Cảnh giác khi mua hàng online
Ngày 25-2, tôi có đặt mua một máy làm kẹo bông Candy Floss Maker CL-1288 qua một sàn giao dịch thương mại điện tử, giá 337.000 đồng (kể cả tiền ship), đến ngày 2-3 thì nhân viên đến giao hàng.
Nhận thấy gói hàng quá nhỏ so với kích thước của máy trên thực tế hình ảnh giới thiệu nên tôi cảnh giác, đề nghị kiểm tra hàng, song nhân viên từ chối với lý do “sàn giao dịch thương mại điện tử này áp dụng chính sách không mở hộp và kiểm tra hàng trước khi nhận”. Vì giá trị gói hàng không quá lớn và nhận thấy điều gì đó không bình thường nên tôi đề nghị nhân viên giao hàng cùng trực tiếp mở hộp, kiểm tra, đồng thời chụp, lưu lại hình ảnh làm căn cứ. Kết quả là một gói kẹo bé tí mà giá bán trên thị trường chỉ chưa đến 20.000 đồng. Sau khi đối chiếu hình ảnh, kiểm tra lại tất cả thông tin đặt hàng từ địa chỉ email, nhân viên giao hàng thừa nhận sản phẩm không đúng thực tế như khách hàng đặt và đồng ý hoàn tiền.
Hình ảnh chiếc máy làm kẹo bông trên trang bán hàng... |
và thực tế hàng nhận được. |
Chắc hẳn không ít người rơi vào tình cảnh “tiền mất tật mang” khi có những công ty kinh doanh, cửa hàng lừa đảo khách hàng qua các sàn giao dịch thương mại điện tử như vậy. Chính những sàn giao dịch thương mại kiểu này đã gián tiếp tiếp tay cho các doanh nghiệp kinh doanh gian dối khi đưa ra ràng buộc, quy định không cho khách kiểm tra hàng hóa trước khi thanh toán, hoặc buông lỏng các điều kiện đăng ký kinh doanh qua sàn giao dịch, tạo kẽ hở cho doanh nghiệp kinh doanh lừa đảo, bán hàng giả, hàng nhái, hàng không đúng chất lượng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi người tiêu dùng. Thực tế đã xảy ra trường hợp mua hàng qua mạng với giá trị lên đến vài chục triệu đồng như điện thoại Iphone song chỉ nhận được “cục gạch”, từ đó xảy ra nhiều vụ khiếu nại, kiện tụng liên quan đến hoạt động, chất lượng, thực tế sản phẩm mua bán qua các sàn giao dịch thương mại điện tử mà thủ tục, các khâu giải quyết, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng lại khá rối rắm, mất nhiều thời gian.
Không thể phủ nhận những tiện lợi khi mua hàng qua các sàn giao dịch thương mại điện tử vì các yếu tố đơn giản, nhanh gọn, thuận tiện, song hình thức mua sắm này cũng tiềm ẩn rất nhiều rủi ro cho người tiêu dùng. Vì vậy, trước khi pháp luật đưa ra những điều chỉnh, quy định phù hợp, siết chặt hoạt động kinh doanh qua các sàn giao dịch điện tử thì để bảo vệ mình, người tiêu dùng cần nâng cao cảnh giác, lựa chọn các sàn giao dịch uy tín, có chính sách “đồng kiểm”, cho phép người mua kiểm tra các thông tin sản phẩm trước khi thanh toán; cẩn thận xem xét, quan sát, đối chiếu kỹ hình dáng, kích thước gói hàng trước khi quyết định nhận và cần quay lại hình ảnh trong quá trình mở hàng để có cơ sở, căn cứ, bằng chứng nếu xảy ra các tranh chấp, khiếu nại phát sinh sau này.
Thảo Nhi
Ý kiến bạn đọc