Có bắt buộc điều chỉnh số chứng minh nhân dân trong "bìa đỏ" trước khi giao dịch đất đai?
Đến nay, Bộ Công an đã thu nhận gần 40 triệu hồ sơ cấp thẻ Căn cước công dân (CCCD) và đang hướng đến mục tiêu hoàn tất cấp 50 triệu thẻ CCCD trước ngày 1-7-2021.
Và hiện nay, trong nhiều giao dịch, công dân phải xuất trình thẻ CCCD thay cho Chứng minh nhân dân (CMND) cũ đã bị cắt góc (không còn giá trị sử dụng).
Để tạo thuận tiện cho công dân cũng như các cơ quan, tổ chức có liên quan trong quá trình sử dụng thẻ CCCD, tại Khoản 3 Điều 20 và Khoản 3 Điều 38, Luật Căn cước công dân năm 2014 đã quy định: “Khi công dân xuất trình thẻ Căn cước công dân theo yêu cầu… thì cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền không được yêu cầu công dân xuất trình thêm giấy tờ khác chứng nhận các thông tin đã có…” và “các loại giấy tờ có giá trị pháp lý đã phát hành có sử dụng thông tin từ CMND vẫn nguyên hiệu lực pháp luật”.
Công an huyện Krông Búk đang làm thủ tục cấp thẻ căn cước công dân cho người dân trên địa bàn, Ảnh minh họa |
Đồng thời, để dự phòng cho tình huống “xấu hơn” là nhiều cơ quan, đơn vị vẫn yêu cầu công dân phải chứng minh người có thẻ CCCD chính là người có số CMND cũ trong các giấy tờ liên quan đến giao dịch cần thực hiện, Bộ Công an cũng đã có quy định về việc cấp Giấy xác nhận số CMND cho công dân (thiết nghĩ việc này cũng không cần thiết vì trong thẻ CCCD đã có mã QRcode có thể quét để tra cứu các thông tin cá nhân của người sử dụng thẻ bao gồm cả số CMND cũ).
Tại Đắk Lắk, có thể thấy hiện nay nhiều cơ quan chức năng hoặc cán bộ thực thi công vụ đã chấp nhận thẻ CCCD khi công dân xuất trình như một lẽ đương nhiên cho việc thay thế CMND cũ, hoặc cùng lắm là chỉ yêu cầu cung cấp Giấy xác nhận số CMND do công an cấp để kiểm tra, đối chiếu chứ không yêu cầu công dân phải đi điều chỉnh các giấy tờ liên quan có ghi số CMND cũ. Tuy nhiên, hiện Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai TP. Buôn Ma Thuột vẫn bắt buộc công dân khi thực hiện các thủ tục liên quan đến Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (bìa đỏ) phải thực hiện điều chỉnh số CMND cũ có trong bìa đỏ bằng cách phải thực hiện thêm thủ tục “đăng ký biến động”. Chẳng hạn như, khi công dân A có nhu cầu thực hiện thủ tục đăng ký thế chấp bìa đỏ, vì trên bìa đỏ có ghi số CMND cũ của người sử dụng đất nên công dân A đã xuất trình và nộp bản sao thẻ CCCD kèm theo Giấy xác nhận số CMND do công an cấp. Tuy nhiên, Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai TP. Buôn Ma Thuột vẫn yêu cầu công dân A phải thực hiện thêm thủ tục “đăng ký biến động” cùng với thủ tục đăng ký thế chấp, cho dù công dân A chỉ có nhu cầu làm mỗi thủ tục đăng ký thế chấp.
Chưa bàn đến việc thay đổi thông tin như nêu trên có thuộc trường hợp "đăng ký biến động" theo quy định không, nhưng rõ ràng việc bắt buộc công dân phải thực hiện đính chính số CMND cũ trong bìa đỏ là không phù hợp với mong muốn của công dân, không đúng với tinh thần của Luật Căn cước công dân, đi ngược với xu thế, mục tiêu cải cách thủ tục hành chính hiện nay. Đồng thời làm phát sinh thêm thủ tục hành chính không cần thiết (vì nếu cần cập nhật thông tin thẻ CCCD trong hồ sơ địa chính thì văn phòng đăng ký đất đai có thể tự thực hiện việc này khi công dân cung cấp đầy đủ các thông tin có liên quan, chứ không nên bắt buộc công dân phải thực hiện thêm thủ tục mà công dân không có nhu cầu) trong lĩnh vực đất đai - một lĩnh vực có quá nhiều thủ tục, giao dịch vốn dĩ cần được nghiên cứu, đơn giản hóa hơn nữa.
Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng (Sở Tài nguyên và Môi trường, Phòng Kiểm soát thủ tục hành chính của tỉnh…) cần xem xét kiểm tra lại sự việc nêu trên để có biện pháp chấn chỉnh cho phù hợp; đồng thời có biện pháp chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan cần nghiêm túc thực hiện các quy định của Luật Căn cước công dân theo hướng không yêu cầu công dân cung cấp các giấy tờ khác chứng minh các thông tin đã được tích hợp trong thẻ CCCD, và nhất là không bắt buộc công dân phải thực hiện điều chỉnh các giấy tờ liên quan có ghi số CMND khi thực hiện các giao dịch để công dân được hưởng các tiện ích mà thẻ CCCD mang lại.
Hoàng Trọng Hùng