Multimedia Đọc Báo in

Huyện Ea H'leo: "Nóng" tình trạng chủ cơ sở ký gửi nông sản "mất hút"

12:11, 29/03/2019

Thời gian gần đây, một số cơ sở kinh doanh tại huyện Ea H’leo nhận ký gửi hàng nông sản của người dân rồi “mất hút”. Bị thiệt hại, người dân bức xúc tìm đến gặp chủ đại lý để đòi tiền, lấy tài sản, ảnh hưởng đến an ninh trật tự tại địa phương.

Theo UBND huyện Ea H’leo, từ đầu năm đến nay, giá cà phê, hồ tiêu ở mức thấp, nên nhiều doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh nông sản làm ăn thua lỗ, một số cơ sở có biểu hiện vỡ nợ khiến người dân lo lắng.  Cụ thể, ngày 14-3, nghi đại lý cà phê Thành Lớn của vợ chồng ông Nguyễn T. và bà Lê Thị Tr. tại thôn Ea Sia B, xã Ea Nam vỡ nợ vì vợ chồng ông nhiều ngày không có mặt ở nhà nên nhiều người dân ký gửi cà phê, hồ tiêu ở đây đã kéo đến tụ tập để đòi tiền và tài sản. Bà Nguyễn Thị T., thôn 6, xã Ea Nam cho biết, vụ thu hoạch vừa qua, gia đình bà thu được hơn 2 tấn cà phê, bà đem gửi hết cho đại lý với ý định chờ thời điểm giá cà phê tăng sẽ bán lấy tiền chữa bệnh cho chồng, sự việc xảy ra, bà rất lo lắng và chưa biết xoay xở thế nào.

Người dân tập trung trước đại lý kinh doanh cà phê Thành Lớn, xã Ea  Nam, huyện Ea H'leo (chụp ngày 14-3).
Người dân tập trung trước đại lý kinh doanh cà phê Thành Lớn, xã Ea Nam, huyện Ea H'leo (chụp ngày 14-3).

Theo thống kê sơ bộ của cơ quan chức năng xã Ea Nam, đại lý này đã nhận ký gửi hơn 500 tấn cà phê, hồ tiêu của 100 hộ dân ở các thôn, buôn trên địa bàn xã. Khi hàng trăm người dân kéo đến bao vây, đòi phá cửa nhà kho vào lấy lại nông sản, chính quyền xã đã vận động người dân bình tĩnh, không được tùy tiện đập phá nhà cửa, tài sản của đại lý, đồng thời đem giấy tờ, biên lai đến khai báo với công an, chính quyền địa phương để có cơ sở giải quyết. Bên cạnh đó, lực lượng công an, dân quân tiến hành giữ gìn an ninh trật tự tại địa bàn.

Hình thức ký gửi cà phê xuất hiện từ nhiều năm nay, theo đó, người dân mang nông sản tới đại lý để ký gửi, khi cần tiền hoặc thấy giá hợp lý thì chốt giá. Đa phần, đây là giao dịch dân sự, khi ký gửi hàng hóa, người dân chỉ có giấy nợ viết tay, thậm chí không có giấy tờ gì, nên khi gặp rủi ro, thiệt hại thường thuộc về phía người ký gửi.

Trước đó, ngày 27-2, nhiều người dân cũng tập trung tại cơ sở kinh doanh nông sản của Doanh nghiệp tư nhân Nguyệt Hải, tại tổ dân phố 9, thị trấn Ea Drăng (do bà Phạm Thị Ng. làm chủ) để đòi lại nông sản đã ký gửi, sau khi có tin chủ doanh nghiệp này bị vỡ nợ, mất khả năng thanh toán. Các chủ nợ và người gửi nông sản tại đại lý đã la lối, tự tiện lấy nhiều nông sản trong kho chở đi. Lực lượng chức năng đã có mặt tại hiện trường vận động bà con giải tán để ổn định tình hình. Qua khai báo của người dân và xác minh ban đầu, cơ quan chức năng xác định có 125 hộ dân ký gửi ở đây tổng cộng 258 tấn cà phê nhân, 17 tấn tiêu, nhưng trong kho lúc đó chỉ còn 19 tấn cà phê nhân và 25 kg tiêu.

Một trường hợp khác diễn ra ngày 24-1 khi hàng chục hộ dân đến tập trung đòi nợ tại Công ty TNHH Bình Hưng, thôn 9, xã Ea Hiao. Công ty này đã nhận ký gửi của 45 hộ dân 48 tấn cà phê, số tiền 4 tỷ đồng nhưng không có khả năng chi trả, có biểu hiện vỡ nợ.

Cơ sở nông sản của Doanh nghiệp tư nhân Nguyệt Hải, thị trấn Ea Drăng, huyện Ea H'leo bị người dân bao vây (chụp chiều 27-2).
Cơ sở nông sản của Doanh nghiệp tư nhân Nguyệt Hải, thị trấn Ea Drăng, huyện Ea H'leo bị người dân bao vây (chụp chiều 27-2).

Trước tình trạng các doanh nghiệp, đại lý có biểu hiện vỡ nợ, người dân tập trung đông người ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự, Huyện ủy, UBND huyện Ea H’leo đã chỉ đạo UBND dân các xã, thị trấn, các ban, ngành, đoàn thể nắm tình hình, ổn định tư tưởng người dân. Chính quyền địa phương tiến hành kiểm tra tình hình hoạt động của các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh nông sản trên địa bàn để tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn; yêu cầu cầu các chủ doanh nghiệp, đại lý  thương thảo với người dân và cam kết giải quyết, thanh toán. UBDN huyện cũng yêu cầu cơ quan Công an huyện điều tra, làm rõ và sớm có kết luận về các vụ việc trên nhằm ổn định tình hình, không để xảy ra các điểm nóng trên địa bàn huyện.

UBND huyện Ea H’leo cho biết, cơ quan chức năng địa phương đang khẩn trương điều tra các các cơ sở kinh doanh có biểu hiện vỡ nợ, nhằm bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của người dân. Viện Kiểm sát nhân dân huyện cũng khuyến cáo người dân cần chủ động trình báo, hợp tác với cơ quan điều tra, giao nộp các giấy tờ, hợp đồng, biên lai ký gửi... để phối hợp xử lý, đặc biệt, bà con phải bình tĩnh, không nên tự ý xiết nợ để tránh phạm vào tội cưỡng đoạt tài sản.

Minh Thông


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.