17:33, 04/12/2011
Không mất nhiều thời gian làm các thủ tục mượn sách, học sinh (HS) thoải mái đọc sách, báo, truyện trong giờ ra chơi, giờ sinh hoạt Đội, sinh hoạt ngoại khóa từ các thư viện xanh, thư viện mi ni, thư viện lưu động được đặt dưới những tán cây xanh trên sân trường, nơi góc lớp. Hàng chục cuốn sách được quay vòng một tuần ở các khối lớp đã cho thấy: mô hình các thư viện trên là cách làm hay, thiết thực và phù hợp đối với HS hiện nay.
Sân Trường Tiểu học Nguyễn Công Trứ (TP. Buôn Ma Thuột) giờ ra chơi rất náo nhiệt, từng nhóm HS tụm lại với các trò chơi dân gian như ném cầu, nhảy dây, bắn bi…và một số HS lại đang say sưa đọc sách, báo. Em Phạm Huỳnh Nguyên Hạnh, học sinh lớp 5A5 nói: “Đến giờ ra chơi, em và các bạn cùng lớp rủ nhau đọc sách, tìm hiểu những mẩu chuyện khoa học vui ở thư viện xanh được treo dưới những tán cây xanh”. Em Phạm Nguyễn Thục Nhi, lớp 5A2 cho biết: “Thư viện của trường chật chội, ngột ngạt nên chúng em rất ít khi đến đọc sách và cũng thường không mượn sách về lớp, về nhà đọc. Nhưng từ khi có thư viện mi ni, thư viện xanh và thư viện lưu động thì khác, hầu hết các bạn trong lớp đều có thể đọc sách trong thời gian rỗi, giờ ra chơi, giờ sinh hoạt sao, tiết sinh hoạt ngoại khóa. Đọc sách giúp chúng em biết được nhiều kiến thức hơn”.
|
Mô hình thư viện lưu động và thư viện xanh luôn thu hút học sinh đến đọc. |
Thư viện mi ni dành cho khối lớp 4 và 5; thư viện xanh khối lớp 2,3; phòng đọc chủ yếu khối lớp 1; riêng thư viện lưu động dành cho tất cả các khối lớp. Hằng tuần, Ban cán sự lớp lên thư viện nhận khoảng 30 đầu sách, truyện, báo về cho lớp, sau một tuần lại chuyển cho lớp khác. Cứ như thế sách, báo, truyện được quay vòng trong toàn trường. Ban cán sự lớp có trách nhiệm bảo quản, giữ gìn sách, báo và trả lại cho thủ thư trước khi nhận số sách, báo mới”. Để khuyến khích HS ham đọc sách, báo, vào tiết chào cờ thứ hai đầu tuần, nhà trường dành một khoảng thời gian nhất định giới thiệu những cuốn sách hay, bổ ích để HS tìm đọc. Công việc giới thiệu sách, truyện mới; không chỉ cô thủ thư thực hiện mà còn có sự tham gia của HS các lớp, vì vậy càng thôi thúc các em tò mò, tìm đọc. Cô Phạm Thị Kim Hồng, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Công Trứ chia sẻ: “Ngoài những đầu sách do các tổ chức, đơn vị, cá nhân ủng hộ, mỗi năm nhà trường đầu tư hơn 10 triệu đồng để trang bị thêm sách, báo, truyện cho thư viện. Tuy nhiên, vì thiếu phòng học, nhà trường đã trưng dụng thư viện để bố trí phòng thực hành vi tính nên phần nào hạn chế số lượng HS tìm đến thư viện. Hơn nữa thời gian để các em đọc sách không nhiều do cùng một lúc thư viện không thể đáp ứng cho tất cả HS mà phải phân chia thời gian đọc. Xuất phát từ thực tế trên, nhà trường đã xây dựng các mô hình thư viện, giúp HS tiếp cận với sách, báo, truyện thuận lợi hơn. Thay vì, một tuần một lần cả lớp nghe một bạn đọc báo thì bây giờ các em có thể lựa chọn cách đọc sách bất cứ lúc nào”. Em Nguyễn Tấn Dũng, học sinh lớp 4A4 nói: “Em rất mê truyện tranh, báo thiếu niên, hoa học trò… Mỗi khi đọc được bài viết, một câu chuyện hay, em lại kể cho các bạn trong lớp cùng nghe”. Không chỉ đọc, Dũng còn dành thời gian sưu tầm những mẩu chuyện, những bức hình đẹp theo chủ đề, chủ điểm mà nhà trường phát động. Sự say mê của Dũng đối với sách, báo đã cuốn hút ông, bà, bố, mẹ cùng tham gia sưu tầm. Hiện tại, Dũng đang sở hữu cuốn sách tự làm trên 100 trang, có hình minh họa sinh động.
Không chỉ có sách, báo của nhà trường, các em còn chuyền tay nhau những cuốn sách hay do bố mẹ mua. Thái độ tự tìm kiếm loại sách yêu thích đã giúp các em lĩnh hội kiến thức một cách chủ động chứ không bị động như trước đây và dần hình thành thói quen đọc sách mỗi khi tới trường.
Gia Nguyên
Ý kiến bạn đọc