Để giữ vững và phát huy kết quả đạt Chuẩn phổ cập giáo dục Trung học cơ sở: Cần có những bước đi vững chắc
10:23, 13/08/2010
Theo Thứ trưởng Bộ Giáo dục – Đào tạo Nguyễn Thị Nghĩa, kết quả phổ cập giáo dục THCS của tỉnh Dak Lak là thành quả của việc phát huy sức mạnh tổng hợp trong toàn xã hội; duy trì, phát huy kết quả này phải trở thành nhiệm vụ thường xuyên, liên tục. Phóng viên Báo Dak Lak đã có cuộc trao đổi với Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa tại Lễ tổng kết 10 năm công tác phổ cập giáo dục THCS và công bố quyết định đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS được tổ chức vừa qua tại TP. Buôn Ma Thuột.
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thị Nghĩa (bìa phải) đang trao đổi với phóng viên |
* Thứ trưởng đánh giá như thế nào về kết quả đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS của Dak Lak?
- Nhìn lại, Dak Lak đạt chuẩn phổ cập tiểu học từ năm 1999, 10 năm sau, đến tháng 10-2009 Dak Lak đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS. Đây là kết quả của cả một quá trình phấn đấu với việc xây dựng kế hoạch lộ trình phù hợp, chỉ đạo quyết liệt, sâu sát và kịp thời của cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp, huy động được sự tham gia của toàn xã hội. Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã ban hành nhiều chỉ thị, nghị quyết, quyết định, chính sách quan trọng cũng như tập trung đầu tư nguồn lực, tài lực, vật lực cho công tác phổ cập THCS. Ngoài sự tham gia của các tổ chức, đoàn thể, … phải kể tới sự đóng góp đặc biệt của lực lượng bộ đội biên phòng trong thực hiện phổ cập THCS ở những nơi vùng sâu vùng xa, vùng dân tộc, từ việc duy trì mở lớp phổ cập chống mù chữ rồi vận động học sinh tới các lớp học; và tôi nghĩ ở đây cũng không thể không nói tới vai trò của những già làng, trưởng bản.
Đối chiếu với các tiêu chuẩn phổ cập do Bộ Giáo dục – Đào tạo đề ra, trong khi ở đồng bằng tỷ lệ đạt 80% là đạt, còn ở vùng núi là 78%, thì kết quả đạt chuẩn phổ cập THCS của Dak Lak tương đối khá. Đơn cử như tỷ lệ trẻ 6 tuổi vào lớp 1 đạt 97,6%; tổng số trẻ độ tuổi 11-14 hoàn thành chương trình tiểu học 90,5%; tổng số trẻ hoàn thành chương trình tiểu học vào lớp 6 là 98,4%; tổng số xã phường, thị trấn đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS 96,7%...
* Điều quan trọng là duy trì bền vững kết quả đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS. Theo Thứ trướng, với nhiệm vụ quan trọng này, Dak Lak sẽ đối mặt với những trở ngại nào?
- Địa bàn rộng, chia cắt; nhiều vùng dân cư sống không tập trung; thường xuyên đối phó với thiên tai; đời sống người dân ở các vùng sâu vùng xa còn khó khăn… sẽ là những rào cản mang tính khách quan. Dak Lak còn chưa đạt chuẩn phổ cập tiểu học đúng độ tuổi, cho nên cần phấn đấu đạt được để làm tiền đề, nền tảng cơ sở cho việc phổ cập THCS bền vững. Hơn nữa, đạt chuẩn phổ cập THCS của tỉnh mới có tính thời điểm, cần coi đây là nhiệm vụ lâu dài, phải làm thường xuyên, liên tục.
* Vậy Dak Lak cần có những bước đi như thế nào để duy trì và phát huy những kết quả đó, thưa Thứ trưởng?
- Cần phải có những bước đi vững chắc. Phổ cập là một quá trình lâu dài, không thể nóng vội được. Thứ nhất còn lại 6 xã chưa đạt chuẩn phổ cập THCS phải phấn đấu đạt chuẩn trong thời gian sớm nhất. Hai nữa là phải nỗ lực đạt phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi. Ba là tiếp tục làm tốt công tác vận động, tuyên truyền để duy trì sĩ số các lớp học ở vùng sâu vùng xa cũng như nâng cao chất lượng dạy và học, tạo sự đồng đều giữa các vùng miền và phát triển đầy đủ các loại hình trường lớp, xây dựng các trường chuẩn quốc gia để phục vụ con em các dân tộc thiểu số.
Vừa rồi theo tôi thấy Dak Lak có rất nhiều sáng kiến trong công tác phổ cập giáo dục ví dụ như phát triển mạnh loại hình trường dân tộc nội trú, bán trú; tỉnh đã có nhiều chính sách cho trường bán trú: hỗ trợ tiền sinh hoạt, tiền ăn để các em ở lại trường học tập; trong đầu tư kinh phí, định mức chi có ưu tiên cho vùng sâu vùng xa; huy động được sức mạnh của nhiều lực lượng trong xã hội… Từ những bài học kinh nghiệm đó, trong thời gian tới Dak Lak nên tiếp tục có những bước phát triển mới để bảo đảm chất lượng phổ cập bền vững.
Đàm Thuần – Hoàng Gia (Thực hiện)
Ý kiến bạn đọc