Multimedia Đọc Báo in

Nơi đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho các tỉnh Tây Nguyên

21:57, 16/04/2011

Vùng đất Tây Nguyên giàu tiềm năng đang được “đánh thức” bởi bàn tay, khối óc của những con người yêu lao động và có trình độ khoa học kỹ thuật cao. Đây là lực lượng lao động chủ chốt góp phần đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế-xã hội của mỗi địa phương.

Trường Đại học Tây Nguyên gắn đào tạo với thực tiễn sản xuất và nhu cầu xã hội
Là trường đại học đa ngành, đa lĩnh vực, mỗi năm Trường Đại học Tây Nguyên đào tạo khoảng 3.500 cử nhân thuộc 5 chuyên ngành thạc sĩ, 2 chuyên ngành bác sĩ chuyên khoa cấp I, 36 ngành đại học và 5 ngành cao đẳng. Lực lượng lao động này đã và đang góp phần quan trọng trong công tác quản lý, thực hiện sản xuất-kinh doanh từng bước đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng-an ninh vùng Tây Nguyên. Trong những năm qua, cùng với mở rộng quy mô, nhà trường đã tập trung nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng đào tạo, trong đó, việc chuyển đổi mô hình đào tạo từ niên chế sang học chế tín chỉ được xem là khâu đột phá. Trong quá trình đào tạo, nhà trường chú trọng gắn nội dung đào tạo với thực tiễn sản xuất và nhu cầu xã hội, thường xuyên tổ chức hội thảo lấy ý kiến của các cơ quan, doanh nghiệp về yêu cầu nguồn nhân lực. Bên cạnh đó, tăng cường đổi mới phương pháp giảng dạy ở các bậc, hệ đào tạo đối với giảng viên, đặc biệt chú trọng nâng cao nhận thức và khả năng tự rèn luyện, học tập của sinh viên, chuyển từ trạng thái thụ động tiếp thu kiến thức sang chủ động sáng tạo trong học tập, gắn với nghiên cứu khoa học.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thao, Hiệu trưởng Trường Đại học Tây Nguyên cho biết, với diện tích tự nhiên trên 5,4 triệu ha, trong đó, có 1,36 triệu ha đất đỏ bazan rất thuận lợi để phát triển cây công nghiệp có giá trị kinh tế cao theo hướng sản xuất hàng hóa lớn, tập trung chuyên canh. Tuy nhiên, tỷ lệ nguồn nhân lực qua đào tạo của vùng Tây Nguyên hiện nay thấp (9,8%) và người có trình độ đại học trở lên chỉ có 2,8%. Do đó, để phát huy tốt tiềm năng, lợi thế, đặc biệt để đưa Tây Nguyên trở thành vùng kinh tế động lực của cả nước, công tác đào tạo   bậc đại học vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu nguồn nhân lực cho khu vực, đặc biệt là các ngành kỹ thuật. Ngoài những ngành nghề đào tạo truyền thống, những năm gần đây, nhà trường đã liên kết với một số trường đại học uy tín ở Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh mở rộng quy mô, ngành nghề đào tạo trong đó ưu tiên nhóm ngành luật, công nghệ, giao thông, xây dựng, thủy lợi, thủy điện…đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội các tỉnh Tây Nguyên.

Trường Đại học Tây Nguyên tổ chức Hội thảo khoa học đào tạo giáo viên và bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm theo hệ thống tín chỉ.
Trường Đại học Tây Nguyên tổ chức Hội thảo khoa học đào tạo giáo viên và bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm theo hệ thống tín chỉ.

