Dân "cõng" nông sản vượt suối vì không có cầu
Cứ sau mỗi đợt mưa lũ, người dân thôn 3, xã Ea Khăl (huyện Ea H’leo) lại phải góp công, góp của để dựng lại cầu tạm qua suối Tăng. Số lần dựng cầu tạm nhiều không đếm xuể, song người dân hiện vẫn phải lội suối để đi lại vì cầu đã bị cuốn trôi.
Hai đoạn ống cống còn nằm lại giữa suối Tăng là dấu tích về sự nỗ lực của người dân nơi đây trong việc khắc phục tự nhiên. Ông Nguyễn Văn Phương (thôn 3, xã Ea Khăl) là người được bà con tín nhiệm giao nhiệm vụ huy động kinh phí xây dựng cầu nhiều năm qua. Cứ mỗi lần cầu tạm trôi đi, ông Phương lại phải đứng ra thu tiền của bà con để làm lại cầu mới. Mỗi gia đình đóng góp từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng tùy theo phương án xây dựng cầu gỗ hay đặt cống, đổ bê tông. Có năm, người dân tại đây phải làm lại cầu đến 2 - 3 lần.
Người dân thôn 3, xã Ea Khăl phải đẩy xe lội suối vì cầu tạm bị cuốn trôi. |
Năm 2013, người dân từng đổ móng bê tông xi măng hai bên suối rồi gác gỗ lên thành chiếc cầu khá chắc chắn, xe công nông có thể chạy bên trên. Nhưng chưa đến một năm, chiếc cầu bị nước lũ cuốn trôi, người dân lại phải dựng lại cầu tạm khác. Năm 2015, người dân lại chuyển sang phương án đặt 9 ống cống, đổ bê tông xi măng lên trên để làm tràn thoát nước lũ. Tuy nhiên, phương án này cũng chỉ trụ được hơn 1 năm. Mùa mưa năm sau, nước lũ lớn kéo theo các loại cây cối chặn dòng chảy, làm vỡ tràn, cuốn trôi gần hết các ống cống của người dân tự đặt, họ lại phải làm cầu khác.
Do nguồn ngân sách địa phương có hạn, phải ưu tiên đầu tư cho khu vực tập trung đông dân cư nên chưa bố trí được kinh phí hỗ trợ nhân dân thôn 3 xây dựng cầu dân sinh vào khu sản xuất. Chính quyền xã rất mong các ngành cấp trên quan tâm, hỗ trợ để bà con có cây cầu thuận tiện cho việc đi lại, giúp địa phương sớm hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới".
Chủ tịch UBND xã Ea Khăl Phạm Thị Thúy Phương
|
Hiện nay, chiếc cầu tạm bằng gỗ mới làm cuối năm 2018 cũng đã bị cuốn trôi trong đợt mưa lũ hơn 2 tháng trước. Người dân ở bên này suối muốn qua phía bên kia để làm rẫy chỉ còn cách dùng tời kéo xe công nông hoặc đẩy xe máy lội suối. Ông Trần Văn Sơn (thôn 3, xã Ea Khăl) than thở, gia đình ông có 5 ha rẫy cà phê ở bên kia suối nên hầu như ngày nào ông cũng phải qua lại con đường này. Những ngày trời nắng, nước cạn, vợ chồng ông phải đẩy xe máy lội suối. Trời mưa, nước lớn, ông phải đi đường vòng băng qua rẫy cà phê của gia đình khác, vừa xa vừa bất tiện.
Những ngày qua, nông dân trong vùng đang thu hoạch một phần nông sản chín bói. Cứ chở đến suối Tăng, bà con lại phải gỡ bao nông sản xuống để đẩy xe qua suối trước rồi mới quay lại vác nông sản qua bên này suối để chở về. Tình trạng xe chết máy do ngập nước thường xuyên xảy ra, người dân tự xử lý bằng cách tháo bỏ phần xăng lẫn nước, lau khô bugi... ngay bên bờ suối.
Hai đoạn ống cống còn nằm lại dưới suối Tăng sau khi cầu tạm bị cuốn trôi. |
Trưởng thôn 3 Đào Văn Duẩn cho biết, thôn 3 có khoảng 60 hộ có đất canh tác bên kia suối Tăng, thường xuyên đi qua đoạn suối này. Những khi có cầu, bà con thôn 5, buôn Briêng A, buôn Briêng B (xã Ea Nam) cũng thường sử dụng con đường này để rút ngắn quãng đường đi đến thị trấn Ea Đrăng.
Năm nay, nông sản mất mùa, trượt giá đã làm ảnh hưởng lớn đến đời sống của bà con nên việc huy động kinh phí xây dựng cầu rất khó khăn. Hơn nữa, vật liệu làm cầu tạm hiện đã khan hiếm, rất khó tìm được cây, gỗ đủ dài để bắc qua suối.
Phương án làm trụ bê tông cũng được bàn đến nhưng một phần sợ kinh phí quá cao, phần khác lại sợ lũ tiếp tục cuốn trôi, công sức của bà con như muối bỏ bể. Mong mỏi lớn nhất của bà con hiện nay là các cấp, các ngành quan tâm, đầu tư một cây cầu kiên cố hơn để thuận tiện trong việc đi lại, vận chuyển nông sản. Người dân trong thôn luôn sẵn sàng góp công, góp của cùng Nhà nước thực hiện việc đầu tư, xây dựng để củng cố các tiêu chí nông thôn mới.
Đinh Nga
Ý kiến bạn đọc