Multimedia Đọc Báo in

Chủ động phòng cháy chữa cháy: Nhìn từ chợ Buôn Trấp

09:56, 04/11/2019

Cùng với hoạt động kinh doanh, nhiều năm qua, Ban Quản lý chợ Buôn Trấp (thị trấn Buôn Trấp, huyện Krông Ana) luôn chú trọng đến công tác phòng cháy chữa cháy (PCCC).

Chợ Buôn Trấp do Hợp tác xã (HTX) Buôn Trấp quản lý, được xây dựng trên diện tích hơn 7.300 m2, gồm 400 quầy sạp. Trong đó, có 80 hộ kinh doanh mặt hàng dễ cháy gồm vải, quần áo, giày dép và mỹ phẩm. Hằng ngày khối lượng hàng hóa bày bán ở chợ rất lớn, kéo theo đó khả năng xảy ra cháy nổ rất cao. Do đó, việc đầu tư, trang bị hệ thống cơ sở vật chất, dụng cụ PCCC được Ban Quản lý chợ coi trọng.

Cụ thể, chợ Buôn Trấp có hai bể chứa nước để chữa cháy khi có sự cố cháy xảy ra, dung tích bể lớn 80 m3 và bể nhỏ 20 m3; lắp đặt 4 trụ chữa cháy ở các vách tường và 4 trụ tại một số khu vực chợ. Đồng thời, tại nhà kho của Ban Quản lý chợ luôn chuẩn bị sẵn 30 bình chữa cháy loại 8 kg. Ông Phạm Hữu Vấn, Chủ tịch HĐQT – Giám đốc HTX chợ Buôn Trấp cho biết, đơn vị trực tiếp quản lý chợ Buôn Trấp từ năm 1996, đến năm 2013 thì chuyển sang mô hình HTX.

Ngoài việc đầu tư dụng cụ PCCC, hằng năm Ban Quản lý chợ còn tổ chức cho tiểu thương ký cam kết thực hiện các quy định về PCCC. Trong đó, nghiêm cấm việc sử dụng bếp ga tại khu vực dễ cháy, không được lập bàn thờ cúng trong khu vực chợ… Riêng Ban Quản lý chợ hằng ngày bố trí trực từ 5 - 7 người để quản lý toàn bộ hoạt động diễn ra ở chợ. Trên cơ sở đó, khi phát hiện những biểu hiện vi phạm về PCCC, những nguy cơ dẫn tới cháy nổ sẽ kịp thời nhắc nhở để tiểu thương, người dân khắc phục ngay.

Công an huyện Krông Ana kiểm tra bể chứa nước chữa cháy tại chợ Buôn Trấp.
Công an huyện Krông Ana kiểm tra bể chứa nước chữa cháy tại chợ Buôn Trấp.

Việc quản lý nguồn điện tại chợ rất được chú trọng, theo đó khoảng 18 giờ hằng ngày tổ trực sẽ cắt công tắc nguồn, 5 giờ 30 sáng hằng ngày sẽ bật lại nhằm hạn chế tình trạng chập điện gây cháy nổ ở các gian hàng.

Tổng kinh phí đầu tư hệ thống PCCC tại chợ Buôn Trấp trên 1,2 tỷ đồng. Trong đó, kinh phí đơn vị quản lý đầu tư 700 triệu đồng, còn lại 500 triệu đồng do các hộ kinh doanh tại chợ đóng góp.

Ngoài hệ thống PCCC chung, đối với các hộ kinh doanh mặt hàng dễ cháy nổ, Ban Quản lý chợ còn vận động tiểu thương đóng góp mua bình chữa cháy loại 8 kg để sẵn ở các quầy hàng. Chị Nguyễn Thị Hằng, tiểu thương kinh doanh mặt hàng mỹ phẩm tại chợ Buôn Trấp chia sẻ, việc PCCC chính là để bảo vệ hàng hóa và bản thân mình nên chị không ngần ngại đóng góp chi phí mua bình chữa cháy. Chị luôn để bình ở vị trí dễ quan sát nhất, đề phòng khi có sự cố cháy đưa ra sử dụng kịp thời. Do kinh doanh mặt hàng dễ cháy nổ nên chị luôn sắp xếp hàng hóa gọn gàng, ngăn nắp. Đặc biệt, chị Hằng và tất cả tiểu thương kinh doanh các loại mặt hàng dễ cháy nổ tuyệt đối không sử dụng bếp ga mini, hay dùng lửa tại khu vực trưng bày hàng hóa. Trước khi đóng quầy ra về chị không quên rút hết phích điện từ các thiết bị như sạc điện thoại, quạt… để tránh tình trạng chập điện.

Công an huyện Krông Ana hướng dẫn tiểu thương cách sử dụng bình chữa cháy.
Công an huyện Krông Ana hướng dẫn tiểu thương cách sử dụng bình chữa cháy.

Nhờ chủ động triển khai thực hiện các giải pháp về PCCC, trong nhiều năm qua tại chợ Buôn Trấp không xảy ra tình trạng chập nguồn điện hay hiện tượng cháy nổ. Đây là một trong các chợ tại huyện Krông Ana thực hiện tốt công tác PCCC thời gian qua. Trung tá Tạ Hoàng Sơn, Phó Trưởng Công an huyện Krông Ana cho biết, tháng 9 vừa qua, Đoàn liên ngành của huyện đã tiến hành kiểm tra an toàn PCCC tại 4 chợ: Buôn Trấp, Quỳnh Tân (thị trấn Buôn Trấp), Quỳnh Ngọc (xã Ea Na) và chợ Dray Sáp (xã Dray Sáp). Kết quả cho thấy, hệ thống chữa cháy, báo cháy tại chợ Buôn Trấp hoạt động tốt, đảm bảo công tác cảnh báo cháy sớm và chữa cháy khi có sự cố xảy ra. Tuy nhiên, cũng như tất cả các chợ trên địa bàn, tại chợ Buôn Trấp vẫn còn tình trạng các tiểu thương cơi nới, sắp xếp hàng hóa lấn chiếm hành lang, lối đi dẫn đến không bảo đảm khoảng cách an toàn PCCC và điều kiện thoát nạn.

Hoàng Tuyết


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.