Multimedia Đọc Báo in

Quyết liệt ngăn chặn nạn "tín dụng đen"

07:45, 29/07/2021

Trước sự gia tăng của vấn nạn “tín dụng đen” do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 đến đời sống, thời gian qua, các cơ quan chức năng trên địa bàn tỉnh đã có nhiều giải pháp nhằm ngăn chặn, đẩy lùi vấn nạn này.

Công an tỉnh cho biết, hai năm qua, tình hình tội phạm liên quan đến "tín dụng đen" diễn biến phức tạp. Các đối tượng chuyển từ hoạt động theo nhóm sang hoạt động riêng lẻ, thay đổi phương thức làm ăn như tháo biển hiệu, cất giấu hồ sơ cho vay, thường xuyên thay đổi chỗ ở và hoạt động lưu động.

Qua công tác nắm tình hình, trên địa bàn tỉnh có hàng chục đối tượng hình sự từ các tỉnh phía Bắc vào cấu kết với các đối tượng trong tỉnh thành lập công ty tài chính, tiệm cầm đồ để núp bóng hoạt động cho vay nặng lãi, "tín dụng đen" và đòi nợ thuê.

Những đối tượng này không sử dụng hình thức truyền thống là gặp trực tiếp để cho vay mà sử dụng các ứng dụng trên điện thoại, mạng Internet như: Didong, On Credit, Vaynhanhpro…

Lực lượng Công an điều tra, xét hỏi một nhóm đối tượng hoạt động liên quan đến
Lực lượng Công an điều tra, xét hỏi một nhóm đối tượng hoạt động liên quan đến "tín dụng đen".

Để ngăn chặn, hạn chế nạn "tín dụng đen", công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật được các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh chú trọng.

Cụ thể, từ đầu năm 2020 đến nay, ngành công an lập 230 trang Zalo, đăng tải 26.474 tin bài về các loại tội phạm, trong đó có "tín dụng đen"; phát động 20 đợt với hơn 1.000 lượt cán bộ tham gia chương trình "Thứ bảy tình nguyện", "Chủ nhật xanh" để tháo gỡ, xóa bỏ rao vặt, quảng cáo về "tín dụng đen".

Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh tuyên truyền cho 100 nghìn lượt hội viên và xây dựng 15 mô hình “Phụ nữ nói không với tín dụng đen”; Hội Cựu chiến binh tuyên truyền cho 8.500 lượt hội viên về tác hại của "tín dụng đen"…

Bên cạnh công tác truyên truyền, lực lượng chức năng đã đấu tranh, trấn áp mạnh với các loại tội phạm và hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến "tín dụng đen", nhiều băng nhóm đã bị triệt xóa, làm tan rã.

Một số vụ nổi bật như: sáng 2-7, Phòng Cảnh sát hình sự (Công an tỉnh) triệt xóa hai nhóm hoạt động liên quan "tín dụng đen". Cụ thể, nhóm 3 đối tượng: Nông Hoàng Sơn, Đặng Văn Mạnh và Nguyễn Thiên Bảo (cùng trú xã Cư Huê, huyện Ea Kar) đã cho 60 người vay tổng số tiền hơn 800 triệu đồng, với lãi suất 365%/năm và thu lợi bất chính gần 200 triệu đồng tiền lãi.

Nhóm đối tượng Nguyễn Viết Đạt (ở TP. Hải Phòng) và Nguyễn Tấn Dũng (tên gọi khác là Bi Béo, ở tỉnh Bắc Giang) cho 14 người vay tổng số tiền khoảng 300 triệu đồng, lãi suất từ 243,3 - 365%/ năm, thu lợi bất chính khoảng hơn 100 triệu đồng.

Trước đó, ngày 16-5, Công an tỉnh làm rõ nhóm chuyên cho người dân vay với lãi suất “cắt cổ”. Cụ thể, các đối tượng gồm: Nguyễn Hữu Đạt, Lê Văn Tiến, Đoàn Thế Hùng, Ngô Văn Tú, Nguyễn Văn Công, Lê Hữu Quyết đều đến từ tỉnh Thanh Hóa và đối tượng Nguyễn Doãn Hoàng (ngụ TP. Buôn Ma Thuột) cho gần 100 người dân vay tổng số tiền hơn 1 tỷ đồng, với lãi suất từ 365 - 695%/năm, thu lợi 200 triệu đồng…

Một nhóm đối tượng có hành vi cho vay nặng lãi bị Công an tỉnh triệt xóa. Ảnh: Sỹ Đức
Một nhóm đối tượng có hành vi cho vay nặng lãi bị Công an tỉnh triệt xóa. Ảnh: Sỹ Đức

Theo đánh giá của UBND tỉnh, sau hai năm thực hiện Chỉ thị số 12/CT-TTg, ngày 25-4-2019 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động "tín dụng đen", tệ nạn này trên địa bàn tỉnh được kiểm soát, các nhóm đối tượng cho vay kiểu "tín dụng đen" không còn hoạt động ngang nhiên, lộng hành.

Tuy nhiên, do tác động của dịch bệnh COVID-19 đến vấn đề việc làm, thu nhập của người lao động nên thời gian tới, dự báo tình hình tội phạm về "tín dụng đen" còn diễn biến phức tạp, nhất là ở địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Do đó, Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Ngọc Nghị đã yêu cầu các sở, ngành, địa phương thực hiện đồng bộ, quyết liệt để đẩy lùi vấn nạn này trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, cơ quan chức năng tập trung tuyên truyền, phổ biến về các thủ đoạn cho vay nặng lãi và những tác hại của "tín dụng đen" để người dân cảnh giác, chủ động tố giác tội phạm; đấu tranh trấn áp mạnh với tội phạm và những hành vi liên quan đến "tín dụng đen", xử lý nghiêm những trường hợp bảo kê, tiếp tay, làm ngơ cho các đối tượng cho vay kiểu "tín dụng đen".

Đồng thời, tiếp tục thực hiện kế hoạch bảo đảm an sinh xã hội, hỗ trợ người lao động và sử dụng lao động theo Nghị quyết 68 của Chính phủ và hỗ trợ người dân, doanh nghiệp tiếp cận các gói vay ưu đãi, các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế.

Từ đầu năm 2020 đến nay, trên địa bàn tỉnh đã thành lập 13 tổ công tác liên ngành để tổng kiểm tra, xử lý các cơ sở kinh doanh có liên quan đến "tín dụng đen". Các tổ công tác đã kiểm tra, rà soát 30 số điện thoại và chủ thuê bao quảng cáo, rao vặt sai quy định trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột, trong đó có 5 đầu số thuê bao quảng cáo có nội dung liên quan đến "tín dụng đen". Các thuê bao này đã bị ngừng cung cấp dịch vụ viễn thông.
 

Minh Chi


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.