Huyện Krông Bông: Giáo dục tại vùng dân di cư - ngổn ngang những khó khăn
Năm học 2012-2013, huyện Krông Bông có 3.312 học sinh theo diện di cư tự do (chủ yếu là người dân tộc Mông), tập trung ở các xã Hòa Phong, Cư Pui và Cư Drăm. Mặc dù đã được các cấp ngành, địa phương quan tâm rất nhiều song đến nay, chất lượng giáo dục còn rất thấp; tỷ lệ học sinh lưu ban, bỏ học hằng năm vẫn còn cao; cơ sở vật chất còn nhiều tạm bợ và thiếu thốn.
Việc nâng cao chất lượng học sinh theo diện di cư tự do luôn được các trường đặc biệt quan tâm. Tuy nhiên, do trình độ nhận thức, điều kiện học tập của học sinh gặp nhiều hạn chế, đặc biệt là rào cản ngôn ngữ đối với học sinh ở bậc mầm non và tiểu học (100% học sinh ở các lớp mầm non và trên 80% học sinh lớp 1 chưa sử dụng được tiếng Việt khi giao tiếp), nên dù đã có nhiều cố gắng nhưng chất lượng học tập của học sinh vẫn còn khá thấp; tỷ lệ học sinh lên lớp hằng năm chỉ đạt trên 80%. Cô Hoàng Thị Thu, Hiệu trưởng Trường Mẫu giáo Cư Pui cho biết: “Tỷ lệ huy động trẻ 3-5 tuổi ra lớp ở các thôn người dân tộc thiểu số chỉ đạt trên 40%. Trường có 9 lớp với hơn 300 học sinh diện di cư tự do, nhưng chưa lớp nào thực hiện việc học 2 buổi/ngày. Các cháu thường xuyên vắng học vì rất nhiều nguyên nhân và đa số các cháu không hiểu, thậm chí không giao tiếp được bằng tiếng phổ thông, hơn nữa gia đình ít quan tâm đến việc giáo dục con em ở nhà nên rất khó để nâng cao chất lượng…”.
Một phòng học tạm ở Trường Tiểu học Cư Pui 2. |
Bên cạnh đó, tỷ lệ học sinh thuộc diện này bỏ học hằng năm cũng khá cao. Kết thúc năm học 2011-2012, tỷ lệ học sinh di cư ở các trường bỏ học trên 6% (riêng Trường THCS Cư Pui là 9,4%). Ông Lò Tiến Dũng, Trưởng thôn Ea Rớt (xã Cư Pui) làm phép tính thống kê: “Cách đây 13 năm, ở Ea Rớt có gần 60 học sinh theo học tiểu học. Số học sinh ấy bây giờ hầu như đã nghỉ học, chỉ còn vẻn vẹn 1 cháu đang theo học lớp 11 Trường THPT Trần Hưng Đạo. Các cháu bỏ học vì phải đi học xa, nhiều gia đình đông con, khó khăn, ít quan tâm đến việc học của các cháu. Hơn 200 học sinh của thôn hiện nay vẫn chưa nhận được hỗ trợ theo Nghị định 49 của Chính phủ vì gia đình chưa có sổ hộ khẩu”. Hiện tại hơn 400 học sinh di cư học ở các Trường THCS Hòa Phong, THCS Cư Pui, THCS Cư Drăm và THPT Trần Hưng Đạo phải đi học xa do nhà cách trường hàng chục km. Nhiều gia đình đã mượn đất xung quanh trường để dựng hàng chục căn lều cho các em ở. Thầy Nguyễn Văn Nhân, Hiệu trưởng Trường THCS Cư Drăm cho biết: Trường có 180 em học sinh người Mông có nhà ở cách xa trường hơn 20 km. Nhà trường đã làm đề án đề nghị cho mở bán trú nhưng chưa được chấp nhận. Do vậy các em vẫn phải đi học xa, một số gia đình mượn đất làm nhà cho các em ở tạm trong thời gian theo học tại trường. Phải độc lập sinh hoạt, học tập trong điều kiện khó khăn, thiếu thốn, không có người kiểm tra, hướng dẫn ngoài giờ lên lớp nên các em theo học rất vất vả.
Một khó khăn nữa là về cơ sở vật chất, hiện tại các Trường Tiểu học Cẩm Phong, Tiểu học Cư Pui 2, Tiểu học Yang Hăn, Mẫu giáo Cư Pui vẫn còn 34 phòng học tạm, xuống cấp. Thầy Trần Khánh Dư, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Cẩm Phong (xã Hòa Phong) cho biết: “Điểm trường Noh Prông của trường được thành lập cách đây 10 năm. Đến nay đã có 12 lớp với 320 học sinh dân tộc Mông nhưng chỉ có 6 phòng học tranh tre, dựng trên đất mượn của dân. Do không có phòng học nên mặc dù có những lớp quá đông cũng không thể chia tách lớp, ảnh hưởng đến việc nâng cao chất lượng”.
Theo ông Lê Xuân Quý, Phó trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Krông Bông, để giảm bớt khó khăn ở các điểm trường có học sinh di cư, trong thời gian tới, Phòng Giáo dục và Đào tạo sẽ tham mưu với cấp trên ưu tiên nguồn vốn cho việc xóa phòng học tạm ở các trường tiểu học vùng dân di cư; chỉ đạo các trường tìm giải pháp nâng cao chất lượng, hạn chế tình trạng học sinh bỏ học; phối hợp với các địa phương đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục…
Tùng Lâm
Ý kiến bạn đọc