Bảo vệ người tiêu dùng: Vẫn còn nhiều khoảng trống
Hiện nay, quyền lợi người tiêu dùng đã được bảo vệ trên cơ sở pháp luật, với hệ thống pháp lý rất rõ ràng. Thế nhưng, công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng ở Đắk Lắk vẫn còn nhiều hạn chế.
Xác định người tiêu dùng luôn là nhóm đối tượng đông đảo, là yếu tố quan trọng góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội nên thời gian qua, công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng luôn được các các cấp, ngành trên địa bàn tỉnh quan tâm thực hiện. Để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Cục Quản lý thị trường Đắk Lắk đã phối hợp chặt chẽ với các cấp, các ngành liên quan tăng cường công tác chống buôn lậu, sản xuất và buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng vi phạm về sở hữu trí tuệ, vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm và các hành vi kinh doanh trái pháp luật khác. Kết quả cho thấy có rất nhiều vụ vi phạm ảnh hưởng trực tiếp đến người tiêu dùng, ở hầu hết các lĩnh vực từ thực phẩm đến quần áo, hàng tiêu dùng, linh kiện điện tử… Từ đầu năm đến nay, Cục đã kiểm tra 846 cơ sở, phát hiện 449 cơ sở có hành vi vi phạm. Qua đó, tiến hành xử phạt hành chính hơn 2,7 tỷ đồng, tịch thu hàng hóa trị giá gần 400 triệu đồng.
Trong khi đó, Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Đắk Lắk đã đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật bảo vệ người tiêu dùng và kịp thời giải quyết khiếu nại có liên quan. Giai đoạn 2015 - 2020, Văn phòng Tư vấn và giải quyết khiếu nại của Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tỉnh đã tiếp nhận 113 vụ khiếu nại về chất lượng hàng hóa và dịch vụ của người tiêu dùng. Qua đó đã hòa giải thành công 110 vụ, chiếm gần 97,4%, tổng giá trị người tiêu dùng được đền bù gần 1,3 tỷ đồng; còn lại 3 vụ chuyển hồ sơ cho các cơ quan chức năng giải quyết.
Cục Quản lý thị trường Đắk Lắk phối hợp Phòng Cảnh sát giao thông (Công an tỉnh) tịch thu hàng hoá không rõ nguồn gốc, xuất xứ. |
Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Thị Phương Lan, Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tỉnh, con số 113 vụ khiếu nại mà người tiêu dùng tìm đến Hội để nhờ can thiệp trong 5 năm qua chưa thấm vào đâu so với thực tế người tiêu dùng bị xâm hại về quyền lợi. Trên thực tế, qua công tác kiểm soát thị trường của ngành chức năng cho thấy, nhiều mặt hàng không bảo đảm chất lượng, tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm vẫn được sản xuất, bày bán gây hại cho sức khỏe của người tiêu dùng; nhiều dịch vụ lừa đảo bằng tin nhắn điện thoại, quảng cáo không đúng sự thật hay dịch vụ không uy tín vẫn diễn ra hằng ngày... Những vi phạm đó tuy được cơ quan chức năng kiểm tra, ngăn chặn, công luận xã hội lên tiếng, song vẫn chưa đủ để đẩy lùi.
"Dù đã cố gắng nhất định về thực thi pháp luật bảo vệ người tiêu dùng nhưng nhìn chung, quyền của người tiêu dùng trong tỉnh vẫn đang bị xâm hại nghiêm trọng".
Bà Nguyễn Thị Phương Lan, Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tỉnh
|
Điều đáng nói hơn nữa là bản thân người tiêu dùng khi bị xâm phạm quyền lợi lại có tâm lý ngại tìm đến với Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng để được bảo vệ. Chính điều này đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển của thị trường, gây khó khăn trong hoạt động của tổ chức Hội trong công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Thêm vào đó, tại Đắk Lắk có rất đông người dân sinh sống ở khu vực nông thôn nên còn thiếu kiến thức về Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, nhận thức về quyền và nghĩa vụ của người tiêu dùng còn hạn chế, nhất là quyền khiếu nại, tố cáo, khởi kiện, yêu cầu bồi thường thiệt hại khi bị xâm phạm... Vì thế, số lượng người tiêu dùng đến với tổ chức Hội để khiếu nại và được bảo vệ khi mình bị xâm hại không nhiều. Từ đầu năm đến nay, Cục Quản lý thị trường tỉnh đã kiểm tra và phát hiện 449 cơ sở có hành vi vi phạm, nhưng theo tiếp nhận của Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tỉnh, chỉ có 6 vụ việc xâm phạm quyền lợi được người tiêu dùng lên tiếng, chủ động tìm đến với Hội để yêu cầu được bảo vệ.
Trong khi đó, Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng hoạt động chưa thật sự hiệu quả do hạn chế về tài chính, cơ sở vật chất chưa đáp ứng với nhiệm vụ, phần lớn thành viên của Hội đều hoạt động kiêm nhiệm, một số còn hạn chế về nghiệp vụ chuyên môn, trong khi địa bàn hoạt động rộng. Vì vậy, nhiệm vụ trọng tâm của Hội trong thời gian đến là tiếp tục đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền về Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng để người dân hiểu và nâng cao ý thức bảo vệ quyền lợi của mình, mạnh dạn lên tiếng phản ánh những hành vi vi phạm trong kinh doanh.
Để Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đi vào cuộc sống, các cơ quan chức năng cũng phải vào cuộc quyết liệt, phối hợp chặt chẽ hơn. Bà Nguyễn Thị Phương Lan cho rằng, với vai trò tổ chức xã hội tham gia bảo vệ người tiêu dùng, Hội mong muốn nhận được sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan liên quan, nhất là sự quan tâm, đồng hành của chính quyền địa phương trong vấn đề này. Bởi thực tế, một số cấp chính quyền ở cơ sở chưa thực sự quan tâm tạo điều kiện cho tổ chức bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng ở địa phương hoạt động. Vẫn còn một số huyện của tỉnh đến nay chưa thành lập được tổ chức cơ sở hội như: huyện Ea Súp, Buôn Đôn, Krông Ana, Krông Bông, Krông Búk…
Đỗ Lan
Ý kiến bạn đọc