Multimedia Đọc Báo in

Cảnh giác với thủ đoạn giả tổ chức tiệc cưới để lừa đảo

09:05, 03/04/2019

Thời gian gần đây, một số đối tượng lừa đảo giả vờ việc gia đình chuẩn bị tổ chức đám cưới để chiếm đoạt tiền ứng trước, khiến nhiều chủ gia chánh tại huyện Cư M’gar, Krông Pắc “sập bẫy”.

Theo đó, từ cuối năm 2018 đến tháng 3-2019, nhóm các đối tượng này do H'Bluên Kriêng (trú tại xã Cuôr Đăng, huyện Cư M’gar) cầm đầu đã nhiều lần dùng thủ đoạn giả việc gia đình chuẩn bị tổ chức tiệc cưới, tạo lòng tin nhằm mượn tiền “ứng trước” của các chủ dịch vụ gia chánh rồi chiếm đoạt với số tiền lên đến hàng trăm triệu đồng.

Gần đây nhất, vào ngày 26-3-2019, nhóm đối tượng do H'Bluên Kriêng chủ mưu cùng H'Blônh Ayun, H'Djut Ayun (cùng trú tại huyện Cư M’gar), H'Lem Ayun (trú tại huyện Krông Pắc) đã liên hệ với bà Lê Thị Loan (chủ dịch vụ gia chánh tại huyện Krông Pắc) để ký hợp đồng thuê nấu tiệc cưới cho một cặp đôi trên địa bàn. Sau khi hẹn ký hợp đồng tại một quán cà phê ở thị trấn Quảng Phú (huyện Cư M’gar), H'Djut Ayun xin mượn trước 20 triệu đồng từ dịch vụ gia chánh để tổ chức lễ ăn hỏi. Bà Loan đã đồng ý đưa trước 5 triệu đồng cho H'Djut Ayun theo như thỏa thuận. Khi đưa tiền xong, bà Loan nghi ngờ bị lừa đảo nên đã trình báo lên Công an huyện Cư M’gar. Qua quá trình điều tra, xác minh, đấu tranh của lực lượng Công an, các đối tượng trên thừa nhận đã giả việc tổ chức đám cưới, lợi dụng tình trạng các dịch vụ gia chánh thường cho tạm ứng tiền trước, sau khi tổ chức tiệc xong sẽ hoàn trả để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.

Đối tượng H' Bơi Ayun tại cơ quan Công an.
Đối tượng H' Bơi Ayun tại cơ quan Công an.

Theo khai nhận của các đối tượng, với thủ đoạn trên, ngày 27-1, H'Bluên Kriêng cùng đồng bọn khác là H'Bơi Ayun, H'M’rin Byă (cùng trú tại huyện Cư M’gar) và H'Sen Niê (trú tại TP. Buôn Ma Thuột) đóng giả trong vai cô dâu và người nhà cô dâu liên hệ dịch vụ gia chánh Hoa Nở (huyện Krông Pắc) để đặt tiệc cưới. Để tạo niềm tin cho phía dịch vụ, H'M’rin Byă còn đi chụp ảnh cưới giả với chú rể là Y Ngôn Niê (trú tại huyện Cư M’gar) và đề cập mượn chị Cao Thị Hoa (chủ dịch vụ gia chánh Hoa Nở) 25 triệu đồng nhằm lo đám hỏi sắp tới. Các đối tượng hứa sau khi tổ chức đám cưới sẽ trả lại số tiền trên. Khi được chủ gia chánh tin tưởng và cho ứng trước số tiền 25 triệu, các đối tượng trên đã chia nhau tiêu xài cá nhân. Sau đó, ngày 29-1, ông Lê Văn Hương, chủ gia chánh Ngọc Thanh (thị trấn Quảng Phú, huyện Cư M’gar) cũng bị H'Bluên Kriêng và H'Bơi Ayun đóng giả người nhà cô dâu, chú rể chuẩn bị tổ chức tiệc cưới để ứng trước số tiền 15 triệu đồng. Sau khi có tiền trong tay, các đối tượng đã chia nhau để tiêu xài.

Theo tìm hiểu được biết, thông thường tại nhiều vùng nông thôn trong tỉnh, để tổ chức tiệc cưới thì gia chủ cần một khoản tiền lớn để trang trải các khoản chi phí. Bằng việc tin tưởng nhau, các dịch vụ nấu ăn lưu động ở địa phương thường cho gia chủ “tạm ứng” số tiền từ vài triệu đồng đến vài chục triệu đồng để lo công việc, khi hỷ sự hoàn tất thì gia chủ sẽ trả lại số tiền đã ứng trước đó. Lợi dụng việc này, các đối tượng trên đã đóng vai người nhà, người quen, thậm chí là cô dâu, chú rể liên hệ đặt tiệc cưới với phía dịch vụ gia chánh, đặt vấn đề ứng trước tiền để lo đám hỏi rồi lừa đảo chiếm đoạt số tiền trên. Thủ đoạn tinh vi, dàn dựng công phu như đóng giả vai mẹ cô dâu, thậm chí là cô dâu, chú rể và đi chụp hình cưới giả nên các đối tượng dễ dàng thực hiện hành vi lừa đảo. Do đó, các dịch vụ chủ gia chánh cần đề cao cảnh giác, không nên dễ dãi cho tạm ứng tiền để rồi sập bẫy của tội phạm lừa đảo.

Hiện Công an huyện Cư M’gar đã ra Quyết định khởi tố vụ án, khởi tố 6 bị can liên quan đến vụ việc lừa đảo chiếm đoạt tài sản do H' Bluên Kriêng cầm đầu. Cũng theo Công an huyện, tính đến hiện tại, đã có 9 dịch vụ gia chánh gửi đơn tố cáo hành vi lừa đảo của H' Bluên Kriêng và đồng bọn, với tổng số tiền mà họ đã bị lừa lên đến 600 triệu đồng. Vụ việc đang được cơ quan chức năng tiếp tục điều tra, mở rộng.

Trâm Anh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.