Multimedia Đọc Báo in

Công trình Măng non – Ý nghĩa lớn từ những việc nhỏ

07:12, 27/08/2010

Toàn tỉnh có 8.385 công trình măng non, trong đó, 15 công trình tiêu biểu được tôn vinh và công nhận tại Đại hội Cháu ngoan Bác Hồ toàn tỉnh, là những công trình thực hiện từ những việc làm nhỏ nhưng có giá trị kinh tế, đồng thời mang  tính giáo dục cao…

Thực hiện kế hoạch của Hội đồng Đội Trung ương triển khai phong trào Kế hoạch nhỏ “Thu gom giấy phế liệu” năm học 2009-2010, với tinh thần “tuổi nhỏ làm việc nhỏ” đội viên toàn tỉnh hào hứng tham gia gom giấy vụn tại trường học và thu được 162 tấn giấy, góp phần cùng với thiếu nhi cả nước tôn tạo, nâng cấp khu di tích Kim Đồng. Cũng từ nguồn quỹ này mà 8.385 công trình măng non với tổng trị giá 273 triệu đồng được thực hiện trên địa bàn tỉnh. Tiêu biểu nhất công trình măng non “Nhà tình bạn” do Hội đồng Đội Buôn Ma Thuột thực hiện. Căn nhà có diện tích hơn 20m2, mái lợp tôn, nền láng xi măng, trị giá 24 triệu đồng tặng em học sinh vượt khó học giỏi Phạm Phú Linh (lớp 9D, Trường THCS Nguyễn Chí Thanh, TP. Buôn Ma Thuột). Anh Nguyễn Ngọc Hoàng, Phó Bí thư Thành Đoàn cho biết: “Hàng năm, Kế hoạch nhỏ được triển khai sâu rộng, đồng bộ và chặt chẽ đến các liên đội trên địa bàn thành phố, công trình măng non năm nay chúng tôi hướng đến giúp đỡ đội viên khó khăn, góp phần giáo dục cho đội viên, thiếu niên nhi đồng có ý thức tiết kiệm bằng những việc làm thiết thực, có hiệu quả. Ngoài ra, xây dựng được những công trình từ thiện còn thể hiện tinh thần tương thân, tương ái, lá lành đùm lá rách của các đội viên trên địa bàn. Đây cũng là một cách giáo dục nhân cách học sinh rất hiệu quả”.
Đến thăm một buổi thu gom giấy phế liệu ở các liên đội Trường Tiểu học Phan Bội Châu (huyện Krông Pak), chúng tôi cảm nhận được không khí náo nhiệt và sự nhiệt tình của các em học sinh. Cô tổng phụ trách đội tay đang cầm cân, học sinh thì hào hứng chờ kết quả xem mình đóng góp được bao nhiêu giấy. Dù mỗi em chỉ có 1 đến 2 kg, nhưng cũng từ đó có thể góp một phần nhỏ thực hiện một công trình măng non. Đôi khi công trình măng non chỉ đơn giản là tấm ảnh Bác Hồ treo trên tường hay một vườn hoa trong khuôn viên nhà trường nhưng đó cũng là công sức “tích tiểu thành đại” mà nên. Hội đồng Đội huyện Krông Pak cho biết, số tiền thu gom giấy vụn trong năm học qua (2009-2010) đã được sử dụng trong việc sắm 2 tủ sách trị giá hơn 13 triệu đồng tặng 2 Trường Tiểu học Đinh Núp và Phan Bội Châu. Nội dung các đầu sách chủ yếu là viết về Bác Hồ và các danh nhân Việt Nam, hay những loại sách do Nhà xuất bản Giáo dục phát hành giúp các em có thể “vừa đọc, vừa học” ngay tại lớp. Đây là cách làm có tính chất cổ động học sinh tích cực đến trường và giúp bổ trợ các kiến thức văn hóa, xã hội. Nhất là khi những món quà này đến với học sinh vùng sâu, vùng xa thì giá trị từ công trình măng non này vô cùng có ý nghĩa.

Đại diện Hội đồng Đội các huyện có công trình măng non được tôn vinh tại Đại hội Cháu ngoan Bác Hồ tỉnh năm 2010.
Đại diện Hội đồng Đội các huyện có công trình măng non được tôn vinh tại Đại hội Cháu ngoan Bác Hồ tỉnh năm 2010.

Có thể nói, phong trào kế hoạch nhỏ đã đi vào chiều sâu và được cụ thể hóa bằng những công trình măng non thiết thực. Nhiều huyện đã xây dựng công trình măng non phục vụ trong công tác đội. Có thể kể đến huyện Ea Kar với 4 bộ trống đội tặng các liên đội PTDT nội trú Ea Kar và Trường THCS Cao Bá Quát; hay Thị Đoàn Buôn Hồ với công trình “Tiếng trống Đội em” gồm 3 bộ trống trị giá hơn 8 triệu đồng tặng 3 trường tiểu học Y Jút, Đinh Núp, Y Ngông; huyện Cư M’gar là 54 bộ đồng phục nghi lễ trị giá hơn 7 triệu đồng tặng các liên đội khó khăn trên địa bàn...; huyện Krông Năng  thực hiện công trình “Bể nước sạch cho em” tại liên đội tiểu học Ea Đá; huyện Krông Bông đã trích được “35 suất học bổng tặng bạn nghèo” trị giá 7 triệu đồng...

Anh Phạm Quang Hùng, Phó chủ tịch Hội đồng Đội tỉnh nhận xét: “Những công trình măng non đã góp phần giáo dục thiếu nhi về truyền thống lịch sử, kiến thức văn hóa - xã hội và kỹ năng tham gia các hoạt động phong trào. Tuy bắt nguồn từ những kế hoạch nhỏ, việc làm nhỏ nhưng lại phục vụ đắc lực cho học sinh học tập và tham gia công tác Đội. Cũng chính những công trình măng non đã thể hiện được vai trò của tổ chức đội trong trường học. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục phát động phong trào xây dựng nhiều công trình măng non có ý nghĩa từ nguồn phế liệu”.

Mai Hương

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.