Multimedia Đọc Báo in

Nở rộ dịch vụ đòi nợ thuê

16:12, 10/11/2018

Thời gian gần đây trên địa bàn tỉnh xuất hiện ngày càng nhiều công ty kinh doanh dịch vụ đòi nợ thuê với những lời quảng cáo như “Sinh ra để đòi nợ”, “Đòi nợ hợp pháp”… kèm theo đó là địa chỉ, số điện thoại cụ thể.

Dễ dàng thuê đòi nợ

Chỉ cần gõ “dịch vụ đòi nợ thuê” trên thanh công cụ tìm kiếm của Google, chỉ trong tích tắc sẽ cho gần 3 triệu kết quả. Nếu gõ “dịch vụ đòi nợ thuê tại Đắk Lắk”, Google sẽ cung cấp 249 nghìn kết quả. Và cũng chỉ một click chuột là chủ nợ có thể thuê bất cứ dịch vụ đòi nợ thuê nào. Các công ty nhận đòi nợ thuê trên địa bàn Đắk Lắk có địa chỉ chủ yếu ở TP. Hồ Chí Minh.

Trong vai một chủ nợ có khoản tiền cho vay mà bị “chạy”, tôi liên hệ với Công ty TNHH Đòi nợ N.T. ở quận 4 (TP. Hồ Chí Minh) qua số điện thoại cung cấp trên trang web của công ty. Nhận điện thoại là một người đàn ông tự xưng là nhân viên công ty. Sau khi hỏi về chi phí đòi nợ, nhân viên trên đưa ra bảng giá với mức phí dịch vụ từ 20 đến trên 45% tùy vào số tiền thu nợ. Ngoài ra chủ nợ còn phải chi trả "công tác phí", phí thẩm định nếu nằm ngoài khu vực TP. Hồ Chí Minh và mức phí có thể thay đổi tùy theo từng vụ việc cụ thể. Phía công ty cũng cam kết sẽ thu hồi nợ đến đâu thu phí đến đó…

Tương tự, click chuột vào trang web của Công ty TNHH Dịch vụ Đòi nợ Đ.T ở quận 9 (TP. Hồ Chí Minh), đập vào mắt khách hàng là câu khẩu hiệu: “Sinh ra để đòi nợ” và lời giới thiệu "Công ty được Sở Kế hoạch & Đầu tư TP. Hồ Chí Minh cấp phép hoạt động kinh doanh lĩnh vực đòi nợ thuê và chịu sự quản lý từ Phòng Cảnh sát Trật tự xã hội (Công an TP. Hồ Chí Minh)". Với một trang web được thiết kế bài bản, chuyên nghiệp, ngoài hiển thị đầy đủ các thông tin như địa chỉ, số điện thoại, bảng phí dịch vụ…, công ty này còn hỗ trợ khách hàng bằng hình thức chat trực tiếp trên trang web.

Nhân viên Công ty TNHH đòi nợ N.T nằm
Nhân viên Công ty TNHH đòi nợ N.T nằm "ăn vạ" trước hiên nhà ông V.H.H. ở đường Võ Văn Kiệt, phường Khánh Xuân. (ảnh gia đình cung cấp)

Khi được hỏi về hình thức đòi nợ, hầu hết các công ty đều cam kết luôn có những giải pháp đòi nợ hiệu quả, nhanh chóng, an toàn và phù hợp với pháp luật, không đe dọa đến tính mạng con nợ và khẳng định chủ nợ sẽ không bị liên đới gì do đã có hợp đồng ủy quyền cho phía công ty thay mặt đòi nợ.

Có thật sự hợp pháp?

Dù công ty đòi nợ thuê nào cũng cam kết làm việc theo quy định của pháp luật, nhưng thực tế không như những lời giới thiệu. Nhiều công ty dùng những hành vi, thủ đoạn khác nhau nhằm đe dọa, gây áp lực tinh thần cho con nợ, thậm chí là cả nhân chứng trong bản giấy vay tiền. Đơn cử như nhân viên Công ty TNHH Đòi nợ N.T, khi đến đòi nợ tại nhà ông V.H.H. tại đường Võ Văn Kiệt, phường Khánh Xuân (TP. Buôn Ma Thuột) đã dùng những chiêu trò nhằm đe dọa và đập phá tài sản. Bà H.T.Q. (vợ ông V.H.H.) cho biết: Gia đình bà có quen biết với ông P.Q.M. ở đường Lê Duẩn, phường Tân Thành (TP. Buôn Ma Thuột) nên vào tháng 12 – 2015, ông H. đã nhận làm chứng để ông M. vay số tiền 300 triệu đồng từ ông N.M.H. và bà N.T.K.M. ở xã Nam Bình, huyện Đắk Song (tỉnh Đắk Nông). Dù trên giấy tờ vay mượn ông H. chỉ là người làm chứng, nhưng từ tháng 9-2017 đến nay, ông N.M.H. và bà N.T.K.M. liên tục thuê các công ty đòi nợ đến chửi bới, lăng nhục, hù dọa, đập phá tài sản và nằm ăn vạ tại hiên nhà. Thậm chí phía công ty còn chặn xe trước cổng không cho gia đình ra khỏi nhà…

