn áp có hiệu quả với các loại tội phạm liên quan đến việc trồng trái phép cây cần sa, cây thuốc phiện; xử lý nghiêm các đối tượng buôn bán, sử dụng trái phép các sản phẩm thuốc phiện. Đồng thời, tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các ban ngành, đoàn thể tăng cường tuyên truyền cho người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số nhằm nâng cao nhận thức, cảnh giác với phương thức thủ đoạn hoạt động của tội phạm về ma túy.

Tuy nhiên, để loại bỏ hẳn các loại cây như cần sa, anh túc ở các xã vùng sâu vùng xa, không chỉ có lực lượng chức năng mà cần có sự tích cực vào cuộc của cả cộng đồng, cả hệ thống chính trị trong việc tuyên truyền về tác hại của ma túy, nâng cao kiến thức pháp luật cho người dân. Theo ông Y Wen Niê, Trưởng buôn Aring (xã Cuôr Đăng, huyện Cư M'gar), thời gian gần đây, tại địa phương xuất hiện một số người từ các tỉnh, thành khác đến hỏi thuê đất rẫy của người dân trong buôn để chăn nuôi, trồng trọt nên để tránh sự việc đáng tiếc như hộ ông Y Cin Niê, bà con các buôn làng khi cho thuê đất thì cần phải làm hợp đồng với các điều khoản chặt chẽ, có xác nhận của cơ quan chức năng; thường xuyên đến kiểm tra hiện trạng đất phòng trường hợp người thuê sử dụng sai mục đích.

Võ Trường


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.