Trường Đại học Đà Lạt tạo cơ hội để sinh viên tiếp cận với công việc khi đang học tại trường
 Trường Đại học Đà Lạt được thành lập năm 1958, với nhiệm vụ đào tạo các ngành thuộc lĩnh vực hạt nhân và đến nay đã trở thành một trường đa ngành, đào tạo theo học chế tín chỉ. Nhà trường tuyển sinh, đào tạo nguồn nhân lực phân bổ khắp trong cả nước, trong đó, khu vực Tây Nguyên chiếm khoảng 20% tổng chỉ tiêu trúng tuyển. Cụ thể, giai đoạn 2005-2010, có 50.311 thí sinh đăng ký dự thi vào trường, trong đó, có 10.649 thí sinh của 5 tỉnh Tây Nguyên trúng tuyển. Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Bá Dũng, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, với đặc thù có đông học sinh các tỉnh Tây Nguyên theo học nên trong quá trình đào tạo, ngoài những nguyên tắc chung, nhà trường luôn xác định và xây dựng các chương trình đào tạo đặc thù có khả năng cung ứng nguồn nhân lực cho các tỉnh Tây Nguyên. Cụ thể, các tỉnh Tây Nguyên có cơ cấu ngành nghề chủ yếu là nông-lâm-công nghiệp, nên nhà trường tập trung mở rộng, nâng cao chất lượng đào tạo các ngành quản lý đất đai, bảo vệ môi trường và các ngành khoa học xã hội nhân văn. Ông Lê Bá Dũng cho biết thêm, đội ngũ giảng viên là yếu tố cốt lõi góp phần nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực có trình độ cao do đó, nhà trường đã tập trung nâng cao năng lực giảng dạy, nghiên cứu khoa học và ý thức hành nghề của đội ngũ giảng viên. Bên cạnh đó, trong quy trình đào tạo hiện nay có các học phần thực hành, chuyên đề thực tập, các khóa luận tốt nghiệp nhằm giúp cho sinh viên có khả năng tự chọn hướng chuyên môn phù hợp với ngành nghề sau tốt nghiệp. Sinh viên các tỉnh Tây Nguyên có cơ hội về tại địa phương mình để tìm hiểu, nắm bắt công việc khi còn đang học tại trường thông qua  những học phần này.

Trường Đại học Sư phạm Huế góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ  cán bộ quản lý, giáo viên vùng Tây Nguyên
Đại học Sư phạm Huế là một trường chuyên đào tạo giáo viên phục vụ sự nghiệp giáo dục trước hết cho các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên, trong đó, đặc biệt coi trọng đào tạo cán bộ, giáo viên có trình độ thạc sĩ và tiến sĩ. Với việc đa dạng hình thức đào tạo, từ năm 2005-2010, nhà trường đã đào tạo cho các tỉnh Tây Nguyên 175 thạc sĩ là giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục, trong đó, tỉnh Dak Lak có 50 người. Những học viên sau khi tốt  nghiệp đã phát huy tác dụng tốt trong ngành giáo dục ở địa phương, đảm trách các chức vụ chủ chốt ở các Sở GD-ĐT, trường THPT.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Văn Anh, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Huế, để Tây Nguyên phát triển kinh tế-xã hội nhanh và bền vững cần phải có chiến lược tổng thể đồng bộ, trong đó, cần ưu tiên đầu tư lĩnh vực giáo dục, đặc biệt là cho con em đồng bào dân tộc thiểu số. Là cơ sở đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục có trình độ đại học và sau đại học; cơ sở nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ phục vụ sự nghiệp phát triển giáo dục trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Trường Đại học Sư phạm Huế cam kết sẽ ưu tiên đào tạo nguồn nhân lực cho các tỉnh Tây Nguyên. Tuy nhiên, để thực hiện tốt điều này, các tỉnh Tây Nguyên cần củng cố, phát triển và nâng cao chất lượng đào tạo tại các trường dân tộc nội trú; cần có chính sách đãi ngộ thích đáng đối với giáo viên dạy  học ở vùng sâu; tăng cường mở các lớp cử tuyển cho học sinh dân tộc thiểu số được học ở các trường đại học sư phạm có chất lượng cao; Hỗ trợ kinh phí cho các giáo viên, đặc biệt là giáo viên dân tộc thiểu số đi học sau đại học. Trong  số các học viên được đào tạo trình độ thạc sĩ tại trường chưa có giáo viên dân tộc thiểu số. Ngoài ra, Bộ GD-ĐT cần có chính sách cụ thể để duy trì và phát triển Đề án hỗ trợ đào tạo sau đại học cho các tỉnh  Tây Nguyên. Đề án này thể hiện sự quan tâm của Bộ GD-ĐT đối với Tây Nguyên trong việc đào tạo đội ngũ giáo viên và cán bộ giáo dục trình độ cao. Tuy nhiên, trong thời gian qua chỉ đào tạo được một khóa, số học viên của từng chuyên ngành cũng rất ít.

 

Nguyên Hoa

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.