 

"Hiện nay chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể trong việc giám sát hoạt động hay quy định cơ quan chủ quản các công ty đòi nợ thuê nên gây khó khăn cho cơ quan chức năng địa phương trong quá trình tiếp nhận thông báo đòi nợ cũng như thẩm định, giám sát hoạt động của các công ty này"

 
Thiếu tá Nguyễn Chí Công, Phó Trưởng Công an phường Khánh Xuân, TP. Buôn Ma Thuột

Thiếu tá Nguyễn Chí Công, Phó Trưởng Công an phường Khánh Xuân (TP. Buôn Ma Thuột) cho biết, trước khi tiến hành đòi nợ tại gia đình ông V.H.H., Công ty TNHH Đòi nợ N.T có đến Công an phường thông báo. Tuy nhiên, đơn vị không thể kiểm tra giấy phép kinh doanh hay hồ sơ vay nợ do không thuộc thẩm quyền. Công an phường chỉ có thể giám sát quá trình đòi nợ của phía công ty. Khi có tin báo của gia đình ông H. về việc bị công ty đe dọa, đơn vị đã cử cán bộ đến yêu cầu giải tán và lập biên bản thỏa thuận giữa hai bên, đồng thời hướng dẫn người dân khởi kiện lên tòa án dân sự.

Theo Đại tá Nguyễn Văn Bôn, Trưởng Phòng Cảnh sát hình sự (Công an tỉnh), tình hình đòi nợ thuê trên địa bàn tỉnh hiện nay diễn biến hết sức phức tạp. Từ đầu năm 2018 đến nay, Phòng Cảnh sát hình sự đã bắt 1 nhóm đòi nợ, khởi tố 4 đối tượng về tội cưỡng đoạt tài sản. Bên cạnh đó, Công an TP. Buôn Ma Thuột đã bắt nhiều trường hợp dùng “bom bẩn” trong quá trình đòi nợ thuê. Nhằm đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm liên quan đến hoạt động "tín dụng đen" trên địa bàn tỉnh, vừa qua Công an tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 354 ngày 4-10-2018, trong đó tập trung rà soát các các công ty cho vay tài chính, các nhóm đối tượng cho vay nặng lãi, các nhóm đối tượng đòi nợ thuê trên địa bàn và xác định các dấu hiệu vi phạm của các nhóm này để có biện pháp xử lý…

Công ty TNHH đòi nợ N.T chắn xe trước cổng không cho gia đình ông V.H.H ở đường Võ Văn Kiệt, phường Khánh Xuân ra, vào. (ảnh gia đình cung cấp)
Công ty TNHH đòi nợ N.T chắn xe trước cổng không cho gia đình ông V.H.H ở đường Võ Văn Kiệt, phường Khánh Xuân ra, vào. (ảnh gia đình cung cấp)

Trong khi đó, theo Luật sư Tạ Quang Tòng, Phó Chủ nhiệm Đoàn luật sư tỉnh, các công ty đòi nợ thuê được luật pháp cho phép hoạt động dựa trên Luật Doanh nghiệp và được Sở Kế hoạch - Đầu tư cấp phép. Tuy nhiên có thể do mục tiêu không rõ ràng và các công ty hoạt động theo nhiều mục đích khác nhau, trong đó có mục đích thu hồi công nợ nhanh chóng nên dẫn đến những hành động biến tướng, vi phạm pháp luật… Chính vì vậy các cơ quan chức năng cần tăng cường công tác hậu kiểm nhằm ngăn chặn các hành vi phạm pháp khi mới manh nha, đồng thời cần quy định quy trình, điều kiện và chừng mực hoạt động của các công ty này…

Khả Lê

 

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.