Multimedia Đọc Báo in

Nghị lực vượt khó học giỏi của một học sinh vùng sâu

09:01, 20/03/2012

Mặc dù gia đình có hoàn cảnh rất khó khăn nhưng Sùng Thị Mầu (dân tộc Mông), học sinh lớp 5A1, Trường Tiểu học Cư Pui 2 (Krông Bông) đã nỗ lực vượt khó, nhiều năm liền đạt danh hiệu học sinh giỏi và học sinh tiên tiến.

Sùng Thị Mầu đang tranh thủ học bài.

Bố mẹ của Mầu mới ngoài 30 tuổi nhưng đã có 6 đứa con, em út của Mầu mới hơn 7 tháng tuổi. Bố em là anh Sùng Văn Khài bị bệnh tâm thần gần 10 năm nay, mỗi tuần lên cơn vài ba lần, mẹ em thì phải dành phần lớn thời gian chăm em nhỏ. Trong căn nhà xiêu vẹo, xập xệ, gia tài chẳng có thứ gì ngoài những chiếc giường làm bằng lồ ô và 1 chiếc bàn nhựa. Anh Sùng Văn Khài cho biết: "Mình vào đây từ năm 1997, trước kia khai hoang được nhiều đất lắm nhưng do bị bệnh nên mình bán hết để lấy tiền chạy chữa, giờ bệnh vẫn chưa khỏi, thỉnh thoảng lại lên cơn nên không đi làm được. Bé Mầu giỏi lắm, nó rất chăm học, chăm làm. Là con đầu trong gia đình nên ngoài việc học ra thì Mầu giúp đỡ gia đình làm đủ mọi việc giống như một lao động chính trong gia đình vậy". Quả thật, mới 14 tuổi nhưng Mầu có vẻ già dặn trước tuổi. Ngoài giờ học, em tranh thủ giúp đỡ công việc cho gia đình, chỉ tranh thủ những lúc rảnh rỗi mới lấy sách vở ra học, chỗ học của em là góc giường hoặc hiên nhà. Khó khăn là vậy nhưng Mầu rất ham học và học khá giỏi. Cô Trần Thị Tâm, giáo viên chủ nhiệm lớp 5A1 cho biết: "Em Sùng Thị Mầu là một học sinh ngoan ngoãn, lễ phép. Tuy hoàn cảnh gia đình của em hết sức khó khăn nhưng em đi học rất chuyên cần, trong lớp chăm chú nghe giảng và thường xuyên tham gia phát biểu xây dựng bài. Em còn gương mẫu tham gia các phong trào của lớp. Bốn năm liền, Mầu đều đạt học sinh giỏi và học sinh tiên tiến của trường".

Ước mơ của cô bé người Mông này rất giản dị, chỉ là mong tiếp tục được đi học để mai này làm cô giáo dạy các bạn người Mông. Cô trò nhỏ tâm sự: “Hoàn cảnh gia đình của em khó khăn lắm, không biết em có thể theo học được bao lâu nữa. Em mong sao bố em khỏi bệnh để cùng mẹ đi làm nương rẫy để đủ cơm ăn, áo mặc cho em và các em của em được tiếp tục đi học".

Tùng Lâm


Ý kiến bạn đọc