Multimedia Đọc Báo in

Tự bỏ tiền làm cầu dân sinh và thu phí: Đúng với quy định chưa?

09:00, 17/06/2019

Để thuận tiện trong việc đi lại, giao thương, sản xuất nông nghiệp, một số cá nhân đã tự đầu tư kinh phí làm cầu nối liền đường liên xã Ea Sar - Ea Đar (huyện Ea Kar) và tổ chức thu phí. Tuy nhiên, mức thu lại do "chủ đầu tư" đặt ra mà chưa được sự đồng ý của chính quyền địa phương cũng như cơ quan chức năng khiến một số người dân tỏ ra bức xúc. 

Xã Ea Sar có tổng diện tích tự nhiên trên 5.630 ha, dân số trên 9.080 khẩu, địa bàn rộng, dân cư sống rải rác, giao thông đi lại còn nhiều khó khăn. Việc đi lại, học hành, sản xuất của rất nhiều hộ trên địa bàn xã Ea Sar và một phần của xã Ea Đar lại phụ thuộc vào đường liên xã Ea Sar - Ea Đar. Trên tuyến đường liên xã này có sông Krông Năng chảy qua.

Cầu trên tuyến đường liên xã Ea Sar - Ea Đar huyện Ea Kar do tư nhân xây dựng và thu phí đi lại.
Cầu trên tuyến đường liên xã Ea Sar - Ea Đar huyện Ea Kar do tư nhân xây dựng và thu phí đi lại.

Sau nhiều năm phải chèo đò qua xã Ea Sar để làm rẫy, năm 1995, ông Thái Văn Khoát ở thôn 12, xã Ea Đar rủ thêm ông Lê Kim Quynh (cùng thôn) góp vốn làm một cây cầu tạm bằng gỗ phục vụ việc đi lại của người dân và thu phí để bù vào tiền đầu tư. Do cây cầu này tạm bợ nên thường xuyên bị bão lũ cuốn trôi. Năm 2002, ông Khoát và ông Quynh đầu tư làm cầu treo bằng cáp, nhưng vì sàn cầu làm bằng gỗ nên cũng dễ hư hỏng. Đến tháng 11-2017, chiếc cầu này lại bị nước cuốn trôi. Sau đó, hai ông lại đầu tư làm một cây cầu mới để phục vụ nhu cầu đi lại của người dân và vẫn thu phí như trước. Ông Khoát giải thích: "Để làm chiếc cầu này, gia đình tôi đã thế chấp tài sản vay vốn ngân hàng nên phải thu phí để bù vào chi phí đầu tư và duy tu, bảo dưỡng cây cầu. Giá mỗi lượt xe máy đi qua cầu đóng 3.000 đồng. Những hộ đi thường xuyên thì đóng khoảng 500.000 - 600.000 đồng/năm".

 

"Họ bỏ tiền ra làm cầu thì thu phí là phải, nhưng vấn đề là thu bao nhiêu tiền, trong thời gian bao lâu, có ai kiểm tra, giám sát không thì không ai rõ. Người dân chúng tôi rất mong muốn Nhà nước quan tâm đầu tư xây dựng một cây cầu kiên cố để thuận lợi và an toàn cho việc đi lại, học tập, sản xuất".

 
 
 Trưởng thôn 9, xã Ea Sar Vũ Văn Tạo

Chị Dương Thị Hoa, người dân thôn 9, xã Ea Sar cho biết, trung bình mỗi ngày chị đi, về trên chiếc cầu này 4 lần để đưa đón con đi học. Trước kia, phí mỗi lượt qua cầu là 1.000 đồng, sau tăng lên 2.000 đồng và hiện nay mỗi lượt là 3.000 đồng. "Họ làm cầu cho mình đi thì mình phải đóng phí là đương nhiên. Tôi đi thường xuyên nên đóng 500.000 đồng/năm. Nhưng khổ nỗi, cứ đến mùa mưa bão là cầu lại bị hư hỏng hoặc nước dâng cao hơn mặt cầu khiến việc đi lại gặp rất nhiều khó khăn”, chị Hoa lo lắng.

Theo anh Đường Văn Đình, người dân thôn 9, xã Ea Sar, trong khi Nhà nước chưa đầu tư thì việc các cá nhân tự bỏ tiền làm cầu nối liền đường liên xã Ea Sar – Ea Đar đã tạo thuận lợi cho việc đi lại, sản xuất, giao thương của người dân địa phương. Tuy nhiên, điều người dân băn khoăn nhất là vấn đề thu lộ phí như thế nào cho hợp lý bởi cuộc sống của bà con cũng còn nhiều khó khăn.

Liên quan đến vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND xã Ea Sar Văn Đình Thìn cho biết: Ông Khoát và ông Quynh có làm tờ trình gửi UBND xã về việc sửa chữa, nâng cấp cầu phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân. Riêng việc thu phí thì hai ông tự hạch toán, tổ chức thu mà không thông qua xã. Chính quyền địa phương chỉ kiểm tra, nhắc nhở về việc duy tu, sửa chữa nhằm bảo đảm an toàn cho người dân.

Cầu liên xã Ea Sar - Ea Đar do cá nhân tự bỏ tiền xây dựng và thu phí.
Cầu liên xã Ea Sar - Ea Đar do cá nhân tự bỏ tiền xây dựng và thu phí.

Trong khi đó, ông Hoàng Văn Mạnh, Phó Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Ea Kar khẳng định: Về nguyên tắc, cá nhân, tổ chức muốn xây dựng cầu thì phải được sự đồng ý của cơ quan có thẩm quyền. Tuy nhiên, từ trước đến nay, Phòng chưa từng nhận được tờ trình nào về việc đầu tư xây dựng hoặc thu lộ phí tại cầu liên xã Ea Sar - Ea Đar mà do chủ đầu tư và các hộ dân địa phương tự tổ chức làm và thỏa thuận mức thu.

Mạnh Quyền


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.