Multimedia Đọc Báo in

Nước mắt phụ huynh ngày khai trường

15:23, 13/09/2013
Cũng như những học sinh bình thường khác, các học sinh khuyết tật tại Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật tỉnh cũng háo hức bước vào năm học mới. Tuy nhiên, với không khí ồn ào, náo nhiệt ở các trường khác thì nơi đây, nụ cười lại rất ít mà thay vào đó là những giọt nước mắt thương cảm của các bậc phụ huynh, của những người đến dự trước số phận, hoàn cảnh không may mắn của các em.
Học sinh khuyết tật trong ngày khai giảng  năm học mới 2013-2014.
Học sinh khuyết tật trong ngày khai giảng năm học mới 2013-2014.

Tham dự Lễ khai giảng tại Trung tâm, chúng tôi đã không kìm nén được cảm xúc của mình khi chứng kiến những cô, cậu bé còn quá nhỏ để cảm nhận nỗi đau trên cơ thể, bởi các em đều mang dị tật, khiếm khuyết. Trong khi những em khiếm thị, khiếm thính lặng lẽ ngồi yên trên chiếc ghế nhỏ, thì không ít em bị down, thiểu năng trí tuệ lại nghịch ngợm, quậy phá trong vô thức… Sự háo hức, phấn khởi trong “ngày đầu tiên đi học” của các em mang theo nỗi buồn, sự lo lắng của người thân. Và cũng chính ở đó, thay vì “em mắt ướt nhạt nhòa” trong ngày đầu đi học thì đôi mắt của các bậc phụ huynh lại đỏ hoe, ngấn nước khi cảm nhận nỗi đau vô hình trên cơ thể con em mình. Dẫu thế, để con được tham dự Lễ khai giảng như bao đứa trẻ khác, họ đã vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, trong đó có phụ huynh đã vượt đoạn đường cả trăm cây số từ những vùng sâu, vùng xa trên địa bàn tỉnh để đưa con tới trường từ khi trời còn tờ mờ sáng.

Trong phần trang trọng của buổi lễ khi hát Quốc ca, chúng tôi đã lặng người và thật sự xúc động khi nhìn những em học sinh thể hiện bài hát bằng đôi bàn tay.  Không thể nghe âm vang của tiếng trống khai trường, không thể biểu đạt niềm tự hào qua giọng hát, mà qua đôi tay và ánh mắt, và niềm cảm xúc từ tận trái tim mình của các em, chúng tôi cảm nhận được niềm hạnh phúc và nghị lực từ chính các em. Nói như lời của một đại diện Sở GD&ĐT phát biểu trong buổi khai giảng: các em là những học sinh bị thiệt thòi, do đó cần nhiều hơn nữa sự quan tâm, tấm lòng yêu thương, chia sẻ của gia đình và xã hội để các em sớm hòa nhập với cộng đồng.

Thúy Hồng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.