Multimedia Đọc Báo in

Lớp học trên đèo Dak Nuê

15:26, 13/11/2011

Thôn Dak Sah, xã Dak Nuê – huyện Lak nằm trên đèo Dak Nuê, biệt lập giữa núi rừng heo hút. Ở đó, một lớp học vừa được dựng lên để những em nhỏ thôn nghèo đến với cái chữ.

Vượt đoạn đường hơn 30 km từ trung tâm xã, thôn Dak Sah như một ốc đảo nằm lọt thỏm giữa bốn bề đồi núi với gần 100 mái nhà bằng tranh tre, nứa, lá. 2 phòng học của điểm trường Tiểu học Lý Tự Trọng đơn sơ nằm ở chân đồi, phía cuối con đường đất gập gềnh chạy dọc thôn. Nói là phòng học cho “sang” chứ thật ra đó là ngôi nhà tuềnh toàng thưng bằng nứa, lợp mái lá rộng chừng hơn hai chục m2 được ngăn làm đôi, mấy bộ bàn ghế cũ kỹ và hai bảng gỗ nhỏ ở hai đầu. Hai phòng học này do người dân ở đây lên rừng chặt tre, nứa, lá cọ dựng lên và chỉ hoàn thành khi năm học mới đã bắt đầu được gần một tháng. Tổng cộng có 74 em học sinh với 3 lớp (đều đang học chương trình lớp 1) do thầy Ngô Văn Đại và cô Triệu Thị Hằng thay nhau phụ trách. Do không đủ phòng nên ba lớp phải học hai buổi: buổi sáng mỗi giáo viên phụ trách một lớp, lớp buổi chiều thì giáo viên luân phiên dạy. Sáng hôm chúng tôi vào thăm lớp, do cô Hằng có việc bận nên một mình thầy Đại phải dạy cả hai lớp. Trong căn phòng bốn bề lộng gió, thầy giáo trẻ đang say sưa với bài giảng, các em học sinh cặm cụi theo từng nét chữ. Thấy nhà báo vào, mấy đứa trẻ rụt rè chào “thầy” rồi ngơ ngác nhìn khách lạ. Thầy giáo Ngô Văn Đại cho biết: phần lớn học sinh ở đây là con em người dân tộc Mông, Tày, Ba Na theo gia đình di cư đến đây; nhiều em quá tuổi, không biết tiếng Kinh nên các thầy cô phải bắt đầu dạy từ từng chữ cái, kiên trì, uốn nắn cho từng em. Một điều chúng tôi cảm nhận được rất rõ là niềm vui của các em khi được đến trường hiện lên trong đôi mắt sáng ngời, dù cuộc sống còn nhiều thiệt thòi và tấm áo trên người còn chưa lành lặn. Em Hoàng Văn Hải, lớp trưởng lớp 1M1 là con một gia đình nghèo, một buổi em đến lớp, buổi còn lại em phải trông em nhỏ hoặc theo bố mẹ lên rẫy trồng sắn, trỉa lúa nương. Em hồn nhiên nói: “Em thích đi học để biết chữ, lớn lên đi dạy như thầy Đại chứ không phải làm rẫy vất vả như bố mẹ”

Thầy Ngô Văn Đại và học trò trong lớp.
Thầy Ngô Văn Đại và học trò trong lớp.
Chia tay lớp học, đi vòng qua một quả đồi là nhà công vụ giáo viên bằng lá cọ tạm bợ. Trong căn nhà nhỏ chỉ đủ kê một chiếc giường đơn và tấm ván nhỏ làm kệ để sách, cô Triệu Thị Hằng đang chuẩn bị bữa trưa. Bình thường, bữa cơm của các thầy cô ở đây chỉ có cá khô và mì tôm; hôm nay, thầy hiệu trưởng vào họp phụ huynh mang cho một ít thịt heo để cải thiện. Cô Hằng tốt nghiệp Trường CĐSP Hà Nam, vào nhận công tác ở điểm trường này được hơn một tháng. Ngày đầu tiên vào “ốc đảo” này, nhìn cuộc sống trăm bề thiếu thốn, những đứa trẻ nhếch nhác, cô chán nản, muốn bỏ cuộc. “Dần dần rồi cũng quen với vất vả, thiếu thốn, bà con yêu quý nên càng thương các em học trò của mình” - cô giảo trẻ tâm sự. Trong khi đó, thầy Đại ở Ea Tân - Krông Năng cũng chấp nhận xa người vợ trẻ để gắn bó với những học trò nghèo nơi đây. Trước thầy Đại và cô Hằng, 6 giáo viên nộp hồ sơ xin việc, khi được phân công về Dak Lak đã… xin rút lui; hoặc có người về dạy được hơn một tháng cũng bỏ việc. Hai thầy cô phải viết đơn xin phục vụ lâu dài với tiền lương hợp đồng chỉ hơn 1 triệu đồng/tháng. Thầy Đạt cho biết cuộc sống, sinh hoạt của các thầy cô thiếu thốn đủ thứ: không điện, không thức ăn tươi, không nước sạch… nhưng nếu ai cũng ngại vất vả thì cái chữ sẽ mãi xa vời với những em nhỏ nơi đây.

Dak Sah được hình thành từ đầu những năm 2000, chủ yếu là người dân tộc Mông từ miền Bắc di cư vào, nên thường được gọi bằng cái tên quen thuộc là “làng Mông”. Hiện nay, thôn có hơn 100 em trong độ tuổi đến trường; bắt đầu từ lớp hai các em phải đi bộ để đến lớp học ghép xa hơn 10 km. Thầy La Trọng Chương, Hiệu trưởng Trường TH Lý Tự Trọng cho biết, trước đây rất ít các em nhỏ ở đây được đi học do nhà nghèo, ở quá xa trường; điểm trường này mới được hình thành từ đầu năm học này do thôn mới được chính thức thành lập. Được biết, trong quy hoạch, sắp tới thôn Dak Sah sẽ được Nhà nước đầu tư xây dựng các công trình cơ sở hạ tầng phục vụ dân sinh, trong đó có 6 phòng học kiên cố. Đó là tín hiệu vui đối với người dân Dak Sah và trẻ em nơi đây bởi các em sẽ bớt được nhọc nhằn trong việc đi tìm cái chữ.

Minh Thông

Ý kiến bạn đọc