Multimedia Đọc Báo in

Trường THPT Hai Bà Trưng (thị xã Buôn Hồ): Chú trọng giáo dục kỹ năng sống cho học sinh

17:31, 04/12/2011

Rụt rè, ái ngại, thậm chí giấu mặt sau lưng áo bạn vì sợ thầy giáo đề nghị trình bày sự hiểu biết về kỹ năng sống. Và rồi cả hội trường Nhà thi đấu đa năng của Trường THPT Hai Bà Trưng (thị xã Buôn Hồ) như vỡ òa trong tiếng vỗ tay với những câu trả lời về tình huống thường gặp của lứa tuổi học đường.

Mặc dù 14 giờ buổi nói chuyện chuyên đề “Ứng xử các tình huống trong học đường” mới chính thức bắt đầu. Nhưng khi tiếng trống báo hiệu giờ kiểm tra một tiết tập trung của bộ môn Toán khối lớp 12 vừa kết thúc, các em đã nhanh chóng có mặt tại hội trường Nhà thi đấu đa năng. Từng nhóm học sinh sôi nổi trao đổi về những câu hỏi tình huống mà Ban tổ chức đã chuyển cho mỗi lớp trước đó một tuần. Em Trần Ngọc Thành, lớp 12 A5 nói: “Cách đây nửa tháng, nhà trường tổ chức buổi nói chuyện chuyên đề về giáo dục sức khỏe sinh sản do bác sĩ, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng huyện đảm trách. Thông qua những mẩu chuyện từ thực tế cuộc sống đã giúp chúng em hiểu hơn về chăm sóc sức khỏe sinh sản; cách ứng xử khi gặp phải tình huống trên. Do đó, em và các bạn rất háo hức tham gia buổi nói chuyện hôm nay”. 
Đã có sự chuẩn bị trước về nội dung, những giải pháp để xử lý các tình huống nhưng ai nấy đều rụt rè, ái ngại, thậm chí nhiều em còn giấu mặt sau lưng áo bạn vì ngại ngùng không dám trình bày sự hiểu biết về kỹ năng sống. Chỉ đến khi Ban tổ chức buổi nói chuyện chỉ ra đây chính là sự yếu kém về kỹ năng giao tiếp, lúc này mới xuất hiện vài cánh tay xung phong trả lời tình huống. “Trong giờ học có bạn ngồi bên cạnh ngủ gục, em xử lý như thế nào?”. Em sẽ đánh thức bạn dậy. Em sẽ báo với Ban cán sự lớp và giáo viên chủ nhiệm để mời bạn ra ngoài, không làm ảnh hưởng tới cả lớp. Lại có ý kiến, em sẽ không xử lý như hai bạn trên. Trước tiên, em nhẹ nhàng gọi bạn dậy. Nếu bạn vẫn buồn ngủ, em sẽ mách bạn một cách là tự nhéo vào má của mình. Nếu bạn vẫn không tỉnh ngủ mình sẽ nhéo vào má giúp bạn… Câu trả lời vừa dứt, cả hội trường vang lên tiếng vỗ tay, không khí buổi nói chuyện bắt đầu nóng dần lên. Và rồi, cả hội trường gần như lắng lặng khi bạn Nguyễn Thị Lan, lớp 12A2 kể: “ Tôi biết được một kỹ năng sống khi đọc ở báo Hoa học trò viết về hành động dũng cảm của một bạn học sinh trung học phổ thông. Vào mùa lũ năm 2003, bạn học sinh đó đang trên đường đi học về thì thấy hai mẹ con bị nước lũ cuốn trôi. Không sợ hiểm nguy, bạn đã bất chấp tính mạng của chính mình để cứu hai mẹ con lên bờ an toàn. Vì nước lũ quá lớn, nên bạn học sinh đó đã không thoát khỏi dòng nước dữ. Hành động cứu người của bạn học sinh rất đáng hoan nghênh. Thông qua câu chuyện này, tôi muốn nhắn gửi đến các bạn một kỹ năng sống, hãy quan tâm, chia sẻ và yêu thương mọi người”.

Phần xử lý tình huống luôn gây hứng thú nhiều nhất cho học sinh.
Phần xử lý tình huống luôn gây hứng thú nhiều nhất cho học sinh.
Buổi nói chuyện còn tiếp tục với những tình huống: “Mình lỡ có quan hệ với bạn S, mình ân hận lắm vì nông nổi và sợ… Vậy lời khuyên của bạn là gì? Hay em có thể rút ra kết luận về tình yêu qua truyện ngắn “Khôn ba năm dại một giờ”; thế nào là biết lắng nghe tích cực trong giao tiếp giữa giáo viên và học sinh; những kỹ năng cụ thể giúp học sinh giao tiếp với học sinh được tốt… Có nhiều ý kiến, cách ứng xử khác nhau trước mỗi tình huống, nhưng qua những bài học đơn giản như thế sẽ giúp các em có được kỹ năng cần thiết để ứng phó với những tác động xấu ảnh hưởng đến cuộc sống. Từ đó, dần hình thành thái độ tích cực trong học tập, xây dựng cuộc sống khỏe về thể chất, mạnh về tinh thần, hiểu biết về xã hội.

Cô Lê Thị Hồng Thanh, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Hai Bà Trưng cho biết, tăng cường giáo dục đạo đức, rèn luyện kỹ năng sống cho học sinh là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của nhà trường. Đến nay, hầu hết giáo viên trong nhà trường đã biết vận dụng kiến thức tiếp thu được để lồng ghép, tích hợp các nội dung về giáo dục kỹ năng sống vào bài giảng trên lớp. Tuy nhiên, so với yêu cầu và đặc biệt do đặc thù bộ môn, nội dung giáo dục kỹ năng sống cho học sinh hiện nay còn khá gò bó, khiên cưỡng. Do đó, bắt đầu từ năm học 2011-2012, Ban Giám hiệu nhà trường đã mạnh dạn đổi mới việc giáo dục kỹ năng sống cho học sinh. Cụ thể, giao cho tổ chức Đoàn thanh niên chủ động tổ chức những buổi nói chuyện theo từng chủ đề, chủ điểm để học sinh có cơ hội bày tỏ tâm tư, tình cảm, những mong muốn, suy nghĩ tới BGH nhà trường và ngược lại. Mục tiêu của nhà trường giáo dục kỹ năng sống cho học sinh phải bắt đầu từ những việc cụ thể nhất, nhỏ nhất.

Ông Phan Hồng, Giám đốc Sở GD-ĐT cho biết, 100% trường học đã xây dựng được Quy tắc ứng xử giữa các thành viên trong nhà trường và có biện pháp giám sát, kiểm tra, đánh giá việc thực hiện hằng ngày. Nhờ vậy, trong 2 năm học 2009-2010 và 2010-2011, toàn ngành chưa có trường hợp nào vi phạm đạo đức nhà giáo hoặc đối xử không thân thiện với học sinh. Bên cạnh đó, để rèn luyện kỹ năng sống cho học sinh, nhiều trường đã thành lập các câu lạc bộ thể dục thể thao, hát dân ca, thanh niên cùng tiến; đồng thời tổ chức các hoạt động ngoài giờ lên lớp với nội dung: giáo dục ý thức bảo vệ sức khỏe; phổ biến, giáo dục pháp luật; phòng chống  ma túy, HIV/AIDS; phòng chống tệ nạn xã hội, mại dâm; phòng chống tai nạn thương tích; an toàn giao thông và các chương trình theo chủ đề, chủ điểm “ Khi tôi 18” và “ Học kỳ trong quân đội”…

Nguyên Hoa

Ý kiến bạn đọc