Multimedia Đọc Báo in

Thầy giáo yêu nghề và nhiệt huyết với phong trào Đoàn – Hội

09:26, 15/11/2011

Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất nghèo, hiếu học Hương Vịnh, Hương Khê (tỉnh Hà Tĩnh), từ nhỏ anh Nguyễn Chí Cường đã nuôi dưỡng quyết tâm học thật giỏi để ngày mai lập nghiệp. Năm 1994, anh thi đỗ vào Khoa Ngữ Văn, Trường Đại học Vinh (tỉnh Nghệ An). Những ngày là sinh viên, anh luôn hăng hái, nhiệt tình và thể hiện được năng khiếu của bản thân trong việc tham gia các phong trào, hoạt động Đoàn - Hội của trường. Dần dần, phong trào Đoàn - Hội đã trở thành niềm đam mê đối với thầy giáo tương lai này.

Tốt nghiệp Đại học Vinh, anh quyết định vào Dak Lak để lập nghiệp. Tháng 9-1998, anh nhận công tác tại Trường Cấp 2-3 Nguyễn Trãi (Cư M’gar). Công tác Đoàn lại đến với anh như một cái duyên. Ngoài chuyên môn là giáo viên Văn, với năng khiếu và  kinh nghiệm tham gia công tác Đoàn - Hội được tích lũy trong những năm còn ngồi trên ghế giảng đường đại học, anh lần lượt được tín nhiệm làm Bí thư chi đoàn giáo viên, Phó Bí thư rồi Bí thư Đoàn trường, Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam Trường Cấp 2-3 Nguyễn Trãi. Đến tháng 8-2005, anh chuyển về công tác tại Trường THPT Buôn Hồ, tại đây ngoài công tác chuyên môn, anh tiếp tục được tín nhiệm bầu là Phó Bí thư rồi Bí thư Đoàn trường, Chủ tịch Hội LHTN Trường THPT Buôn Hồ.

Bên cạnh việc nỗ lực hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chuyên môn, là Bí thư Đoàn trường, anh Cường luôn băn khoăn, trăn trở để tìm ra giải pháp thiết thực đổi mới hoạt động Đoàn - Hội của trường nhằm thu hút học sinh tham gia. Anh đã tích cực tham mưu với cấp ủy, Ban giám hiệu nhà trường trong việc xây dựng chương trình, kế hoạch hoạt động xuyên suốt trong từng năm học một cách thiết thực và phù hợp với đặc điểm tình hình của đơn vị; đặc biệt là trong việc đổi mới công tác giáo dục tư tưởng chính trị, pháp luật cho đoàn viên, thanh niên, hội viên bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú như: tuyên truyền trước các buổi chào cờ đầu tuần; phát tài liệu tuyên truyền cho các chi đoàn, chi hội sinh hoạt 15 phút đầu buổi, tổ chức các cuộc thi tìm hiểu...  Nhằm tạo điều kiện để đoàn viên, hội viên có môi trường hoạt động học tập và rèn luyện có hiệu quả trên cơ sở phát huy năng lực, sở trường của bản thân, anh đã tham mưu cho Ban Chấp hành Đoàn trường, Ủy ban Hội LHTN Trường THPT Buôn Hồ tổ chức các sân chơi học tập trên cơ sở mô phỏng các trò chơi trên truyền hình hiện nay như: "Đường lên đỉnh Olympia", "Rung chuông vàng"; thành lập các câu lạc bộ sở thích, như: CLB võ thuật, văn học, bóng rổ, xung kích tình nguyện… Chị Đào Thị Chung, Phó Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam TX. Buôn Hồ nhận xét: “Anh Nguyễn Chí Cường, Chủ tịch Hội LHTN Trường THPT Buôn Hồ là người nhiệt tình, có trách nhiệm với công việc. Anh đã cùng với Ủy ban Hội LHTN Việt Nam Trường THPT Buôn Hồ tổ chức được nhiều hoạt động, phong trào đáp ứng nhu cầu của thanh niên, học sinh  trong tình hình mới”.

Từ thực trạng hoạt động của tổ chức Hội LHTN Trường THPH Buôn Hồ còn mờ nhạt, hình thức, anh Cường đã chủ động tham mưu với cấp ủy, tổ chức Đoàn - Hội cấp trên từng bước kiện toàn tổ chức và đưa công tác thanh niên Trường THPT Buôn Hồ hoạt động ngày một đi lên. Nhờ đó, từ năm 2005 đến nay, Hội LHTN Việt Nam trường THPT Buôn Hồ hoạt động tương đối hiệu quả, hàng năm đều được Ủy ban Hội cấp trên ghi nhận và đánh giá cao. Riêng bản thân anh Cường được Ủy ban Hội LHTN Việt Nam tỉnh tuyên dương là thủ lĩnh thanh niên tiêu biểu tỉnh Dak Lak năm 2011 nhân dịp kỷ niệm 55 ngày Truyền thống Hội LHTN Việt Nam. Trong công tác chuyên môn, nhiều năm liền anh là chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, là giáo viên có học sinh giỏi cấp tỉnh, được Sở GD-ĐT tặng giấy khen. Anh Cường tâm sự: “Tôi luôn cố gắng, tìm tòi sáng tạo, phát huy hết sự nhiệt tình, năng động để đóng góp vào sự trưởng thành, lớn mạnh của phong trào thanh niên trường THPT Buôn Hồ nói chung và  thị xã  Buôn Hồ nói riêng. Hoạt động Đoàn - Hội cũng giúp tôi hiểu rõ hơn về tâm lý, tình cảm , thái độ  của học sinh để từ đó trong công tác giảng dạy mình có thể dễ dàng xử lý các tình huống sư phạm. Trong thời gian tới, mặc dù sẽ không trực tiếp tham gia công tác Đoàn nhưng tôi sẽ luôn quan tâm và sẵn sàng chia sẻ những kinh nghiệm đối với các thế hệ kế cận”.

Nguyễn Thị Linh

Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.